22/11/2024

Chủ Nhật 30.06.2024
Chạm Đến Chúa Để Được Sống

Chúa Nhật Tuần XIII – Mùa Thường Niên

Kn 1,13-15; 2,23-24 • Tv 29,2 và 4.5-6.11-12a và 13b (Đ. 2a) • 2 Cr 8,7.9.13-15 • Mc 5,21-43

CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-B | Giáo Phận Bà Rịa

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mác-cô

21 Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23 và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. 28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” 31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Chạm Đến Chúa Để Được Sống

Con người phải chết: Cái chết vẫn luôn là một rào cản gây bế tắc cho con người mọi thời mọi nơi, đến nỗi người ta nghĩ rằng “con người sinh ra là để chết!”. Vịnh gia cũng thốt lên: “Sống làm người ai không phải chết? Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty” (Tv 89,49). Do đó, khi đối diện với cái chết, ai cũng hoang mang và sợ hãi. Biết thế, tác giả sách Khôn ngoan trong bài đọc 1 đã khẳng định: sự chết không thể có ở nơi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chỉ tạo nên sự sống để mang lại hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, chính vì sự ganh tỵ của quỷ dữ mà cái chết đã xâm nhập vào thế gian, những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết. Giáo lý của Do Thái vẫn bế tắc trước cái chết, vì chưa được soi sáng bởi cái chết của Đức Giêsu. 

Chúa cho sống lại: nếu có quan niệm “con người sinh ra là để chết!” để “ngã xuống âm ty” thì bài Phúc Âm cho biết Chúa Giêsu đến để “nâng con người lên”, để “làm cho sống”. Chúa cho người nữ bị băng huyết (chết dần) được phục hồi sự sống và con gái ông Giairô đã chết nay được sống lại. Quả thế, “Chúa được lợi gì khi ta phải chết, được ích kỷ nếu ta phải xuống mồ” (Tv 29,10). Chúa Giêsu đã đến để làm cho con người “chỗi dậy”, “làm cho sống”, vì Ngài là Đấng được Chúa Cha cho chỗi dậy từ cõi chết để sống lại muôn đời và trở thành nguồn ban sự sống. Để được như thế, cần có một điều kiện.

Cho Chúa chạm đến: Những “ai chạm đến Chúa” hay để cho “Chúa chạm vào mình” thì bệnh tật được chữa lành, thân thể được hồi phục, cuộc sống được hồi sinh, và nhất là có cơ hội bước vào cõi trường sinh. Thật vậy, người nữ băng huyết đã chạm đến Chúa nên được cứu sống. Bé gái được Chúa chạm vào nên được sống lại. Để được Chúa chạm vào, hay chạm đến Chúa trước và cần phải có đức tin.

Tin để được cứu: “Đức tin của con đã cứu con”. Lời xác nhận này cho thấy: các cuộc cứu chữa xảy ra là do cuộc gặp gỡ giữa lòng tin của con người và quyền năng của Chúa Giêsu, nhưng đề cao lòng tin. Đức tin có thể là của chính mình, hoặc là của những người liên hệ trong gia đình, trong cộng đoàn. Đức tin có thể biểu hiện ra bằng lời tuyên xưng, hoặc bằng hành vi cụ thể. Đức tin đem lại nhiều hoa trái hữu hình: được khỏi bệnh, khỏi chết, bình an,… và hoa trái vô hình: được tha tội, và nhất là được cứu độ.

Đức tin thể hiện bằng đức ái: Không thể tin suông, mà cần thể hiện ra bằng thi hành bác ái. Bài đọc 2 cho biết: vì Đức Giêsu Kitô đã nên người nghèo, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Lời này khích lệ các Kitô hữu quyên góp để cứu trợ các anh chị em tại Giêrusalem đang lâm cảnh đói kém. Qua hành động này, các Kitô hữu thấy ý nghĩa đích thực của việc bác ái: đó là chia sẻ phần của Chúa nơi mình, để quân bình vì người được nhiều thì không qua dư, mà kẻ có ít cũng không thiếu. Ngoài ra, đức ái là hệ quả của một đức tin sống động.

Trong cuộc sống, chúng ta gặp nhiều bệnh tật, điều dữ, và phải chết, nên muốn được chữa lành, giải thoát và cứu sống, nhưng bế tắc, vì không chạm đến Chúa hoặc không để cho Chúa chạm vào. Chúa chạm đến chúng ta bằng lời, bằng các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh thể. Chúa cũng chạm đến ta qua lời giảng dạy của những người có trách nhiệm, qua các dấu chỉ thời đại, qua tác động của Thần Khí. Nhiều khi chúng ta không chạm được Chúa là do không tin, hoặc chỉ tin suông mà không thể hiện ra bằng đức ái. Một đức tin như thế thì không thể đem lại hoa trái, vì đức tin không hành động là đức tin chết.

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam