Chúa Giêsu chịu phép Rửa, năm B, 2024: Hoà mình với tội nhân
Chúa Giêsu chịu phép Rửa, năm B, 2024
Hoà mình với tội nhân
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa kết thúc mùa Giáng Sinh và cũng mở ra tuần đầu tiên mùa Thường Niên trong năm Phụng vụ. Đó là vì lễ này dẫn ta đến tột đỉnh của mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và mời gọi ta bắt đầu sứ mệnh Kitô hữu của mình, như là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô giữa cộng đồng xã hội. Trong ít phút này chúng ta cùng nhau suy nghĩ về việc hoà mình với tội nhân như Chúa Giêsu.
1. Tột đỉnh của mầu nhiệm
Vào ngày Giáng Sinh, Chúa Giêsu là một hài nhi ở giữa các mục đồng và các hiền sĩ trong hang đá nhỏ bé, vào giữa đêm thanh vắng. Còn khi chịu phép Rửa, Đức Giêsu là một người trưởng thành giữa cộng đồng xã hội, ngay giữa ban ngày với muôn loài.
Trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Chúa Giêsu đến với các mục đồng dốt nát, nghèo khổ, bị gạt ra ngoài lề xã hội nhưng vẫn được Thiên Chúa tôn trọng, cũng như ở giữa các hiền sĩ trí thức, giàu sang, đạo đức, xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương. Còn trong mầu nhiệm chịu phép Rửa, Thiên Chúa hạ mình không phải chỉ đến với những người bình thường, mà còn xuống với những người tội lỗi, đáng bị Thiên Chúa gạt bỏ, loại trừ. Con Ngài còn hoà mình đứng chung với họ dưới dòng sông Giorđan như một tội nhân, vì Người đã tình nguyện gánh lấy tội lỗi của muôn loài.
Ngày Giáng Sinh, Ngôi Lời đến với vũ trụ qua việc đón nhận cách thụ động hang đá tồi tàn, chiên bò sưởi ấm, quà tặng của các đạo sĩ và cả vì sao xa tắp tít trên trời. Còn ngày chịu phép Rửa, Người tích cực hoà mình vào dòng nước vật chất, đem sự thánh thiện cao cả, vô biên, tuyệt đối của mình thánh hoá muôn loài trong vũ trụ và dùng chính nước ấy thanh tẩy muôn loài trở thành trong trắng xứng đáng với Thiên Chúa.
Trong ngày Giáng Sinh, Mẹ Maria giới thiệu con mình, còn trong ngày chịu phép Rửa, chính Chúa Cha giới thiệu Con mình cho muôn người, muôn vật qua tiếng phán từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Như thế, với mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu phép Rửa, chúng ta đạt tới tột đỉnh mầu nhiệm Giáng Sinh. Mầu nhiệm này muốn diễn tả cho ta hiểu rằng Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã sai Con mình xuống đến tận cùng của gia đình nhân loại và vũ trụ, dù họ có yếu đuối tội lỗi thế nào đi nữa, để đón nhận tất cả vào gia đình Thiên Chúa. Qua bí tích Rửa Tội, con người và vạn vật trong con người, làm thành thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, được chia sẻ sự sống kỳ diệu, phi thường, tuyệt đối, vô biên của Thiên Chúa với lời xác nhận của Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
2. Thái độ đứng trên bờ
Nhưng có rất nhiều người chúng ta chưa đạt được ân huệ ấy, chưa cảm nghiệm được sự sống ấy chuyển vào con người mình. Tại sao? Tại vì chúng ta đang giữ thái độ loại trừ của những kẻ đứng trên bờ, khác hẳn với Chúa Giêsu hoà mình vào trong dòng nước với tội nhân.
Rất nhiều người trong xã hội Do Thái thời đó cũng như thời nay, vẫn nghĩ rằng mình vô tội, không cần sám hối ăn năn, không cần nghe theo lời kêu gọi của ông Gioan Tẩy Giả. Họ vẫn đứng trên bờ, ngạo nghễ nhìn xuống đám đông đang chịu phép Rửa để tỏ lòng sám hối. Đầu tháng 12/2023 vừa qua, tôi đã đến sông Hằng ở Ấn Độ, con sông ô nhiễm nhất thế giới vì người ta đổ tro thiêu xác và những chất thải trên sông. Nhưng vẫn có hàng triệu người tắm mỗi ngày trong đó để được thanh tẩy tội lỗi.
“Thái độ đứng trên bờ” bổ túc cho thái độ “muốn ở mãi trung tâm” thay vì đi ra vùng ven mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nói đến. Ngài yêu cầu ta đi ra vùng sâu, vùng xa như các hiền sĩ Đông Phương, đến với những người nghèo khổ, tật bệnh, tội lỗi, bị loại trừ, thay vì bằng lòng với những nghi lễ trang trọng, đời sống an nhàn, ổn định, thoả mãn với các người giàu sang, khoẻ mạnh, đạo đức, đầy danh thơm, tiếng tốt quanh mình. Ngài mời gọi ta dám chấp nhận một Giáo Hội bị thương tổn, bị nhục mạ, bẩn thỉu vì đi trên đường và dám hoà mình xuống dòng sông như Đức Giêsu trong công trình cứu độ và loan báo Tin Mừng (x. Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 49).
Đứng trên bờ vì nhiều người sợ nước, sợ bẩn, sợ bệnh. Người ta chỉ muốn đứng trên bờ để thấy mình khô ráo, an toàn, sạch sẽ. Trong một xã hội với đủ loại người khốn khổ, nghèo hèn, bệnh tật, tham nhũng, nghiện ngập, sa đoạ,… nhiều người hãnh diện đứng trên bờ vì không muốn bị người khác hiểu lầm, đánh đồng họ với các kẻ tội lỗi. Thái độ đó làm họ xa cách đám đông, không dám tham gia vào hoạt động sám hối.
Nhưng thử hỏi đó có phải là một “thái độ khôn ngoan” như tục ngữ ta từng nhắc nhở: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” không? Đó có phải là thái độ Đức Giêsu muốn khi chính Người đang ở dưới dòng nước không?
3. Hoà nhập với muôn vật, muôn loài
Đức Giêsu mời gọi ta hãy theo Người, hãy bước xuống dòng nước với Người để hoà mình với muôn vật, muôn người. Kinh nghiệm đau đớn nhưng quý báu, về việc Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn giữ nguyên 7% dân số từ 130 năm nay mà không tăng triển được, như đòi buộc ta hãy tích cực hoà mình vào xã hội và tham gia vào hoạt động tẩy rửa tội lỗi như Chúa Giêsu. Nếu ta dám hoà nhập vào dòng nước ô nhiễm ấy cùng với Người để cứu độ muôn loài, Người sẽ chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa để ta chia sẻ cho muôn loài.
Đến với những người nghèo đói, tật bệnh, ta phải chia sẻ cả những gì ta đang cần, nhưng ta đừng quên Chúa Giêsu giàu sang vô cùng, Người sẽ bù đắp cho ta những gì ta thiếu thốn. Đến với những người bị xã hội coi thường, ta có thể bị hiểu lầm, vu khống, nhục mạ, nhưng ta đừng quên rằng Thiên Chúa nhìn thấu mọi chuyện, Ngài sẽ trả lại vinh quang, danh dự cho ta.
Tuy nhiên, ta “đừng đóng kịch, đừng diễn xuất trước mắt Chúa” như một số người, khi họ làm ra vẻ như hoà mình vào dòng người khốn khổ: họ ghé vai cõng người cùi đi một đoạn đường, đến vài cơ sở xã hội để phát quà, vui chơi với ít em mồ côi, đẩy xe lăn cho người tàn tật… Họ tươi cười trước những ống kính thu hình để đưa hình ảnh mình trên các trang mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý của người khác, hoặc để quảng cáo cho công ty bán hàng, cho tổ chức thiện nguyện, cho dòng tu của mình. Nhưng sau các màn kịch ấy, họ lại trở về với thái độ đóng kín, loại trừ, nên thật sự không cứu độ được người khác cũng như chẳng cảm nhận được niềm vui Tin Mừng.
Đức Giêsu đang mời gọi ta hãy bắt chước Người: bước xuống nước, chấp nhận bị dơ bẩn, bị mang tiếng, hiểu lầm, nhục mạ, dù Người vô tội hay chúng ta có thể vô tội. Chỉ khi ta thật sự hoà mình với những tội nhân như Người, ta mới thấy “các tầng trời xé ra và Chúa Thánh Thần ngự xuống” trên ta để chúng ta tràn ngập tình yêu, quyền năng, lòng thương xót của Thiên Chúa và thể hiện sứ mệnh là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không thể chỉ diễn kịch một vài phút, nhưng phải đi đến tận cùng thái độ hoà nhập với tội nhân như Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời, cho đến cái chết nhục nhã trên thập giá giữa 2 tên trộm cướp, thì mới sống lại với Người.
Lời kết
Chỉ khi hoà nhập vào dòng đời tội lỗi như thế, mầu nhiệm phép Rửa của Chúa Giêsu cũng như của mỗi Kitô hữu chúng ta mới thật sự có ý nghĩa và đạt được hiệu quả cứu độ. Amen.
HKK