Thứ Hai 04.03.2024
Khi Ngôn Sứ Bị Khước Từ Tại Quê Hương
Thứ Hai Tuần III – Mùa Chay
Thánh Casimirô – Lễ nhớ
2 V 5,1-15a • Tv 41,2.3; Tv 42,3.4 (Đ. Tv 41,3) • Lc 4,24-30
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca
24 Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Khi Ngôn Sứ Bị Khước Từ Tại Quê Hương
Tuyên bố “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là ngôn sứ. Ngôn sứ là người nói nhân danh người khác, mang thông điệp của người khác. Trong Do Thái giáo, các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa gửi đi để loan báo, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng những dấu chỉ, việc đến của Đấng Mêsia, sứ điệp của ơn cứu độ, của hòa bình và của hy vọng. Chúa Giêsu là ngôn sứ thập toàn, là Đấng Cứu Độ được trông mong; mọi lời sấm ngôn được ứng nghiệm nơi Ngài. Tuy nhiên, cũng như vào thời của Êlia và Êlisa, Chúa Giêsu không được đón tiếp giữa những người cùng quê hương, thậm chí họ kéo Ngài lên đỉnh núi để xô Ngài xuống vực. Khi ngôn sứ bị xua đuổi, ơn của Chúa cũng sẽ bị lấy đi. Êlia bị “xua đuổi” khỏi Israel, lương thực không còn được ban cho dân này. Nhưng bà góa dân ngoại thành Sarépta lại được no đủ, thoát khỏi nạn đói. Êlisa cũng bị “xua đuổi” khỏi Israel, ơn chữa lành cũng đi khỏi dân này để ban cho một người khác là Naaman, người biết đón nhận Êlisa. Người xưa đối xử với các ngôn sứ cùng quê hương như vậy, người nay ưa thích và ưu ái các ngôn sứ “ngoại” (các cha, các thầy/sơ từ nơi khác đến phục vụ) những thờ ơ với những người con cùng quê hương của mình, dù họ vẫn là cha, là thầy, là sơ. Dù vậy, là người của Chúa, họ phải tiếp tục loan báo Lời Chúa cho quê hương, rồi phải loan báo cho nơi khác. Lời Chúa tiếp tục được gieo, đất sỏi đá sẽ không tiếp nhận Lời; đất tốt sẽ làm Lời lớn mạnh.
Ts. Phêrô Nguyễn Huy Đức
Sống Lời Chúa: Thái độ tôn trọng, không phân biệt vùng miền, mở lòng ra đón tiếp những người Chúa gửi đến phục vụ cộng đoàn là sống tinh thần ngôn sứ của Chúa.
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam