15/11/2024

Chúa Nhật II Mùa Chay B 2024: Biến hình trong đời người

Tuần này Giáo Hội nhắc nhở ta rằng đời sống đó cũng là một cuộc biến hình liên tục, vừa tạo nên hạnh phúc vì cảm nghiệm được ơn lành của Chúa, đồng thời cũng đòi hỏi ta phải phấn đấu từ bỏ chính mình như Abraham trong Bài đọc I (x. St 22,1-18) hay như Chúa Giêsu “từ cõi chết sống lại” trong bài Tin Mừng (x. Mc 9, 2-10).

Chúa Nhật II Mùa Chay B 2024

Biến hình trong đời người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước chúng ta đã thấy đời sống con người là một cuộc chiến đấu trường kỳ với những cám dỗ. Tuần này Giáo Hội nhắc nhở ta rằng đời sống đó cũng là một cuộc biến hình liên tục, vừa tạo nên hạnh phúc vì cảm nghiệm được ơn lành của Chúa, đồng thời cũng đòi hỏi ta phải phấn đấu từ bỏ chính mình như Abraham trong Bài đọc I (x. St 22,1-18) hay như Chúa Giêsu “từ cõi chết sống lại” trong bài Tin Mừng (x. Mc 9, 2-10). Vậy chúng ta phải làm thế nào để biến hình thật sự và trọn vẹn?

1. Những cuộc biến hình trong đời người

Chúng ta biết có nhiều loại biến hình, có những thứ giả tạo, tạm thời, nhưng cũng có thứ thật sự và vĩnh viễn.

Trong đời sống, chúng ta thấy nhiều thiếu nữ có khuôn mặt trung bình, nhưng đến ngày cưới, dưới bàn tay khéo léo của người trang điểm, với quần áo và đồ trang sức lấp lánh, ta thấy cô gái ấy biến đổi thành xinh đẹp lạ lùng. Có những nghệ sĩ trong đời thường không có gì đặc sắc, nhưng qua nghệ thuật diễn xuất, hoá trang, dưới ánh đèn sân khấu, họ trở thành đẹp đẽ, tài giỏi phi thường. Không ít người hâm mộ bị cuốn hút theo họ và tôn sùng họ như thần tượng. Tuy nhiên, sau ngày cưới hay xong buổi trình diễn, họ trở về con người bình thường, có khi còn xấu xí, kém cỏi hơn ta. Đó là những cuộc biến hình tạm thời, nhiều khi giả tạo.

Thật ra, có rất nhiều người muốn biến đổi đời mình một cách nhanh chóng, dù họ hiểu rằng cuộc biến hình đó sẽ không kéo dài, an toàn, tốt đẹp. Họ giống như người đi giải phẫu thẩm mỹ để sửa, mắt, mũi, môi, cằm, thậm chí bơm hoá chất vào các phần thân thể cho to lên. Nhưng những việc này rất nguy hiểm cho sự sống vì đưa vào thân thể những chất liệu không dung hợp dẫn đến hoại tử, ung thư.

Đối mặt với cuộc sống thực tế, nhiều người lại thấy mình mỗi ngày một già yếu hơn, xấu xí hơn và cuối cùng phải đối mặt với cái chết, phải buông bỏ tất cả tài sản, danh vọng để trở về với cát bụi. Họ không muốn mình biến hình như thế, nhưng phải chịu đựng chúng vì cho đời là tạm bợ, vô thường. Vì vậy, có nhiều người bi quan, không muốn trang điểm, sắm sửa, làm đẹp cho mình cũng như cho đời.

Trái lại, nhìn ra thế giới với các cuộc xung đột khốc liệt hiện nay, nhiều người lo sợ nền kinh tế khủng hoảng, đồng tiền mất giá, chiến tranh hạt nhân có thể huỷ diệt tất cả, nên chỉ muốn an thân, không muốn xảy ra bất cứ một biến động nào. Họ muốn sống theo triết lý : “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” để mong giữ được thái độ an nhiên, bình thản giữa mọi thăng trầm của dòng đời.

2. Luật biến hình của muôn loài

Thật ra, chúng ta nên hiểu về luật biến hình, chuyển động, tiến hoá liên tục của muôn loài để biết nên giữ thái độ nào cho đúng đắn.

Thiên Chúa dựng nên muôn loài và đặt chúng vào trong sự chuyển động không ngừng như chính Ngài là “hiện thể tinh ròng” (Actus Purus) theo quan điểm triết học Công giáo. Chính Chúa Giêsu cũng xác định: “Cha Ta làm việc luôn thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Chính nhờ sự hoạt động liên tục của Thiên Chúa mà muôn loài luôn được đổi mới nhờ sự sáng tạo của Chúa Cha, ơn cứu độ của Chúa Con và ơn thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Nếu không, muôn loài sẽ biến thành hư vô ngay lập tức.

Trước đây khi con người chưa biết đến khoa học, người ta tưởng rằng nhiều vật thể trong vũ trụ đứng yên, chỉ có mặt trời, mặt trăng xoay quanh trái đất. Nhiều loài không có sự sống gọi là tĩnh vật như đất, đá giữ nguyên cấu trúc của chúng và không biến đổi. Tuy nhiên, khoa học đã cho ta thấy rằng vạn vật biến đổi không ngừng. Hình dạng bên ngoài có thể giữ nguyên trong một thời gian ngắn, nhưng cấu trúc vật chất với các nguyên tử, phân tử, điện tử của muôn loài đều biến đổi từng giây, phút.

Con người cũng vậy. Mỗi ngày có hàng triệu tế bào cũ chết đi và thay bằng các tế bào mới. Mỗi ngày ta thở khoảng 10 ngàn lít không khí, uống khoảng 3-4 lít nước và ăn khoảng 1,5 ký lương thực. Tất cả các nguyên tố vật chất như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ… đó biến đổi không ngừng trong thân thể. Về lĩnh vực tinh thần cũng thế. Mỗi ngày, tinh thần ta có những hiểu biết mới, tình cảm mới, mơ ước mới, dữ liệu mới được ta lưu trữ trong bộ nhớ… Chính những tài năng và giá trị tinh thần này định hình cho thể xác biến đổi liên tục để ta mang lấy giá trị tích cực hay tiêu cực trong cuộc biến hình của mình cho đến phút cuối cùng của cuộc đời.

Khi Thiên Chúa dựng nên ta giống hình ảnh mình, Ngài chia sẻ cho ta sự sống, tình yêu, quyền năng, vẻ đẹp và biết bao ân phúc để ta biểu lộ cho mọi người, mọi vật thấy mình là hình ảnh thật sự của Thiên Chúa. Thế nhưng, con người đã phản bội tình yêu của Chúa, đã cắt đứt mối hiệp thông với Ngài, nên đã bị biến đổi theo hướng tiêu cực: già nua, xấu xí, bẩn thỉu, tội lỗi. Vì thế, Chúa Cha đã gửi Con của Ngài là Ngôi Lời trở thành người là Chúa Giêsu để giúp ta biến đổi thật sự qua cái chết và sự sống lại của Người.

3. Vậy muốn biến đổi như Chúa Giêsu chúng ta phải làm gì?

Từ một con người bình thường như bao người khác, “dung nhan Người chói lọi như mặt trời” (Mt 17,2), thậm chí “y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ giặt nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3).

Các môn đệ cảm thấy hạnh phúc khi ở gần Chúa Giêsu như ông Phêrô nói trong cơn mê. Chỉ khi thấy Chúa Cha nói cho họ biết đây là “Con yêu dấu của Ngài”, rồi thấy ông Môsê và Êlia đến nói chuyện với Chúa Giêsu, thì các môn đệ mới khám phá ra con người thật của Chúa Giêsu. Rồi chỉ sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, và Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ mới khám phá ra con người thật của mình cũng có thể biến đổi giống như Chúa Giêsu. Vì thế Chúa Giêsu mới căn dặn họ đừng kể cho ai biến cố này “cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Biến hình trên núi

Mỗi người chúng ta đều có khả năng biến hình mỗi ngày cho thân xác khoẻ mạnh hơn, tâm trí khôn ngoan hơn, tinh thần mạnh mẽ hơn để làm chứng cho Chúa Giêsu. Muốn thế, chúng ta cần ăn uống điều độ và khoa học hơn, nhất là thở được thật nhiều dưỡng khí cho bộ não làm việc hiệu quả. Nhiều bạn trẻ không biết rằng mình có thể học giỏi gấp đôi, gấp ba so với hiện nay, nếu mình thay đổi được nếp sống hiện tại. Nhiều người không biết rằng họ cần ngủ đủ 7-8 tiếng thì bộ nhớ của họ mới phát huy hết hiệu quả, nhưng họ lại tốn quá nhiều giờ cho các trò chơi và phim ảnh đồi truỵ. Nhiều người lại chưa biết học với người thầy vĩ đại là Đức Giêsu và hít thở thần khí của Người để phát huy trọn vẹn các tài năng tinh thần.

Muốn biến hình thật sự, Chúa Giêsu mời gọi ta cùng đi với Người lên núi cao để tìm về nguồn hiện hữu là Thiên Chúa, như Abraham, để chứng minh tình yêu của ta dành trọn vẹn cho Thiên Chúa, dám từ bỏ tất cả, dù có phải hy sinh cả tương lai đời mình. Lên núi cao là để tìm về nguồn sống, nguồn hiện hữu của ta là Thiên Chúa thay vì tìm những gì thấp hèn, chiều theo các tham vọng và dục vọng của con người. Lên núi cao là ta chỉ nghĩ đến điều tích cực, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng cho mọi người quanh ta. Mỗi lần cố gắng sống tích cực như thế là ta đang biến đổi chính mình như những con sâu đang chuyển mình thành bướm. Chúa Cha cũng nhắc nhở ta “hãy vâng nghe lời Người” thì chúng ta mới có thể biến hình như Người.

Việc thứ hai là ta phải gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để đạt được biến hình thật sự và trọn vẹn vì nhờ đó Chúa Cha mới ban cho ta muôn vàn ơn phúc, nhất là các ơn đặc biệt của Thánh Thần. Thánh Phaolô nhắc nhở ta hôm nay: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,34).

Lời kết

Cầu chúc anh chị em thật sự biến hình với Chúa Giêsu trong từng giây phút cuộc đời. Amen.

HKK