25/12/2024

Quy luật “Status Quo” – nguyên trạng – điều hành hoạt động tại các nơi thánh ở Thánh Địa

Quy luật “Status Quo” – nguyên trạng – điều hành hoạt động tại các nơi thánh ở Thánh Địa

Cử hành phụng vụ tại đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem

Chiến tranh Israel và Palestine kéo dài khiến dân chúng tại Thánh Địa sống trong đau thương và chết chóc, khách hành hương vắng bóng càng làm cho đời sống kinh tế của Kitô hữu ở đây gặp khó khăn. Dầu vậy các lễ nghi Tuần Thánh vẫn được tiến hành với các cộng đồng Kitô khác nhau ở địa phương tại các nơi thánh, từ nhà Tiệc Ly, cho đến Đền Thờ Mộ Thánh. Tương quan giữa các cộng đồng này nhiều khi khó khăn và căng thẳng, nhưng có một quy chế giúp giữ quân bình. Đó là quy luật gọi là Status Quo.

Status Quo

Năm 1852, Vua Abdul Majiid II của Vương quốc Hồi giáo Ottoman ban hành sắc lệnh truyền vị Thống đốc thành Giêrusalem và Hội đồng chính quyền thành này, cũng như tất cả các Giáo Hội không được thay đổi tại các nơi thánh trong Thành Thánh này. Sắc lệnh được gọi là Status Quo, hay là Nguyên trạng.

Do sắc lệnh này, các thành phần của các cộng đoàn Kitô với quyền sở hữu Đền thờ Mộ Thánh sống, cử hành, thanh tẩy, vào và ra thánh đường theo thói quen và theo nhịp cố hữu. Cả việc đổi giờ, từ giờ mặt trời cho đến giờ được thay đổi để tiết kiệm năng lượng trong vài tháng trời, đều không có ảnh hưởng gì đến những gì xảy ra bên trong Đền thờ Thánh Mộ, tạo nên một sự cách quãng giữa giờ bên trong và giờ bên ngoài thánh đường.

Mùa Chay và Mùa Phục Sinh là thời điểm tiêu biểu, khi thời gian chính xác được ấn định cho các buổi cử hành và các phụng vụ khác nhau tại các nơi thánh, như tại Đền thờ Thánh Mộ, là điều rất quan trọng để tránh tình trạng dẫm chân lên nhau, hoặc đụng nhau ngoài ý muốn giữa các nghi lễ khác nhau, và duy trì mức độ ưu tiên trong khoảng thời gian được chỉ định.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Mỹ CNA, truyền đi ngày 24/3 vừa qua, cha Athanasius Macora, một tu sĩ Phanxicô người Mỹ, từ 25 năm nay là tổng thư ký Uỷ ban về Status Quo đại diện cho Dòng Phanxicô tại Thánh Địa, cho biết: “Khó khăn thường xảy ra đối với các tín hữu hành hương, vì họ phải tranh thủ đi từ chỗ này đến chỗ kia để kính viếng, và phải luôn đúng giờ hẹn. Và nếu không có các tín hữu hành hương, như năm nay, thì thật là dễ dàng tuân giữ thời biểu được phân chia, nhưng cũng rất buồn.”

Tác dụng của Status Quo

Quy chế về “Nguyên trạng” có liên hệ tới quyền sở hữu và các quyền của các cộng đồng Công giáo, Chính thống tại các Đền thánh quan trọng, trong đó đứng đầu là Đền thờ Mộ Thánh, Đền thờ Giáng Sinh ở Bethlehem, nhà nguyện Chúa Thăng Thiên, do người Hồi giáo sở hữu, và mộ Đức Mẹ ở Giêrusalem. Và trong số các nơi thánh không thuộc Kitô giáo nhưng vẫn được điều hành do Status Quo có mộ của bà Rachel ở Bethlehem, và Bức tường Phía Tây, gọi là Kotel ở Giêrusalem.

Cha Macora giải thích: “Mỗi Giáo Hội có ủy ban riêng và các thành viên luôn được phép gặp nhau. Dầu sao đi nữa, các thủ lãnh của các Giáo Hội là những người trách nhiệm về Status Quo.”

Trong tư cách là Tổng Thư ký Uỷ ban về Status Quo, cha Macora tham dự vào các thỏa thuận và thương thuyết giữa 3 Giáo Hội trách nhiệm Đền thờ Mộ Thánh, đó là Giáo hội Công giáo, do Dòng Phanxicô tại Thánh Địa đại diện, Giáo hội Chính thống Hy Lạp và Giáo hội Armeni Tông truyền. Hiện nay có 5 cộng đoàn có thể sử dụng chỗ trong Đền thờ Mộ Thánh, vì gồm cả Giáo hội Chính thống Copte Ai Cập, Giáo hội Chính thống Siriac, và cả người Ethiopia là những người có quyền sở hữu khu vực mái nhà và nhà nguyện ở vườn. Tuy nhiên chỉ có người Công giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni Tông truyền có quyền đưa ra những quyết định liên quan đến việc sửa chữa và thay đổi trong Đền thờ này.

“Hiệp định đình chiến”

Cha Macora nói thêm: “Mệnh lệnh của Vua Ottoman không phải là một bộ luật, hay một tập quy tắc như nhiều người vẫn nghĩ, nhưng chỉ là một sắc lệnh áp đặt trên chúng tôi, đòi chúng tôi không được thay đổi điều gì. Chúng tôi có thể gọi đó là một “hiệp định đình chiến” giữa các Giáo Hội. Sắc lệnh vừa nói của Vua Abdul Majiid II dài khoảng 1.000 từ, không đi vào các chi tiết, nên không đề cập đến nhiều điều mà chúng tôi đang sống ngày nay.”

Cha Macora nhắc lại rằng cách đây nhiều năm, “có vấn đề này là: cộng đoàn nào chịu trách nhiệm về việc thu lại vào cuối ngày những cây nến tạ ơn còn lại trên những giá bằng sắt để cắm nến đặt xung quanh mộ của Chúa Giêsu. Sắc lệnh Status Quo không đề cập đến điều này”. Sau cùng, vấn đề này được giải quyết khi các giá bằng sắt để cắm nến ấy được gỡ đi để tu bổ khu mộ của Chúa trong những năm 2016-2017.

Một chiếc thang mang tính biểu tượng bên ngoài mặt tiền chính của Đền thờ Mộ Thánh cũng là một ví dụ về vấn đề giữa các Giáo Hội từ thời kỳ xa xăm. Cha Macora nói: “Chiếc thang này thuộc Giáo hội Armeni Tông truyền và muốn chứng tỏ rằng khu vực mặt tiền Đền thờ này thuộc quyền sở hữu của họ, cho dù lý do tại sao chiếc thang lại ở đó là điều đã bị lãng quên trong lịch sử. Tôi không nghĩ ngày nay người ta biết tại sao thang ấy ở đó. Tôi cũng không nghĩ có lý do nào để thang ấy ở đó nữa vì nó làm mất đi trình thuật trung tâm về Giáo Hội. Để di chuyển thang ấy, phải có sự đồng ý của người Armeni. Bạn chỉ có thể thực hiện một sự thay đổi nếu có sự đồng ý giữa ba cộng đoàn Giáo Hội liên hệ, đó là lý do tại sao nó bị lãng quên với thời gian.”

Tìm kiếm thỏa hiệp với nhau

Để có sự thay đổi nhỏ hoặc một biến cố bất ngờ, cả ba cộng đoàn không những chỉ nhìn về quá khứ, nhìn về sắc lệnh hoặc các truyền thống cổ xưa, nhưng họ còn phải dấn thân đối thoại với nhau để tìm thỏa hiệp và giải pháp để tiến hành. Một ví dụ là việc tu bổ các cơ cấu khác nhau, liên quan đến Đền thờ Mộ Thánh trong những thập niên gần đây, kể cả những tu bổ đang tiến hành từ 2 năm nay cho toàn bộ nền đền thờ. Công việc này ảnh hưởng tới các hoạt động hằng ngày, như các cuộc rước trong thánh đường.

Về việc di chuyển của các tu sĩ Phanxicô trong Đền thờ, cha Macora cho biết: “Chúng tôi phải thực hiện vài thay đổi tạm thời, như đi vào và đi ra theo một cách thức mà bình thường chúng tôi không làm, hoặc dùng một cầu thang khác. Thông thường, thay đổi lộ trình như vậy là điều không được phép. Chúng tôi đã nói với các bề trên của các cộng đoàn Kitô khác về điều này, nhưng không phải là vấn đề. Họ thông cảm. Tất cả chúng tôi đều đồng thuận với nhau, bạn chỉ cần để ý và thận trọng để khỏi làm điều gì trong thời gian dành cho cộng đoàn khác, chúng tôi phải tôn trọng nhau, đó là nguyên tắc cơ bản.”

Những thay đổi nhỏ trong 25 năm qua

Trong 25 năm qua, cha Macora đã thấy những thăng trầm trong các quan hệ giữa 3 cộng đoàn trách nhiệm về Đền thờ Mộ Thánh. Và các cộng đoàn Chính thống khác cũng có chỗ và thời gian cử hành phụng vụ. “Nói chung mỗi cộng đoàn đều nhấn mạnh quyền của mình, vì thế tương quan nhiều khi phức tạp và một số vấn đề được nêu lên. Nhưng bình thường thì tương quan của chúng tôi là tích cực. Điều này cũng tùy thuộc nhiều nơi các nhân vật đứng đầu các Giáo Hội và ban lãnh đạo liên hệ.”

Những lúc khó khăn

Cha Macora đã có kinh nghiệm về những lúc rất khó khăn, như vụ quân Israel bao vây Đền thờ Giáng Sinh trong 38 ngày hồi năm 2002 vì hàng trăm người Palestine bị quân Israel truy nã chạy vào trong Đền thờ để lánh nạn, và những vụ khác nữa.

“Tình trạng lạ kỳ nhất là vụ cố gắng tìm cách tu bổ các nhà vệ sinh trong Đền thờ Mộ Thánh, vì một trong các cộng đoàn tìm cách dùng vụ này như đòn bẩy để đạt được điều họ muốn, một thứ tống tiền.”

Một trong những điều cha Macora còn nhớ rất rõ, đó là cuộc viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolô II hồi tháng 3 năm thánh 2000. Cha kể: “Chúng tôi phải làm một số điều ngoại thường – như đóng cửa nhà thờ hoàn toàn, chỉ cho những người có phép đặc biệt hoặc có vé mới được vào, và các biện pháp an ninh rất nghiêm ngặt. Thêm vào đó, hôm đó là Chúa nhật, khi các cộng đoàn khác đều có các lễ nghi phụng vụ của họ. Thật là không dễ dàng, nhưng các cộng đoàn khác đã tỏ ra rất cộng tác.” (CNA 24-3-2024)

G. Trần Đức Anh, OP