05/11/2024

Viễn tượng chấm dứt chiến tranh tại Ucraina

Viễn tượng chấm dứt chiến tranh tại Ucraina

Từ hơn 2 năm nay, sau khi chiến tranh bùng nổ tại Ucraina, không biết bao nhiêu lần Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho nhân dân nước này, vốn chịu quá nhiều đau khổ vì chiến tranh. Có viễn tượng nào về sự kết thúc chiến tranh tại Ucraina với một cuộc hòa đàm hay không? Đối với một số quan sát viên quốc tế, khả thể thương thuyết giữa hai bên không phải là điều xa vời.

Mộthành phố của Ucraina bị tên lửa tàn phá

Một thành phố của Ucraina bị tên lửa tàn phá  (ANSA)

Người ta đang thấy có những dấu hiệu chứng tỏ Tây phương muốn kết thúc chiến tranh tại Ucraina, đó là sự tiến quân từ từ của Nga tại miền Donbass đang làm hao mòn Ucraina và viện trợ của Tây phương giảm sút. Hoa Kỳ có thể rút lui khỏi chiến trường, nhất là nếu ông Donald Trump thắng cử vào tháng 11 năm nay.

Hoạt động của Nga

Những tin tức mới nhất từ cuộc xung đột tại Ucraina cho thấy quân Nga tiếp tục tiến từ từ và có phương pháp tại miền Donbass và dường như nhắm tái lập sự kiểm soát trên vùng Kharkiv mà họ rút khỏi đây hồi tháng 9 năm 2022. Sự tiến quân từ từ của Nga đặc biệt hiển nhiên trong khu vực mặt trận miền tây của Bakhmut và Avdiivka, nơi mà quân Nga đã chiếm được nhiều làng, nay họ xâm nhập vào các khu vực ngoại ô của Chasiv Yar, vốn là thành trì của Ucraina, tạo thành hậu phương trong trận chiến kéo dài ở Bakhmut. Nga chiếm được Bohdanivka và nay muốn bao vây các lực lượng Ucraina.

Quân Nga liên tục tăng cường lực lượng, hơn 600.000 người được bố trí tại Ucraina và vùng biên giới Nga với Ucraina cùng với các vũ khí và đạn dược. Ucraina gặp khó khăn trong việc tuyển mộ các tân binh dù đã hạ tuổi tuyển binh từ 27 xuống 25 tuổi, xét vì những động lực của xã hội Ucraina bị suy sụp, dân chúng ngày càng không tin nơi chiến thắng chống quân Nga và vì sự hy sinh bao nhiêu sinh mạng như vậy không có mục tiêu.

Viện trợ Tây phương giảm sút

Ngoài ra, điều hiển nhiên hiện nay là viện trợ của Tây phương cho Ucraina suy giảm làm cho khả năng đương đầu với quân Nga khó có thể, và đàng khác Nga theo đuổi chính sách chiến tranh hao mòn, làm cho quân lực Ucraina yếu đi: Nga không tung ra những cuộc tấn công quy mô tại một số vùng tiền tuyền, nhưng chỉ nhắm vào ưu thế trên không, và số lượng ồ ạt các cuộc dội bom và pháo binh.

Chính các nguồn tin quân sự của Ucraina nhìn nhận số binh sĩ bị ngã gục rất nhiều vì phải sử dụng họ ngay sau khi huấn luyện, và những khó khăn để cho các đơn vị, từ nhiều tháng ở tiền tuyến, được vài tuần nghỉ ngơi ở hậu tuyến. Những yếu tố theo các nguồn tin quân sự mà báo Mỹ Politico nghe được có thể đưa tới một sự sụp đổ lớn của quân đội Ucraina ở bất cứ khu vực nào trong phạm vi hàng ngàn cây số mặt trận, đang tạo ra một hậu quả là sự sụp đổ của toàn quân đội Kiev.

Maxcơva đánh sâu vào những gì còn sót lại trong bộ máy công nghiệp của Ucraina, và đặc biệt là các trung tâm điện lực, hy vọng vào suy yếu nhanh chóng của các lực lượng phòng không Ucraina, đang thiếu các tên lửa, như tổng thống Zelensky than phiền hầu như hằng ngày. Ông tuyên bố thẳng rằng nếu không có sự viện trợ ồ ạt của Tây phương thì chiến bại của Ucraina là điều chắc chắn. Ông nói rằng Ucraina có một kế hoạch phản công và có thể chiến thắng nhưng cần phải có những vũ khí tối tân, nhất là các viện trợ quân sự.

Không còn tin tưởng nơi chiến thắng

Trong thực tế, chiến thắng của Ucraina dường như không còn được Tây phương tin tưởng nữa, và họ chỉ cung cấp những vũ khí cũ, và những phương tiện này chắc chắn không thể giữ vai trò quyết định. Đừng kể đến lời hứa của chính phủ Pháp gửi 600 bom thông minh Hammer và các tên lửa phòng không Aster 30. Những vũ khí cung cấp gần đây nhất hoặc hứa cung cấp chỉ là hàng trăm chiến xa cũ của Pháp VAB, một chiến cụ tỏ ra quá dễ bị tổn thương trong trận chiến này. Ngoài ra có 20 chiến xa cũ Mader mà quân đội Đức không dùng nữa, tiếp đến là những đồ phụ tùng cho các tên lửa phòng không Hawk của Mỹ từ nhiều năm nay không còn được quân đội Mỹ sử dụng nữa và cả tại Âu châu cũng vậy. Hoa Kỳ quyết định gửi cho Ucraina cả những vũ của khí Iran mà họ tịch thu được trên những tàu ở Ấn Độ dương tiếp tế cho dân quân Yemen Houthi: số vũ khí đó gồm 5 ngàn súng AK với nửa triệu viên đạn và súng phóng lựu Rpg-7.

Những thành công duy nhất mà Ucraina có thể hãnh diện là những cuộc tấn công trong chiều sâu lãnh thổ của Nga trong những ngày gần đây, ví dụ Ucraina đã tấn công phi trường quân sự Rostov, nhưng Nga phủ nhận tin là Ucraina đã phá hủy được 5 máy bay, và một số nhà máy lọc dầu. Nhưng những cuộc tấn công mới đây bị Mỹ mạnh mẽ phê bình, nhất là những cuộc tấn công các cơ cấu hạ tầng về năng lượng.

Dè dặt của Mỹ về hành động của Ucraina

Các cuộc tấn công của Ucraina chống các nhà máy lọc dầu của Nga có thể có một tác động dây chuyền đối với tình trạng năng lượng trên thế giới. Thực vậy, ông Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tuyên bố trước Quốc hội ở Washington hôm 7/4 vừa qua: “Chắc chắn những cuộc tấn công ấy có thể có một hậu quả dây chuyền liên quan đến tình trạng năng lượng thế giới, nhưng thành thực mà nói tôi nghĩ rằng Ucraina phải đánh vào các mục tiêu chiến thuật có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc xung đột hiện nay.”

Tờ Financial Times, Tài chính Thời báo, ở Mỹ cho biết tháng 3 vừa qua, Mỹ đã mời gọi Ucraina tránh tấn công các xưởng lọc dầu của Nga (vì những cuộc tấn công này có thể giảm bớt 16% mức sản xuất xăng dầu), mục đích là để tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm xáo trộn thị trường thế giới về dầu hoả. Các quan chức Mỹ không muốn bình luận về tin do một tờ báo kinh tế loan tải, nhưng tái khẳng định rằng Washington không muốn khuyến khích các cuộc tấn công của Ucraina trong nội địa nước Nga.

Tổng thống Zelensky đã xác nhận Mỹ đã yêu cầu đừng mở cuộc cuộc tấn công các nhà máy lọc dầu Nga, nhưng yêu cầu đó không được Ucraina đón nhận, như tờ Washington Điện báo (Washington Post) đưa tin.

Một lý do khác về sự rạn nứt giữa Ucraina với các đồng minh của mình, khiến người ta không lạc quan về những viện trợ tới đây về quân sự cho Ucraina, là vì Âu châu không sẵn sàng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ucraina và những do dự của Mỹ. Các kho vũ khí của Mỹ cũng giảm bớt một cách nguy hiểm cũng vì Mỹ phải cung cấp vũ khí và đạn dược cho Israel.

Tóm lại, trong thực tế, về mặt chính trị, người ta nhận thấy rõ ràng ý muốn của Tây phương là sớm kết thúc cuộc xung đột này, Mỹ có thể rút lui bất kể kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay như thế nào.

Theo tờ Washington điện báo, ông Trump sẽ trở lại tòa Nhà Trắng, và sẽ tạo sức ép trên Ucraina để nhượng cho Nga bán đảo Crimea và vùng quanh Donbass để đổi lấy hòa bình. Ông Trump cho rằng cả Nga lẫn Ucraina “muốn giữ thể diện và có một lối thoát” và dân chúng của một số miền ở Ucraina muốn sống dưới chính phủ Nga. Nhận xét này đã thấy rõ ràng kể từ đầu cuộc xung đột ở vùng Donbass hồi năm 2014.

Ngày 7/4 vừa qua, Tổng Thư ký Khối Nato, ông Jens Stoltenberg trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC đã tuyên bố: “Xét cho cùng, chính Ucraina phải là người quyết định xem loại thoả hiệp nào họ sẵn sàng đạt tới. Chúng ta phải để cho họ ở trong vị thế có thể thực sự đạt được một kết quả có thể chấp nhận được trên bàn hội đàm phán.”

Lập trường của Đức Thánh Cha

Sớm chấm dứt chiến tranh bằng đường lối thương thuyết, đó là điều Đức Thánh Cha vẫn kêu gọi từ đầu cuộc chiến, thay vì để cho máu tuôn đổ lâu dài và những thiệt hại chồng chất về sinh mạng và tài sản.

Lập trường của Đức Thánh Cha bị nhiều người hiểu lầm, nhất là phía Ucraina, như đối với cuộc phỏng vấn ngài dành cho ký giả Lorenzo Buccalla của Đài Truyền hình tiếng Ý, RSI, của Liên bang Thuỵ Sĩ, truyền đi ngày 20/3 vừa qua. Ký giả đặt câu hỏi: “Tại Ucraina có người yêu cầu hãy có can đảm đầu hàng, giương cờ trắng. Nhưng những người khác nói rằng làm như vậy là hợp thức hóa kẻ mạnh hơn. Ngài nghĩ gì?”

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: “Đó là một sự giải thích. Nhưng tôi tin rằng người mạnh hơn là người nhìn tình thế, nghĩ đến dân, người có can đảm ‘giương cờ trắng’, thương thuyết. Và ngày nay người ta có thể thương thuyết với sự giúp đỡ của các cường quốc. Lời thương thuyết là một lời can đảm. Khi bạn thấy rằng bạn bị thất bại, sự việc không ổn, thì cần có can đảm thương thuyết. Bạn xấu hổ, nhưng rốt cuộc sẽ có bao nhiêu người chết? Thương thuyết kịp thời, tìm vài nước làm trung gian. Ngày nay, ví dụ chiến tranh tại Ucraina, có bao nhiêu nước muốn làm trung gian. Thổ Nhĩ Kỳ đã tình nguyện làm công việc này. Và những nước khác. Các bạn đừng xấu hổ thương thuyết trước khi tình thế tệ hơn… Cuộc thương thuyết không bao giờ là một cuộc đầu hàng.”

Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, ông Matteo Bruni, minh xác rằng lời của Đức Thánh Cha “giương cờ trắng” là nhắc lại hình ảnh mà người phỏng vấn đề ra để tái khẳng định điều mà Đức Thánh Cha đã nói trong những lời kêu gọi liên tục 2 năm qua và tuyên bố công khai, tức là tầm quan trọng của đối thoại, đứng trước sự “điên rồ” của chiến tranh và ưu tiên quan tâm đến số phận của các thường dân.

Ông Bruni nói thêm: “Mong ước của Đức Thánh Cha đang và vẫn là điều ngài vẫn luôn lập lại trong những năm qua và mới đây ngài nhắc lại trong dịp kỷ niệm 2 năm chiến tranh, đó là điều ngài nói: Trong khi tôi tái bày tỏ lòng quý mến rất sinh động đối với nhân dân Ucraina đau thương và cầu nguyện cho tất cả, đặc biệt cho đông đảo các nạn nhân vô tội, tôi tha thiết xin hãy tìm lại một chút tình người giúp kiến tạo những điều kiện để có một giải pháp ngoại giao cho việc tìm kiếm một nền hòa bình công chính và lâu bền.” (Vatican News 9/3/2024)

G. Trần Đức Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-04/vien-tuong-cham-dut-chien-tranh-ucraina.html