30/12/2024

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – B

Mùa Chay là thời gian từ bỏ “những việc làm xấu xa”, từ bỏ “yêu chuộng bóng tối”, để “đến cùng ánh sáng” và “sống theo sự thật”. Bạn thấy có bóng tối và dối trá nơi đời mình không? Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này?

Lời Chúa (Ga 3,14-21):

14 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19 Và đây là bản án : ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

HỌC HỎI:

  1. Đọc sách Dân số 21,4-9. Cho biết dân Ítraen đã phạm tội gì trong sa mạc, và họ đã phải làm gì để được chữa lành. Con rắn đồng tự nó có đem lại ơn cứu độ không? Đọc 2 Vua 18,4; Khôn ngoan 16,5-7. 10-11.
  2. Đọc Ga 3,14; 8,28; 12,32-33. Cho biết trong Tin Mừng Gioan, việc Đức Giêsu “được giương cao” nghĩa là gì?
  3. Đọc các lời Đức Giêsu tiên báo về cuộc Khổ nạn của mình trong các Tin Mừng Nhất lãm: Mc 8,31; Mt 16,21; Lc 9,22; 17,25; 24,7. Tìm một điểm chung giữa những câu trên với Ga 3,14.
  4. Đọc Ga 3,16-17. Hãy cho thấy khuôn mặt và trái tim tốt lành của Thiên Chúa đối với thế gian tội lỗi.
  5. Đọc Ga 3,15.16.18. Để có sự sống đời đời, hay để được cứu độ, cần có thái độ nào? Ai không tin Đức Giêsu thì sao?
  6. Đọc Ga 3,19-21. Làm sao để chúng ta dễ tin vào Đức Giêsu và đón nhận Ngài là ánh sáng? Đọc thêm Ga 5,28-29.
  7. Bài Tin Mừng này có nói gì về cái chết của Đức Giêsu không? Bài Tin Mừng này có nói gì về lý do tại sao Đức Giêsu bị giết chết không?

GỢI Ý SUY NIỆM:

Mùa Chay là thời gian từ bỏ “những việc làm xấu xa”, từ bỏ “yêu chuộng bóng tối”, để “đến cùng ánh sáng” và “sống theo sự thật”. Bạn thấy có bóng tối và dối trá nơi đời mình không? Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này?

PHẦN TRẢ LỜI:

  1. Theo sách Dân số 21,4-9, dân Ítraen phạm tội kêu trách ĐỨC CHÚA và ông Môsê về những thiếu thốn, cực khổ họ phải chịu khi hành trình nhiều năm trong hoang địa. Họ nghĩ nếu ở lại làm nô lệ tại đất Ai-cập có khi còn sướng hơn, vì ở hoang địa không có bánh ăn, không có nước uống, chỉ có manna là thứ thức ăn mà họ đã chán ngấy. Vì vậy Chúa phạt họ bằng cách để nhiều người Ítraen bị rắn độc cắn chết. Khi biết mình phạm tội vì đã dám kêu trách ĐỨC CHÚA, họ đến gặp Môsê để xin ông khẩn cầu cho họ được thoát nạn. ĐỨC CHÚA chỉ cho Môsê cách chữa lành, đó là làm một con rắn bằng đồng, treo nó lên cây cột. Ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn ấy sẽ được cứu sống. Theo sách Các Vua (2 V 18,4), vào khoảng cuối thế kỷ 8 trước công nguyên, con rắn đồng mà ông Môsê đúc đã bị vua Khít-ki-gia (= Êzêkias) đập tan, vì dân Israel đã quen dâng hương kính nó. Thật ra, tự con rắn đồng chẳng có quyền lực gì. Theo sách Khôn ngoan 16,5-8, người ta được cứu sống không phải nhờ con rắn đồng, mà nhờ lòng tin vào ĐỨC CHÚA, chính Ngài là Đấng cứu khỏi mọi sự dữ.
  2. Trong Ga 3,14; 8,28; 12,32-34, ta bắt gặp động từ “giương cao” (hupsoô). Đây là một động từ đặc biệt của Tin Mừng thứ Tư. “Được giương cao” vừa để chỉ việc Đức Giêsu chịu treo cao trên thập giá, vừa để chỉ việc Ngài được Cha phục sinh và tôn vinh. Chính khi chết nhục nhã trên thập giá mà Đức Giêsu “được giương cao”, nghĩa là được tôn vinh. Giới lãnh đạo Do-thái giáo đã giương cao Đức Giêsu (Ga 8,28), hay chính Cha là Đấng giương cao Người Con của mình lên khỏi mặt đất qua cái chết trên thập giá (Ga 12,32-33). Nhưng chính cái chết bi thảm đó lại khiến Người Con làm được điều không ai dám ngờ: Tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi (Ga 12,32), để ai tin thì được sống muôn đời (Ga 3,15).
  3. Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, khi Đức Giêsu tiên báo cuộc Khổ nạn, Ngài thường dùng động từ “phải” (dei): “Con Người phải chịu đau khổ…” (Mc 8,31; Mt 16,21; Lc 9,22; 17,25; 24,7). Ở Gioan 3,14 ta cũng gặp từ này: “Con Người phải được giương cao.” Đức Giêsu phải chịu khổ nạn trên thập giá, không phải vì Ngài yếu thế và thua cuộc, nhưng vì cuộc Khổ nạn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha. Kế hoạch này là một mầu nhiệm không dễ hiểu và dễ chấp nhận, nhưng Đức Giêsu đã vâng phục ý Cha, đã đón nhận kế hoạch do Cha sắp xếp.
  4. Gioan 3,16 là một trong những câu quan trọng bậc nhất trong Tin Mừng Gioan. Câu này cho thấy khuôn mặt và trái tim yêu thương của Thiên Chúa. Ngài đã dựng nên một thế giới loài người tốt đẹp, nhưng nó đã trở nên hư hỏng vì tội lỗi. Có thể nói, “thế giới” đã thành “thế gian.” Loài người trong thế gian đã đánh mất “sự sống đời đời” bên Thiên Chúa, và ở trong tình trạng “diệt vong.” Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương thế gian trong tình cảnh khốn cùng đó, và muốn ban “ơn cứu độ.” Ngài yêu thế gian bằng tình yêu lớn nhất, yêu đến nỗi dám ban điều quý nhất của mình cho thế gian, đó là Người Con Một của Ngài. Qua (= nhờ, dia) Người Con này, Thiên Chúa muốn cứu độ cả nhân loại, và ban lại cho họ sự sống đời đời (Ga 3,17).
  5. Thiên Chúa muốn cứu độ nhân loại qua Người Con Một mà Ngài ban là Đức Giêsu Kitô. Đây là món quà vô giá của tấm lòng Thiên Chúa. Thế nên để được cứu độ, con người cần trân trọng đón nhận món quà này, nghĩa là cần tin vào Người Con Một mà Thiên Chúa trao ban và sai đến (Ga 3,16-17). Tin là thái độ cần thiết được nhấn mạnh nhiều lần ở Ga 3,15.16.18. Bất cứ ai đón nhận Người Con này với lòng tin thì được cứu độ, được có sự sống đời đời. Tuy nhiên, ai cố chấp và cố tình không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì sẽ không được cứu độ. Người ấy sẽ bị xét xử bởi thái độ khép kín này (Ga 3,18).
  6. Ngôi Lời là ánh sáng đã đến trong thế gian (Ga 1,9). Đức Giêsu, Ngôi Lời làm người, nhiều lần nhận mình là ánh sáng (Ga 3,19; 8,12; 9,5; 12,46). Dựa trên Ga 3,19-21, ta thấy một trong những lý do khiến người ta ghét ánh sáng và yêu bóng tối, đó là: “các việc họ làm thì xấu xa” (Ga 3,19), và bóng tối giúp cho “các việc họ làm khỏi bị phơi bày” (Ga 3,20). Như thế để tin vào Đức Giêsu và đến cùng Ánh sáng, con người cần từ bỏ “những việc làm xấu xa” hay “những điều dữ”, và cần “sống theo sự thật” (Ga 3,19-21). Cuộc sống ngay chính sẽ kéo người ta lại gần Giêsu, lại gần ánh sáng. Lòng tin vào Đức Giêsu không loại bỏ cuộc sống tử tế, nhưng đòi ta “làm điều lành” (Ga 5,28-29).
  7. Bài Tin Mừng hôm nay kín đáo nói về cái chết của Đức Giêsu. Ngài sẽ được giương cao trên thập giá như xưa Môsê treo cao con rắn đồng lên cây cột (Ga 3,14-15). Bài Tin Mừng này cũng phần nào cho ta thấy lý do khiến Đức Giêsu bị giết chết. Đức Giêsu là ánh sáng, nhưng người ta yêu thích bóng tối hơn ánh sáng, vì ánh sáng làm lộ ra sự xấu xa của những việc họ làm (Ga 3,19). Hơn nữa, người ta còn ghét và không đến với ánh sáng vì không muốn việc họ làm bị phơi bày (Ga 3,20). Vậy cái chết của Đức Giêsu là hậu quả của thái độ thù ghét và từ chối không tin vào ánh sáng.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện: