23/11/2024

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Êm ả và không áp lực

Khi cánh cửa vào đại học, cao đẳng đã vô cùng rộng mở cộng với việc những năm gần đây tỉ lệ tốt nghiệp luôn cao ‘chót vót’, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đã diễn ra an toàn, nhẹ nhàng và hầu như không còn cảm giác áp lực.

Có lẽ đây là nguyên nhân lớn nhất: trung bình cứ 10 thí sinh mà chúng tôi phỏng vấn thì có đến 7 bạn cho biết đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học sớm, ngay cả những bạn theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng đã có suất sớm vào đại học, cao đẳng.

Điều này đặt ra vấn đề cần phải đổi mới, thay đổi kỳ thi này như thế nào trong tương lai, đặc biệt là bắt đầu từ năm sau các thí sinh sẽ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bắt đầu từ những thay đổi “vi mô”

Trong tương lai gần, cụ thể là năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT – kỳ thi đầu tiên cho lứa học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 – vẫn sẽ diễn ra, tuy nhiên có khá nhiều sự đổi mới tích cực.

Thí sinh thi bắt buộc hai môn gồm văn, toán và hai môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm ngoại ngữ, sử, lý, hóa, sinh, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Ông Nguyễn Phúc Viễn, hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang), nhận xét so với hiện nay các em cần thi sáu môn gồm ba môn bắt buộc (ngữ văn – toán – ngoại ngữ) và ba môn trong bài thi tổ hợp (lý – hóa – sinh hoặc sử – địa – giáo dục công dân), thì việc chỉ phải thi bốn môn trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 là thêm một bước giúp kỳ thi nhẹ nhàng hơn.

Thí sinh còn có sự tự do rất lớn khi lựa chọn hai môn thi tự chọn trong gần 10 môn, thay vì hiện chỉ có thể chọn giữa bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.

Thí sinh vui vẻ, tự tin sau giờ thi môn ngoại ngữ, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thí sinh vui vẻ, tự tin sau giờ thi môn ngoại ngữ, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM) – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Môn văn sẽ thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã công bố đề thi tham khảo các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. TS Trần Nam Dũng, phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM), chia sẻ điểm đặc biệt với các môn trắc nghiệm là sự xuất hiện của các dạng câu hỏi mới.

Thay vì toàn bộ câu hỏi trắc nghiệm đều theo dạng bốn đáp án A, B, C, D thì các môn thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có thêm dạng trả lời đúng/sai và dạng điền câu trả lời ngắn.

Theo ông Dũng, đa dạng hóa cách thức ra câu hỏi giúp dễ phân loại thí sinh hơn. Chẳng hạn trước đây với một câu hỏi ở mức độ khó vận dụng cao, một thí sinh dù không biết làm nhưng đánh “lụi” cũng có cơ hội giành điểm nếu may mắn. Như vậy có phần không công bằng với những thí sinh phải bỏ sức rất nhiều để giải được câu hỏi ấy.

Với hình thức ra đề mới từ năm 2025, các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao có thể ở dạng trả lời ngắn, giúp loại trừ được rất nhiều xác suất may rủi.

Tương tự, thầy Ninh Văn Thường, tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), rất chờ đợi vào những thay đổi về cách ra đề trong các bài thi trắc nghiệm trong đề thi tốt nghiệp năm 2025 sẽ tối ưu hơn hiện nay.

Ngoài ra, đa dạng cách hỏi giúp đánh giá thí sinh một cách khách quan, chính xác hơn. Theo thầy, đây là bước thay đổi rất lớn ở góc độ từng môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp trước khi có những sự cải tiến tiếp theo trong tương lai xa hơn.

Nhẹ bớt hay nặng thêm: 2 luồng ý kiến trái ngược

TS Thái Doãn Thanh, phó hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM, cho rằng thi tốt nghiệp THPT ngày càng nhẹ nhàng là một xu hướng tất yếu về lâu về dài. Mục đích chính của kỳ thi này được Bộ GD-ĐT xác định là đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học, từ đó xét công nhận tốt nghiệp.

Về xét tuyển đại học, kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đóng vai trò như một trong nhiều phương thức hoặc một kênh tham chiếu.

Theo ông Thanh, khi kỳ thi phần lớn chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và xét tốt nghiệp thì có thể cân nhắc chuyển về cho địa phương tổ chức thay vì huy động một nguồn lực xã hội lớn như bây giờ.

Công tác tổ chức kỳ thi sẽ được các địa phương chủ động. Dựa trên kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp, ngành giáo dục các tỉnh thành có thể điều chỉnh lại việc dạy và học trong địa phương cho phù hợp.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bày tỏ sự băn khoăn về khả năng đánh giá kết quả học tập của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu cứ “thả cửa” vào đại học.

Ông giải thích vì phần nhiều thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học sớm, các em sẽ có tâm lý thi tốt nghiệp THPT chỉ để… xét tốt nghiệp. Nói cách khác, các em chỉ cần làm bài “nhàn nhàn”, không làm hết sức.

“Nhiều phụ huynh, giáo viên chia sẻ với tôi con của họ không còn nỗ lực gì trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vì đã có vé vào đại học từ trước”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, khi phần đông thí sinh đã không làm hết năng lực của mình thì làm sao có thể từ kết quả của thí sinh để đánh giá năng lực của các em hay rộng hơn là chất lượng dạy và học?

Do vậy, ông Dũng nêu quan điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được “siết” lại thật khó – về đề thi và cả về cách thức tính điểm, xét công nhận tốt nghiệp – mới hoàn thành được mục tiêu đánh giá kết quả học tập của học sinh.

“Nếu xác định như thế thì kỳ thi này cũng không nên đưa về các địa phương tổ chức vì sẽ dễ xảy ra tình trạng bệnh thành tích”, ông Dũng nhận định.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) hào hứng sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp sáng 28-6 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) hào hứng sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp sáng 28-6 – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

TS Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM, cho rằng mỗi phương thức tuyển sinh đại học có thể xem là một “bộ lọc” năng lực của học sinh. Một “bộ lọc” riêng lẻ đôi khi không phản ánh hết được chất lượng năng lực.

Chẳng hạn, một học sinh rất giỏi nhưng trường THPT của bạn ấy có chủ trương cho đề kiểm tra rất gắt thì vẫn có thể học sinh này có điểm học bạ thấp hơn điểm của một học sinh ở trường cho đề kiểm tra “dễ thở” hơn.

Vì thế, theo ông Quốc Anh, muốn đánh giá đúng năng lực của học sinh cần sự kết hợp của nhiều “bộ lọc” khác nhau, trong đó kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một “bộ lọc” có uy tín nhất. Nhiều trường đại học tốp đầu, nhất là các trường y khoa, vẫn xem kỳ thi tốt nghiệp THPT là phương thức xét tuyển chính của trường.

Tuy nhiên trong tương lai, nhiều trường đại học có thể kết hợp nhiều phương thức trong tuyển sinh để “bộ lọc” đầu vào ngày càng chính xác hơn – ví dụ kết hợp học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT – nhằm lựa chọn được nhiều thí sinh phù hợp hơn.

Cần thông tin tuyển sinh sớm từ đại học

Ông Nguyễn Phúc Viễn cho rằng các trường đại học nên sớm thông tin về định hướng xét tuyển đại học trong năm 2025 dựa trên những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau.

Ông phân tích trước đây do thi sáu môn nên thí sinh có khoảng 4 – 6 tổ hợp môn thi để xét tuyển đại học. Nhưng giờ đây khi chỉ còn thi bốn môn, thí sinh gần như chỉ còn 1 – 2 tổ hợp môn để xét tuyển đại học.

Ví dụ một thí sinh thi hai môn tự chọn là lý – hóa, kết hợp với hai môn bắt buộc là toán – văn thì gần như chỉ có lựa chọn là xét tổ hợp toán – lý – hóa. “Sớm có thông tin xét tuyển đại học năm 2025 và các tổ hợp xét tuyển mới sẽ giúp học sinh dễ dàng có định hướng ôn tập ngay từ đầu năm”, ông Viễn nói.

Tác giả: TRỌNG NHÂN
nguồn: tuoitre.vn