23/01/2025

Chúa Nhật 31.03.2024
Chúa Phục Sinh Mở Ra Nguồn Sống Mới

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Cv 10,34a.37-43 • Tv 117,1-2.16ab và 17.22-23 (Đ. c.24) • Cl 3,1-4 • Ga 20,1-9 

Bài suy niệm Chúa nhật Phục sinh năm A của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên - Giáo Phận Hải Phòng

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Chúa Phục Sinh Mở Ra Nguồn Sống Mới

“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Magđalêna đi đến mộ…” Tại sao lại là ngày thứ nhất, một điểm khởi đầu vì mặt trời đang ló dạng. Maria chạy đến viếng Chúa Giêsu nơi yên nghỉ của những kẻ chết. Bà không thấy thân xác đã chết của Ngài. Bà vội chạy về thông báo sự kiện bất thường với Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Hình như, “giáo hội” chợt thức tỉnh từ bóng đêm cõi chết: Phêrô, chứng nhân, đấng truyền tải và gìn giữ đức tin, kết hợp với đức ái, thể hiện qua tông đồ được Chúa Giêsu yêu mến. Họ chạy đến và chỉ thấy khăn che đầu và băng vải với sự sắp xếp của bàn tay một ai đó trong ngôi mộ trống.

Vắng mặt của Chúa Giêsu mở ra cho họ sự hiện diện mới của Đức Kitô. Người môn đệ Chúa yêu, “ông đã thấy và đã tin”. Ngôi mộ trống mở ra biến cố phục sinh của Đức Kitô, chân lý lịch sử linh thánh siêu việt trên sự kiện phàm trần hiểu theo phương pháp khoa học lịch sử thực chứng. Đối với logic phàm nhân: ngôi mộ trống có thể là kết quả của việc lấy trộm xác: Ga 20,2.13.15… Kẻ trộm xác chết đã lột bỏ tất cả đồ liệm sao? Nói theo Gadamer, biến cố chân lý xảy ra như một kinh nghiệm trong đó con người bị lôi kéo ra khỏi chính mình để đi vào điều vượt trên chính mình. Sự thật đòi hỏi phải đánh mất chính mình trong một điều gì đó lớn lao và rộng lớn hơn chính mình. Maria Mácđala, Simon, và nhất là người môn đệ Chúa yêu, chết đi chính họ để nhận ra chân lý phục sinh: thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi này từ cõi chết.

Chân lý phục sinh xảy ra trong hiện tại, hy vọng tương lai của toàn nhân loại. Nghịch lý “ngôi mộ trống” đưa chúng ta vượt ra thời gian và không gian. Phục sinh là biến cố đang hiện diện thẳm sâu nơi chúng ta. Đức Kitô nói: ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (Lc 9,24).

Xin Thánh Thần ngự xuống trên chúng con, để con người cũ chúng con chết đi. Đừng để chúng con trở thành hạt giống khô cứng, không chết đi để vươn mầm sống mới. Xin đừng để chúng con “vô sinh” bởi những cám dỗ ích kỷ, lo toan an toàn với những tính toán so đo. Xin cho chúng con dấn thân buông xả, dám hy sinh và quên mình trong tất cả, chết đi chính bản thân, để sống trong Con Thiên Chúa. Amen.

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam