22/01/2025

Tết Giáp Thìn 2024 – Mùng Một Tết:  Trời mới, đất mới với con người mới

Trong những giờ phút linh thiêng của ngày đầu năm mới, chúng ta muốn dâng lên Chúa tất cả trời đất và con người ta để xin Chúa chúc lành và đổi mới theo thánh ý Chúa.

Mồng Một Tết Nguyên đán Giáp Thìn, 2024

Trời mới, đất mới với con người mới

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong ngày đầu năm mới, chúng ta đang hoà mình vào vũ trụ vạn vật và muôn người quanh ta để cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, bình an từ sự đổi mới của muôn loài. Hoa lá cỏ cây đang thay màu áo mới. Con người chúng ta cũng đang mặc quần áo mới, chuẩn bị tiền mới để mừng tuổi cho nhau.

Các bài Thánh kinh cũng hướng về một sự đổi mới toàn diện. Chúa phán: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới… Ta sẽ tạo Giêrusalem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng” (Is 65, 17-18). Thánh Gioan cũng nói: “Tôi thấy trời mới đất mới vì trời cũ đất cũ đã biến mất. Tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, trang điểm như tân nương để đón tân lang… Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (x. Kh 21, 1-4).

1. Trời cũ, đất cũ và con người cũ là gì?

Mỗi ngày sống, nhìn vào vũ trụ vạn vật, chúng ta thấy dường như chúng chẳng thay đổi gì và tồn tại mãi mãi. Các nhà khoa học tính được tuổi của vũ trụ cho đến nay là 13,8 tỉ năm, tuổi của núi sông, biển cả hàng tỉ năm so với đời người khoảng 100 năm. Vì thế, người ta mới “chỉ biển mà thề, chỉ núi mà nguyền” (thệ hải, minh sơn) để bảo đảm cho tình yêu chung thuỷ của con người.

Từ vài ngàn năm trước, các triết gia phương Tây như Hy Lạp, La Mã cho rằng trời đất gồm 4 chất chính là gió-nước-lửa-khí phối hợp với nhau tạo thành muôn loài. Còn các nhà đạo học phương Đông lại cho rằng vũ trụ vạn vật bao gồm 5 chất chính là kim-mộc-thuỷ-hoả-thổ do Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá tối cao phối hợp chúng với nhau.

Chỉ từ thế kỷ 19-20, các nhà khoa học mới bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng các thành phần cấu tạo của trái đất và vũ trụ này từ Bảng Tuần hoàn các Nguyên tố Hoá học của D. Mendeleev năm 1869. Năm 2016, các nhà khoa học xác định được 118 nguyên tố trong trái đất và vũ trụ. Cơ thể con người có khoảng 20 nguyên tố, trong đó 4 chất chính là Carbon-Hydro-Oxy-Nitơ chiếm tới 96% trọng lượng.

Hàng triệu tế bào cũ được đổi mới mỗi ngày cũng như vũ trụ vẫn còn hợp thành các thiên hà mới từ các lỗ đen. Tất cả những sự đổi mới của vũ trụ vật chất này diễn ra từng ngày như khuyến khích ta vượt ra khỏi những lối cũ sáo mòn trong đời sống.

Vì thế xét về phương diện vật chất, con người chỉ là một thành phần vô cùng nhỏ bé và thời gian sống vô cùng ngắn ngủi của vũ trụ này. Còn trái đất, nơi ta đang sống, cũng chỉ là một hạt cát rất nhỏ bé trong thiên hà của chúng ta. Thiên hà này có khoảng 400 triệu ngôi sao như mặt trời và vũ trụ bao la lại có khoảng một trăm ngàn thiên hà khác mà kính viễn vọng thiên văn Hubble của Hoa Kỳ đã chụp ảnh được.

Vũ trụ bao la, một thế giới khác - Kinh Thánh và Khoa học

Chính vì tính được tuổi của vũ trụ hàng tỉ năm, đo được sự bao lao của vũ trụ bằng độ dài của năm ánh sáng, thấy được nét đẹp của núi cao, biển rộng, sông dài nên người ta thấy mình nhỏ bé, tầm thường, yếu đuối và xem thường địa vị của con người trong vũ trụ. Thậm chí nhiều người còn bi quan trước cái chết như điểm tận cùng của một kiếp người.

Thật ra, con người mới chính là trung tâm của vũ trụ chứ không phải của riêng trái đất. Cơ thể con người trung bình có 75 ngàn tỉ tế bào, mỗi tế bào lại chứa hàng ngàn tỉ các nguyên tố, mỗi nguyên tố như khí oxy, hydro lại chứa hàng tỉ tỉ phân tử, nguyên tử, điện tử qua khí thở, đồ ăn thức uống hằng ngày mà con người đưa vào trong thân thể mình và rồi lại thải ra để hoà nhập vào muôn loài Tất cả những nguyên tố vật chất đó biến đổi và tiến hoá không ngừng.

Cái làm nên giá trị bền vững cho vật chất nằm ở trong tinh thần của con người với các giá trị của nó như là tình yêu, tư tưởng, niềm vui, hy vọng, tự do, chân thiện mỹ… Rồi vì chúng không phải là vật chất nên chúng không thể bị giới hạn bởi không gian và thời gian, cũng như không thể cân đo đong đếm. Nhờ tinh thần này con người có thể vươn cao tới Thgiên Chúa là nguồn mọi hiện hữu và vươn xa tới muôn loài trong vũ trụ. Chính tinh thần này định hình cho vật chất. Bát cơm ta ăn hay ly nước ta uống bây giờ với tình yêu biết ơn ta dành cho Thiên Chúa và tình yêu muốn phục vụ muôn loài thì chúng tồn tại mãi mãi, dù các nguyên tố vật chất của chúng đã chuyển hoá sang muôn loài theo thời gian và không gian.

Tuy nhiên, tất cả vũ trụ, trái đất và con người, dù có đổi mới từng giây phút, chúng vẫn là trời cũ, đất cũ và con người cũ, nghĩa là chúng tồn tại và phát triển theo hướng tự nhiên được Thiên Chúa Tạo Hoá ấn định ngày từ khi tạo dựng ban đầu. Hơn nữa, trong dòng lịch sử sáng tạo, chúng còn đã bị lỗi do tinh thần con người đã thêm vào những điểm tiêu cực như xấu xí, giả dối, độc ác, tạm bợ, huỷ diệt, chết chóc khi con người cắt đứt mối hoà hợp với Thiên Chúa là cội nguồn của mọi hiện hữu tích cực. Chúng ta gọi đó là tình trạng của tội nguyên tổ Ađam.

Trong lịch sử tạo thành, các thiên thần cũng đã một lần cắt đứt với nguồn hiện hữu như thế và điều đó xảy ra trước cả con người. Nhưng vì họ là tinh thần nên hậu quả chỉ tác động đến những loài thuộc tinh thần. Còn con người, vì vừa có thể xác vật chất vừa có tinh thần, nên tội phạm của họ đã ảnh hưởng đến toàn thể vũ trụ: “Muôn loài thọ tạo đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy do tội lỗi của con người”. “Nhưng chúng luôn trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (x. Rm 8,19-22).

2. Trời mới, đất mới với con người mới

Cuộc đổi mới thật sự chỉ bắt đầu thực hiện trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô cách đây khoảng 2000 năm khi Thiên Chúa Tạo Hoá sai con của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, mang lấy các yếu tố vật chất của vũ trụ để làm trung gian hoà giải đôi bên là Thiên Chúa và loài người.

🎥 CUỘC ĐỜI CHÚA JESUS | The Life of JESUS | 4K - YouTube

Trước hết, vì tội xúc phạm đến Chúa luôn mang tính nặng nề vô cùng do địa vị tối cao của Chúa, nên nếu muốn việc hoà giải kết quả, ta cần một người trung gian vừa có địa vị ngang hàng với Ngài vừa có quan hệ mật thiết với ta. Giống như một thường dân khi xúc phạm đến ông vua hay thủ tướng cần một người vừa có địa vị tương đương với người bị xúc phạm vừa phải liên hệ gần gũi với kẻ xúc phạm. Vì thế, tất cả những Đấng được các tôn giáo tôn phong là Trung gian hay Cứu độ không thể đảm nhận được nhiệm vụ hoà giải này.

Tiếp theo, vì Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, nên chỉ có Người mới có thể đưa được thần tính vĩnh hằng, tình yêu vô biên, hạnh phúc vô tận, quyền năng vô cùng, chân thiện mỹ tuyệt đối vào trong con người và vạn vật để đổi mới tận gốc. Đây là sự đổi mới toàn diện và vĩnh viễn mà không một ai trên trần thế hay vũ trụ có thể thực hiện được. Người đã chứng minh sự đổi mới này bằng chính cuộc sống, cái chết và cuộc sống lại của mình. Người mời gọi tất cả tham gia vào sự đổi mới này qua các lời giảng dạy và phép lạ trên con người cũng như trên vạn vật.

Như thế là Chúa Giêsu đã dùng tinh thần tuyệt đối của Thiên Chúa định hình cho vật chất để tất cả thụ tạo đều có thể hoà nhập thành con cái Thiên Chúa như Người. Chính công trình cứu độ này đã biến đổi con người trở thành trung tâm của toàn thể vũ trụ. Hình ảnh của ngôi sao dẫn đường trong ngày Người giáng sinh (x. Mt 2,1-12), trời đất tồi sầm, trái đất rúng động trong khi Người hấp hối (x. Lc 23,44; Mt 27, 51-54) và chuyển động dữ dội khi Người sống lại (x. Mt 28,2) cho ta thấy vũ trụ cảm nhận được ơn cứu độ của Người.

Lời kết

Vì thế, trong những giờ phút linh thiêng của ngày đầu năm mới, chúng ta muốn dâng lên Chúa tất cả trời đất và con người ta để xin Chúa chúc lành và đổi mới theo thánh ý Chúa. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta tiếp tục định hình cho vũ trụ vật chất này bằng những giá trị tinh thần tích cực để luôn mang lại niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho muôn loài. Amen.