Chúa Nhật IV TN C 2025: Làm ngôn sứ cho Tin Mừng Tình Yêu
Chúa Nhật IV TN C 2025
Làm ngôn sứ cho Tin Mừng Tình Yêu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Tuần trước chúng ta đã tìm hiểu Tin Mừng là Chúa Giêsu và cũng cần phải loan báo Tin Mừng “của” Chúa Giêsu để hoàn thành “kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu” (x. Docat, chương I, NXB Tôn Giáo, 2017, tr. 14-31). Tuần này, qua các bài Thánh Kinh, Chúa mời gọi ta suy nghĩ về sứ mệnh của Người và cũng là của ta: đó là làm ngôn sứ để loan báo Tin Mừng Tình Yêu. Vậy sứ mệnh đó là gì và ta thực hiện nó như thế nào?
1. Sứ mệnh làm ngôn sứ cho muôn dân
Mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương, chọn lựa từ muôn thuở để làm chứng cho Ngài, như ngôn sứ Giêrêmia đã nhắc nhở trong Bài đọc I (x. Gr 1,5.17): “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi. Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân… Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi”. Như thế, chúng ta trở thành ngôn sứ không phải chỉ cho anh em đồng đạo trong Giáo Hội, mà còn cho mọi người đang sống quanh ta, cho muôn vật đang hiện diện bên ta trong vũ trụ này.
Chúng ta phải làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Người làm chứng rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng, yêu cho đến chết trên thập giá rồi sống lại để làm chứng cho tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa. Toàn thể cuộc đời của Chúa Giêsu là lời chứng cho tình yêu, là Tin Mừng Tình Yêu và chúng ta được mời gọi làm ngôn sứ nói Tin Mừng đó cho con người và thế giới hôm nay. Đó là sứ mệnh cao cả của người tín hữu Kitô.
2. Tính cách hôm nay trong sứ mệnh của ta
Lời Chúa Giêsu nói với ta: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Lc 4,21) diễn tả 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là tính cách hiện tại, liên can đến thời gian đang diễn ra, đối lập với quá khứ và tương lai. Yếu tố thứ hai là tính cách hiện thực, liên can đến nội dung ơn cứu độ: đó là sự việc có thật, đang tồn tại trong thực tế.
Tính cách “hôm nay” không phải chỉ muốn nói đến việc Chúa Giêsu đã được Chúa Cha chọn lựa hay việc Chúa Giêsu tuyển chọn các tông đồ thời xưa để các ngài làm ngôn sứ cho muôn dân. Tính cách hôm nay chính là mỗi người chúng ta hiện đang được Chúa yêu thương, chọn lựa và ban nhiều ân sủng của Chúa Thánh Thần để ra đi loan báo Tin Mừng Tình Yêu cứu độ và làm chứng cho tình yêu cứu độ đó.
Chúng ta cũng phải đến với mọi người, mọi vật để loan báo sự thật cứu độ ấy bằng việc hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, cho người tội lỗi được ăn năn thống hối, cho người chết về thể xác hay tâm hồn được sống lại, cho người nghèo khó được nghe Tin Mừng như Chúa Giêsu. Nhưng nếu ta chỉ biết “con chiên” trong xứ đạo của mình, của giáo phận hay của Giáo Hội toàn cầu, mà không nhận ra muôn người, muôn vật đang cần nghe Tin Mừng đó ở sát ngay bên ta, thì làm sao thực thi được sứ mệnh?
Tính cách hôm nay cũng mời gọi ta nhìn vào xã hội hiện tại để giúp cho muôn người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa. Họ là hàng triệu người nghèo khổ, đang phải bới moi thùng rác mỗi ngày, không bán được hàng hoá, nông sản hay đang thất nghiệp. Tin Mừng ấy không phải là những lời chúc phúc suông, nhưng là những chiếc bánh, tấm áo, túi gạo, viên thuốc hay việc làm cụ thể. Chúng ta chưa nói được Tin Mừng cụ thể ấy như Chúa Giêsu vì ta còn thiếu ân sủng của Thánh Thần và chưa thở được Thần Khí của Người.
Tính cách hôm nay là ta phải nhận ra người nghèo nơi hàng triệu bệnh nhân đang nằm chật cứng trong các bệnh viện, trạm xá, đang bị bóc lột bởi những xét nghiệm, chụp hình đủ thứ, dù không cần thiết, hoặc kê những toa thuốc mắc tiền chỉ để nuôi bệnh, bán thuốc, chứ không chữa lành. Việc này khiến nhiều khi họ phải mượn tiền xã hội đen hay bán rẻ chính con người mình để chữa trị bệnh tật cho người thân. Riêng trong lĩnh vực tâm thần, họ là 14 triệu người Việt Nam đang bị tâm thần, trong đó 3 triệu người bệnh nặng cần giúp đỡ. Vậy ta làm gì để cứu giúp họ nếu không có tình yêu của Chúa Giêsu và ơn Chúa Thánh Thần?
Họ là hàng chục triệu người trẻ, từ các cháu bậc tiểu học đến sinh viên trong các đại học, đang sống trong tình trạng căng thẳng vì những chương trình giáo dục nặng nề, học đêm học ngày mà thấy kiến thức mình thu nhận được hầu như không giúp cho mình sống chân thực, trong sáng, quảng đại, an bình. Nhiều thông tin trên sách báo, truyền hình hay mạng xã hội chỉ quảng cáo hàng hoá, đánh bóng giả tạo những khuôn mặt nghệ sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá và cả những nhà lãnh đạo cho đến khi những tấm mặt nạ của họ rơi xuống trên sân khấu cuộc đời.
3. Bài học yêu thương hôm nay
Vậy ngôn sứ chúng ta phải loan báo Tin Mừng Tình Yêu như thế nào?
Trước hết, thánh Phaolô mời gọi ta nhận ra giá trị cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa là Đức Mến để xin Chúa ban ân huệ này cho ta (x. 1Cr 12,31-13,4-13). Đức mến chính là “ân sủng tình yêu mà Thiên Chúa đổ vào lòng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta” (Rm 5,5).
Tuy nhiên, đức mến còn là một đức tính xã hội phải tập luyện không ngừng. Vì thế, Chúa Giêsu đang mời gọi ta nhìn vào xã hội hôm nay để thể hiện bài học yêu thương của Người và dạy cho người khác, nhất là các bạn trẻ, bài học yêu thương này bằng chính đời sống hằng ngày. Yêu thương là dám nhìn vào đời sống hiện thực của mình và của cộng đồng để sống “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).
Người dân làng Nazareth mơ ước phép lạ. Họ đòi hỏi phép lạ nhưng lại không có lòng tin và tình yêu đối với Chúa Giêsu. Họ chỉ thích lợi lộc, giống như nhiều người thời nay, chỉ đi tìm danh vọng và của cải vật chất, chỉ thích thoả mãn bản năng thấp hèn và những đòi hỏi tầm thường của đời sống, thì làm sao có thể cảm nghiệm được tình yêu cao cả và quyền năng phi thường của Thiên Chúa. Nhưng khi Chúa Giêsu nói lên sự thật đó thì người ta lại nổi giận muốn xô Người xuống vực thẳm.
Chúng ta cần phải can đảm nói lên sự thật đó, dù biết rằng mình có thể bị loại trừ, bị ném chất bẩn vào nhà hay bôi bẩn trong các thông tin ngoài xã hội. Nhưng nếu ta giữ im lặng là ta đồng loã với cái dối gian, tàn ác, xấu xa. Các Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI và nhất là Gioan Phaolô II mời gọi ta “đừng sợ” như Giêrêmia “đừng run sợ”, nhưng hãy “yêu cho đến cùng” như Chúa Giêsu, hãy can đảm nói lên sự thật để giúp nhau đi vào con đường sự sống của Người.
Lời kết
Chúa Giêsu đang mời gọi ta thể hiện bài học yêu thương của Người cho xã hội hôm nay bằng đời sống tích cực, hào hiệp, hy sinh. Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hoàn thành sứ mệnh Chúa giao phó. Amen.