Chúa Nhật 21.04.2024
Mang Lấy Mùi Chiên
Chúa Nhật Tuần IV – Mùa Phục Sinh
Cv 4,8-12 • Tv 117,1 và 8-9.21-23.26 và 28cd và 29 (Đ. c.22) • 1 Ga 3,1-2 • Ga 10,11-18
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan
11 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
16 “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Mang Lấy Mùi Chiên
Các bài đọc lời Chúa Lễ Chúa Chiên Lành đưa ra mẫu gương về lối sống và tương quan hỗ tương giữa mục tử và đàn chiên.
Thí mạng sống vì chiên. Thí là trao ban. Mục tử Tốt lành trao ban cuộc sống mình cho chiên. Mục tử của Israel dẫn đầu đàn chiên để bảo vệ các con chiên của mình, nên phải đương đầu với bao nguy hiểm như gặp thú dữ rình mồi. Khi thấy sói đến, mục tử tốt chỉ nghĩ đến chiên, nên chiến đấu quên mình, đến mức sẵn sàng thí mạng để đàn chiên được sống. Mục tử Tốt lành xem các con chiên là sản nghiệp và cuộc sống của chính mình, xem trọng “việc chăn chiên” là một “ơn gọi” chứ không phải là một kế sinh nhai. Ngược lại, người chăn thuê không hết lòng vì đàn chiên, vì chăn chiên là công việc để lấy tiền công, chứ không phải là sứ vụ để dấn thân. Vì thế, “khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy”. Thà mất chiên chứ không thà mất mạng hay chịu thương tích nơi mình.
Biết chiên và chiên biết tôi. “Biết” không chỉ theo bình diện nhận thức, mà bước vào trong tương quan với tình yêu và thương xót, cảm thông và chia sẻ cuộc sống với từng con chiên. Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi đây là “mang lấy mùi chiên”. Mục tử Tốt lành sống gần gũi và gắn bó với chiên, chăm sóc và bảo vệ chiên, đến nỗi mùi chiên vương vào quần áo, thấm vào thịt da của mình. Giáo hội muốn các mục tử gắn bó với chiên, sống dấn thân trọn vẹn cho dân Chúa, chung sống và thấu hiểu đến mực “gọi tên từng con một”; đồng hành và chia sẻ để “chiên được sống và sống dồi dào”. Mục tử được trao chức thủ lãnh đàn chiên, nhưng đây là chức thành để ban phát ơn lành, chứ không phải chức tước để thu hoạch lợi lộc. Mục tử được ban quyền chăn dắt đàn chiên, nhưng đây là quyền bính để phục vụ, chứ không phải quyền lực để thống trị.
Hiệp thông và tham dự. Mọi thành phần Dân Chúa đang nỗ lực xây dựng một Hội Thánh hiệp hành: cùng nhau tiến bước trên cùng một con đường cùng một tầm nhìn, cùng sống một lý tưởng, cùng hiệp thông và tham dự vào một sứ vụ. Để sống hiệp hành, chúng ta được mời gọi sống hiệp thông bằng cách hiệp nhất trong một “ràn chiên” và chỉ có “chỉ có một đàn chiên và một mục tử”. Để sống hiệp hành, chúng ta còn được mời gọi tham gia vào sứ vụ của Hội Thánh, theo gương Chúa Giêsu là Mục tử Tốt lành và tiếp bước các tông đồ thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, chữa lành thể lý lẫn tinh thần cho dân, nhân danh Đức Giêsu Kitô (Bài đọc 1). Hội Thánh vẫn luôn có nhiều mục tử theo gương Vị Mục tử Tốt lành khi biết nối kết mọi thành phần dân Chúa lại với nhau để tham gia vào việc xây dựng và làm tăng trưởng Hội Thánh. Trong một thực thể nhỏ hơn, mọi thành phần cần ý thức rằng: Giáo xứ không của riêng Cha xứ, mà của mọi thành phần dân Chúa. Cộng đoàn không phải của Bề trên, mà của mọi thành viên. Do đó, không ai được độc quyền, cũng không ai được dửng dưng hay bị loại trừ. Là Kitô hữu, chúng ta cần nhận ra “tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa” để chúng ta ý thức rằng còn nhiều người ở “thế gian không biết Người” (Bài đọc 2), khiến chúng ta hiệp thông và tham gia vào sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh. Mỗi người được mời gọi trở nên mục tử tốt với anh chị em mình qua việc biết và chia sẻ những lo âu và thất vọng, bất hạnh và khó khăn của tha nhân; được thôi thúc chở che người yếu thế và bảo vệ người cô thân. Với Hội Thánh, chúng ta cần quảng đại góp phần vào công cuộc đào tạo chủng sinh và tu sĩ, cũng như cộng tác với các mục tử, về mặt tinh thần lẫn vật chất, để cùng các ngài thi hành sứ vụ quy tụ và tìm kiếm chiên về một ràn duy nhất như Chúa hằng mong ước.
Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam