23/01/2025

Thứ Bảy 23.03.2024
Chết Thay Cho Toàn Dân

Thứ Bảy Tuần V – Mùa Chay

Thánh Turibiô Môgrôvêjô, giám mục – Lễ nhớ

Ed 37,21-28 • Gr 31,10.11-12ab.13 (Đ. x. c.10d) • Ga 11,45-57

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 27 tháng ba 2021 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan

45 Khi ấy, sau khi ông La-da-rô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. 48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” 49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” 51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.

55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?” 57 Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Chết Thay Cho Toàn Dân

Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu qua câu nói của thượng tế Caipha: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Caipha thốt lên lời này nhưng “ngôn tại ý ngoại”, nghĩa là ông không ý thức đủ ý nghĩa của nó. Quả thật, cái chết của Chúa là cái chết “thay và vì” tội lỗi chúng ta, để mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Cái chết ấy là tột đỉnh của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người, đến mức Thiên Chúa trở nên đối nghịch với chính mình. Đây là tình yêu ở dạng thức cao nhất là agape, một tình yêu dám hiến mạng vì người mình yêu (ĐGH. Biển Đức XVI). Vì là chứng nhân của khổ nạn Chúa, thánh Phêrô có những lời rất cảm động: “Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2,24). Theo ý nghĩa đó, mỗi thánh lễ tái diễn lại hy tế thập giá Chúa khi linh mục đọc: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội”. Khi suy ngắm cái chết của Chúa, chúng ta được mời gọi ý thức trách nhiệm của mình trong đó, như lời của Dinsmore: “Vẫn có một cây thập giá trong cung lòng Thiên Chúa trước khi cây thập giá đó được trồng trên một ngọn đồi bên ngoài thành thánh Giêrusalem. Và giờ đây, dù cây thập giá gỗ ấy đã bị loại trừ, cây thập giá đó vẫn còn trong cung lòng Thiên Chúa và nó sẽ vẫn còn bao lâu vẫn còn dù chỉ một tội nhân để cho Thiên Chúa phải đau khổ”. Kính chúc mọi người bước vào Tuần Thánh với tâm hồn sốt mến và thánh thiện. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Sống Lời Chúa: Tôi ý thức sống những ngày Tuần Thánh với tâm tình thống hối và hoán cải vì Chúa đã chết cho tôi qua cuộc khổ nạn.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam