23/01/2025

Chúa Nhật 21.07.2024
Chạnh Lòng Thương

Chúa Nhật Tuần XVI – Mùa Thường Niên

Gr 23,1-6 • Tv 22,1-3a.3b-4.5.6 (Đ. c.1) • Ep 2,13-18 • Mc 6,30-34

TN16CN - B

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mác-cô

30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Chạnh Lòng Thương

Ngày nay người ta nói rất nhiều đến căn bệnh vô cảm. Nò vừa nguy hại đến mối tương giao con người, vừa làm băng hoại xã hội. Bệnh vô cảm là căn bệnh tâm hồn nơi những người sống ích kỷ, thờ ơ, làm ngơ với người bất hạnh. Họ có trái tim mùa đông lạnh giá. Có thể nói “nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Bệnh vô cảm luôn đi ngược lại với bác ái Kitô giáo. Để chữa được bệnh vô cảm, ta cần phương thuốc chạnh lòng thương như được đề cập trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Chạnh lòng thương là một đặc thù quan trọng trong đời sống đạo, và giúp chúng sống các khía cạnh sau:

Nhận ra nhu cầu: Khi biết chạnh lòng thương, chúng ta không chỉ tập trung vào bản thân mình mà còn nhận ra nhu cầu của người khác. Đôi khi, chúng ta bị cuốn vào cuộc sống bận rộn đầy lo toan của bản thân mà quên đi sự nghèo đói và bất hạnh của tha nhân. Khi biết chạnh lòng thương, chúng ta có trái tim biết hướng về người nghèo và bất hạnh, có tâm hồn nhạy bén và đồng cảm trước nỗi khổ của tha nhân, và nhận ra nhu cầu cần giúp đỡ của anh chị em đồng loại.

Thúc đẩy hành động: Chạnh lòng thương không chỉ dừng lại ở cảm xúc, mà cần được biểu hiện qua hành động cụ thể. Khi ta nhận thấy ai đó gặp khó khăn, chúng ta cần quan tâm giúp đỡ. Quan tâm không chỉ bằng miệng lưỡi, mà còn bằng cách đưa đôi bàn tay ra. Hành động xuất phát từ chạnh lòng thương có thể là chia cơm sẻ bánh, và nâng đỡ kẻ khốn cùng, hoặc đơn giản là lắng nghe chân thành, và động viên đầy cảm thông.

Tạo nên sự liên đới: Chạnh lòng thương không chỉ là một hành động cá nhân, mà còn là cách để chúng ta liên đới với nhau và với Chúa. Khi chạnh lòng thương, chúng ta biết đồng cảm và chia sẻ gánh nặng của tha nhân. Khi làm điều này, chúng ta gầy dựng sự liên đới tinh thần với người khác. Khi chạnh lòng thương và hỗ trợ nhau, chúng ta tạo ra một cộng đồng gắn kết, vì mỗi chúng ta không còn là cá nhân cô độc mà là thành phần của một cộng đồng rộng lớn hơn.

Kiến tạo công bằng và hòa bình: Chạnh lòng thương khiến chúng ta đứng về phía người nghèo khó, người bị bạo hành, người bị kỳ thị, người bị gạt ra bên lề. Chạnh lòng thương cũng khiến chúng ta biết tha thứ cho những ai đã gây tổn thương, xóa bỏ những hận thù, không áp bức và xâm phạm quyền lời của tha nhân, và khi cần thiết, và không im lặng trước sự bất công và bạo lực. Nhờ đó chúng ta góp phần vào việc kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. 

Là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa: Chạnh lòng thương không chỉ là một khía cạnh của cuộc sống hằng ngày, mà còn là một giá trị thiêng liêng quan trọng trong nhiều tôn giáo. Với Kitô giáo, chạnh lòng thương là một phần không thể thiếu của tình yêu thương và phục vụ. Nó giúp chúng ta giống Chúa trong việc yêu thương và chăm sóc người khác. Chạnh lòng thương cũng là một cách để chúng ta thể hiện lòng biết ơn và sự tôn trọng đối với Thiên Chúa vì những ân huệ và tình yêu vô tận mà Ngài đã ban cho chúng ta, và cũng là phương thế để chúng ta gặp Chúa trong tha nhân (Mt 25,40)

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam