Chúa Nhật XXXI TN B 2024
Điều luật căn bản về tình yêu
Đức Giêsu là Ngôi lời Thiên Chúa làm người nên Người đã nối kết điều luật tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với con người trong một tình yêu duy nhất và Người đã thể hiện tình yêu đó trong đời sống của mình.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Trong dòng đời của một con người cũng như của một dân tộc, như dân Do Thái, ai cũng muốn được sống lâu dài. Họ đã khám phá ra một bí quyết để đạt được điều đó: là “phải yêu mến Đức Chúa, là Thiên Chúa chúng ta hết lòng, hết linh hồn, hết sức và phải yêu người thân cận như chính mình” vì “Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất (x. Đnl 6,2-6). Đức Giêsu cũng đã xác nhận điều luật căn bản này trong bài Tin Mừng (x. Mc 12,28-34). Người đã giải thích cho ta hiểu điều luật căn bản này cần phải được hiểu và giữ như thế nào thì mới tìm được sự sống vĩnh hằng.
1. Những hiểu lầm của con người về sự sống vĩnh hằng
Vào đầu thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, dân tộc Do Thái, nhờ được Thiên Chúa mạc khải và dưới sự dẫn dắt của ông Moisê, họ nhận ra các thần linh do tinh thần con người tưởng tượng ra đều không có thật. Các tượng thần bằng gỗ, đá, bạc, vàng chỉ là sản phẩm từ tay con người. Chúng không đáng cho con người kính sợ và càng không đáng yêu thương vì chúng chẳng đem lại gì cho sự sống con người. Chính chúng cũng chắng có sự sống vì “chúng có mắt, có miệng mà không nhìn không nói. Có mũi, có tai mà không ngửi không nghe” (x. Tv 113, 5-6).
Nhưng vì các giá trị tinh thần như tình yêu, tư tưởng, hạnh phúc, sự sống, chân thiện mỹ … đang tồn tại, nên chắc chắn phải có một Đấng Tối Cao là tinh thần tuyệt đối, cai quản muôn loài và là nguồn của tất cả hiện hữu. Chỉ Đấng đó là thần linh duy nhất, nên khi kính sợ và yêu mến Đấng đó hết lòng, hết linh hồn, hết sức thì con người đón nhận được sống vĩnh hằng. Cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ người Ai Cập, nhất là những năm lưu lạc trong hoang địa và sau này việc lập nên nước Do Thái với những thăng trầm của lịch sử đã giúp người Do Thái nhận ra rằng các điều luật căn bản đó rất cần để đạt được sự sống lâu dài.
Tuy nhiên, mọi người đều đã chết và dân tộc Do Thái cũng không tồn tại từ năm 70 khi người La Mã phá bình địa thành Giêrusalem cho đến ngày 14/5/1948 khi David Ben Gurion lập lại được nước Do Thái. Tại sao? Tại vì những điều luật đó còn thiếu sót, cần được bổ túc về nội dung và cách thức tuân giữ.
Trong lịch sử nhân loại, chỉ mình Đức Giêsu mới đủ tư cách để thực hiện công việc này vì Người là Con Thiên Chúa đã đến trần gian để dạy cho ta con đường sự thật tuyệt đối và sự sống vĩnh hằng. Chính Người còn dâng mình làm của lễ đền tội cho dân chúng và trở thành vị thượng tế hằng sống để chuyển cầu cho ta được sống muôn đời như Thiên Chúa (x. Dt 7,23-28).
2. Đức Giêsu dạy ta điều luật căn bản về tình yêu
Người Do Thái và nhiều người khác đều biết điều luật căn bản này, nhưng lại hiểu chưa đúng về tình yêu và mỗi người yêu cách khác nhau, nên không cảm nhận được sự sống vĩnh hằng trong đời mình. Vì thế Đức Giêsu muốn dạy ta rất kỹ về nó.
Trước hết, Người nói về một tình yêu toàn diện phải dành cho Thiên Chúa: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Trong thực tế đời sống, chúng ta thường dành phần hồn để yêu Chúa, dành lòng để yêu người, dành trí để học hành, làm việc, dành sức để giải trí, chơi bời. Chúa chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đời sống của ta, trong khi đáng lý Ngài phải là tất cả cho ta và ta phải dành tất cả cho Ngài.
Người ta thường dành phần lớn tình yêu cho cha mẹ, vì nghĩ rằng cha mẹ cho ta sự sống thể xác. Nhưng khi ta hiểu biết thể xác vật chất với những nguyên tố vũ trụ thay đổi không ngừng, hàng triệu tế bào mới thay đổi mỗi ngày thì cha mẹ chỉ góp phần rất nhỏ cho đời ta. Cha mẹ cũng không thể cho ta tình yêu, tri thức, hạnh phúc, chân thiện mỹ và sự sống vĩnh hằng. Chính những giá trị tinh thần này mới định hình cho thể xác để làm cho ta thành một con người toàn diện với nhân phẩm cao quý của mình.
Như thế, việc ta dành toàn thân cho Thiên Chúa chỉ là luật công bằng vì Ngài đã ban tất cả cho ta và đòi ta trả lại tất cả cho Ngài. Nhưng rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ, chưa hiểu được điều đó. Mỗi ngày ta thở hơn 10.000 lít không khí để chuyển hoá máu đen thành máu đỏ cho sự sống thể xác, nhưng có mấy người trả cho Chúa một xu nhỏ hay một lời cảm ơn? Mỗi ngày ta yêu, ta nghĩ, nhưng thử hỏi ai đã ban tình yêu, và tri thức cho ta? Nhiều người nghĩ rằng tình yêu tự nhiên mà có, tư tưởng do học hành mà kiếm được vì chúng nằm sẵn trong trái tim hay bộ não của mình. Nhưng nếu mổ trái tim, ta chỉ thấy những thớ thịt, giải phẫu bộ não ta chỉ thấy những xung động điện của các tế bào thần kinh. Chẳng có nơi nào trong thân xác chứa đựng tình yêu hay tư tưởng cả.
Vì thế, nếu phân tích kỹ hơn câu trích dẫn của Chúa Giêsu và so sánh với câu của Moisê, ta thấy Người đã thêm một chi tiết quan trọng: “hết trí khôn”. Đây là điểm khác biệt mà ít người quan tâm. Chỉ khi yêu với hết trí khôn, ta mới có thể hiểu biết thật sự Thiên Chúa, con người và vạn vật để yêu mến như Chúa Giêsu. Nhiều người chỉ yêu theo bản năng, cảm xúc, cảm tình chứ không bằng trí khôn của mình.
Điểm bổ túc thứ hai là Chúa Giêsu đã đặt điều luật yêu thương “người thân cận như chính mình” ngang tầm quan trọng với điều luật yêu mến Thiên Chúa. Rất nhiều người đều cho điều luật đối với Thiên Chúa là quan trọng hơn và có quyền ưu tiên. Người ta sẵn sàng hy sinh con người để bảo vệ quyền lợi của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hình như đang đảo ngược vị trí và trật tự trong tình yêu khi Người dạy ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Người cũng nhắc bảo chàng thanh niên về về các giới răn đối với con người trước các giới răn đối với Thiên Chúa (x. Mc 10,19). Thánh Gioan đã hiểu đúng ý của Chúa Giêsu khi dạy ta: “Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (x. 1Ga 4, 20-21).
Chúng ta cũng lưu ý đến từ “người thân cận” theo nghĩa người thân thiết và gần gũi, chứ không phải là con người nói chung, ở cách xa mình. Đó là những con người cụ thể, đang sống trong môi trường của ta, với những cá tính khác biệt, thậm chí khốn khổ, nghèo túng, thấp kém hơn ta trong các đẳng cấp xã hội. Ngày 1/10/2024, tại vương cung thánh đường thánh Phêrô, trong dịp khai mạc khoá thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục về Giáo Hội hiệp hành, 7 hồng y đại diện Giáo Hội đã đọc các lời xin tha thứ về các tội mà Giáo Hội đã xúc phạm đến những người thân cận, cùng đồng hành với mình. Những lời thú tội và xin lỗi ấy có phải là của ta không hay chúng ta đứng thẳng, ngạo nghễ nhìn người khác đấm ngực sám hối?
Điểm bổ túc cuối cùng và thật sự giúp ta tìm được sự sống đời đời, hoàn thành các điều luật căn bản: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 15,12). Đức Giêsu là Ngôi lời Thiên Chúa làm người nên Người đã nối kết điều luật tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với con người trong một tình yêu duy nhất và Người đã thể hiện tình yêu đó trong đời sống của mình.
Lời kết
Vì thế, gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu và thể hiện tình yêu như Người là ta sẽ cảm nhận được sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa ngay trong cuộc đời trần thế này. Amen.