22/01/2025

Tết Giáp Thìn 2024 – Mùng Ba Tết:  Lao động và công trình thánh hoá con người

Chúng ta cố gắng đưa tình yêu vào mỗi công việc, qua nồi cơm ta nấu hay chậu quần áo ta giặt, từng công việc học hành nhỏ bé ta làm. Thánh Thần Tình yêu sẽ thánh hoá tất cả vì ta kết hợp được với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ của Người.

Mồng Ba Tết 2024

Lao động và công trình thánh hoá con người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Mồng 3 Tết, Giáo Hội Việt Nam mời gọi chúng ta dâng lên Chúa tất cả những công ăn việc làm của mình trong năm mới, để xin Ngài thánh hoá chúng và ban ân sủng để ta hoàn thành theo thánh ý Chúa. Có lẽ đây là dịp để ta nhìn lại ý nghĩa của lao động trong đời sống con người.

1. Lao động để thăng hoa con người

Trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, nhất là trong cuốn Docat mà ĐTC Phanxicô gửi cho giới trẻ, chương 6 của cả hai sách đều bàn đến nghề nghiệp và ơn gọi của người tín hữu, cũng như ý nghĩa cao quý và tốt đẹp của lao động. Bài đọc I (x. St 4-9.15) kể cho ta công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa Cha: Ngài đã dựng nên toàn thể vũ trụ, vạn vật dưới đất, tạo thành con người, đặt họ vào vườn Eden để cùng lao động như chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

Lễ Thánh Giuse Lao Động

Giáo Hội dạy ta rằng lao động không phải là một lời nguyền rủa mà là phương thức để giúp con người thăng tiến bản thân. Nhiều người tưởng lầm rằng vì tội của Adam mà đất đai cằn cỗi, gai góc và con người phải vất vả lao động, phải đổ mồ hôi mới kiếm được miếng cơm manh áo. Giáo Hội nhắc nhở ta rằng lao động không phải là lời nguyền rủa của Chúa nhưng giúp cho ta giống như Thiên Chúa luôn làm việc giống như Ngài, ban cho ta sức lực, của đôi tay, tài năng của trí óc, động lực của con tim để khi lao động ta làm cho con người mình phát triển, hạnh phúc, cải tạo mặt đất cho xanh tươi, tốt đẹp, cải tạo xã hội này cho giàu mạnh, an lành.

Thế nhưng rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ, nghĩ rằng lao động chỉ xứng đáng nếu nó làm ra nhiều tiền của vật chất, lao động chỉ có ý nghĩa khi người ta dùng tiền của ấy sắm sửa cho mình nhiều tiện nghi trong đời sống: như các bộ quần áo đúng thời trang, xe hơi đời mới, căn nhà rộng rãi, được đi du lịch nhiều nơi để có thể khoe với bạn bè. Người ta đã hiểu lầm lao động khi thấy các cầu thủ đội tuyển bóng đá: chỉ chơi vài trận, mà đã kiếm được hàng tỉ đồng và được báo đài ca tụng như những anh hùng của đất nước trong khi bao người khác miệt mài làm việc để giữ cho đất nước này được an lành. Người ta coi thường lao động tay chân hay trí não khi nhìn vào những nghệ sĩ sân khấu biến hình dưới ánh đèn màu và chỉ cần hát vài bài cũng kiếm được cả trăm triệu đồng! Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng đó mới là những nghề nghiệp đáng để mình theo đuổi và đó mới là cuộc đời đáng sống!

Nhiều người chúng ta đã quên mất ý nghĩa của lao động. Lao động chính là ta hành động như Chúa để diễn tả tình yêu của Ngài cho muôn loài và qua tình yêu ấy mọi người cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc, bình an. Chính khi lao động chúng ta làm thăng hoa bản thân, đưa thế giới và xã hội phát triển tốt đẹp.

2.Lao động để cứu độ thế giới

Ý nghĩa thứ hai của lao động là giúp chúng ta hoà nhập vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. Cv 20, 32-35) gợi ý rằng ngài luôn đi rao giảng Tin Mừng nên đáng lẽ ngài được các tín hữu giúp đỡ về đời sống vật chất. Nhưng không, ngài nói: “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai tôi cũng chẳng ham. Chính anh em đã biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi thì đôi tay này đã tự cung cấp”. Ngài làm nghề dệt vải lều nên đi đến đâu thánh Phaolô cũng lao động tay chân, từ đó kiếm tiền nuôi sống mình và nuôi sống người khác.

Đôi khi một số tín hữu nghĩ rằng các linh mục tu sĩ chúng tôi sống nhờ vào tiền đóng góp của người khác. Nhưng thực tế anh em linh mục chúng tôi và những tu sĩ luôn được mời gọi để lao động bằng chính đôi tay và trí óc của mình.

Vào năm 1975, Đức tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình sai đã tôi vào làm công nhân trong Nhà Máy In Tổng Hợp Tp. HCM, ngài nói rằng: “Giáo hội Việt Nam chưa có kinh nghiệm về hai lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, nhất là dưới chế độ Cộng sản, người ta quan tâm nhiều đến 2 giai cấp nông dân và công nhân, nên ta sai con làm việc trong lĩnh vực này để tìm hiểu cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho những tín hữu khác”. Tôi đã làm việc ở đó cùng với các nữ tu Dòng Đức Mẹ Thừa sai Trinh Vương suốt 21 năm, từ 1975-1996, mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ với máy sắp chữ cơ khí Monophoto. Khi làm việc ở đó chúng tôi cảm nhận rằng lao động thật sự mang lại những ích lợi thiết thực cho con người với những sách báo mình in ấn hằng ngày để chia sẻ thông tin và kiến thức cho người khác.

Rồi chính khi làm việc như vậy, Chúa lại soi sáng cho tôi khám phá ra nhiều điều mới lạ trong kỹ thuật in để dạy trong các đại học. Tôi đã dạy 16 năm ở Đại học Sư phạm Kỹ thuật khoa Kỹ thuật In, 3 năm ở Đại học Kiến Trúc khoa Mỹ thuật Công nghiệp, 2 năm ở Đại học Tổng Hợp khoa Ngữ văn Báo chí, và bây giờ vẫn tiếp tục dạy ở các học viện dòng tu. Chính khi làm việc, nghiên cứu, học hành, Chúa sẽ giúp tâm trí ta mở mang và phát triển. Vì thế càng cố gắng học hành làm việc, Chúa Thánh Thần càng ban ơn để ta phát huy những tài năng tốt đẹp Chúa ban.

3. Làm việc khác nhau nhưng chung một tình yêu

Đó là ý nghĩa của bài Phúc Âm (x. Mt 25,14-30) chúng ta vừa nghe. Chúa giao cho mỗi người những yến bạc khác nhau: người 5, người 2, người 1. Ngài mời gọi ta luôn làm việc giống như Chúa Giêsu và Chúa Cha. Rồi dưới tác động thánh hoá của Chúa Thánh Thần, chúng ta làm cho các yến bạc ấy sinh lời cho Chúa đó là tạo nên hạnh phúc và ơn cứu độ cho anh chị em mình.

Có những người nghĩ rằng loại lao động nặng về chân tay hay sức lực là thuộc về những con người thấp kém trong xã hội. Họ chỉ coi trọng những công việc nhàn nhã trong các công ty lớn, với chức vụ cao, làm việc nhẹ nhàng với những máy móc tối tân. Họ không hiểu giá trị lao động hằng ngày thuộc về sự phân công trong xã hội để mỗi người mỗi việc, nhưng cùng có chung một bổn phận là làm phát triển xã hội và có chung một tình yêu của Chúa để cứu độ thế giới.

Dù ta chỉ là một phụ nữ lo việc nội trợ trong gia đình, một người làm công việc giản đơn trong công ty xí nghiệp, hay một người thất nghiệp đi bán vé số ngoài đường, thậm chí đi nhặt rác thải…nhưng nếu ta làm với tất cả tình yêu dành cho Chúa và cho anh chị em mình, như vậy là đã đủ. Đó là ơn gọi của mỗi người chúng ta. Trong sự phân công xã hội, không thể tất cả đều làm giám đốc hay người quản lý. Mỗi người, qua ơn gọi, môi trường làm việc và tài năng Chúa ban, chúng ta đóng góp vào kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là đem tình yêu cứu độ thế giới.

Chúng ta cố gắng đưa tình yêu vào mỗi công việc, qua nồi cơm ta nấu hay chậu quần áo ta giặt, từng công việc học hành nhỏ bé ta làm. Thánh Thần Tình yêu sẽ thánh hoá tất cả vì ta kết hợp được với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ của Người.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta dâng lên Chúa những công việc sẽ làm trong cả năm để xin Chúa thánh hoá, chúc lành. Xin Chúa Cha đổ tràn Thánh Thần tình yêu vào lòng ta, để mỗi giây phút sống, ta đều có một nụ cười vui, một lời chân thành, một việc chính đáng mang lại niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho muôn loài. Amen.