22/12/2024

Tiếp kiến chung (10/1): Thói xấu về ăn uống

Tiếp kiến chung (10/1): Thói xấu về ăn uống

Sáng thứ Tư ngày 10/1, Đức Thánh Cha có buổi Tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần với bài giáo lý có tựa đề “Thói háu ăn” trong loạt bài giáo lý về các thói xấu và các nhân đức.

Bài trích sách Châm ngôn (23,15.20-21):

Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan thì lòng dạ thầy cũng vui sướng. […]
Đừng nhập bọn với quân chè chén say sưa, với những kẻ chỉ mê ăn mê nhậu.
Bởi vì kẻ say sưa ăn nhậu ắt sẽ phải túng nghèo; kẻ mơ màng buồn ngủ sẽ khố rách áo ôm.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình các bài giáo lý mà chúng ta đang thực hiện về các thói xấu và nhân đức, hôm nay chúng ta tập trung vào thói xấu về ăn uống (háu ăn).

Tin Mừng nói gì với chúng ta về điều này? Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu, phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana biểu lộ sự cảm thông của Người đối với những niềm vui của con người: Người quan tâm để bữa tiệc kết thúc tốt đẹp và cho đôi tân hôn một lượng lớn rượu ngon. Trong suốt hành trình sứ vụ, Chúa Giêsu tỏ ra như một vị ngôn sứ rất khác biệt với Gioan Tẩy Giả: nếu Gioan được nhớ đến với lối sống khổ hạnh – ông đã ăn những gì tìm thấy trong sa mạc – thì ngược lại Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mà chúng ta thường thấy ở bàn ăn. Cách hành xử của Người tạo nên cú sốc cho một số người, bởi vì Người không chỉ nhân từ với tội nhân, mà còn ăn uống với họ; và cử chỉ này thể hiện mong muốn hiệp thông và gần gũi với tất cả mọi người.

Nhưng cũng có một điều gì đó khác. Trong khi Chúa Giêsu chu toàn Lề Luật đối với các giới răn Do Thái, tuy nhiên, Người tỏ ra thông cảm với các môn đệ của mình: khi họ phạm lỗi, vì đói họ bứt bông lúa để ăn, Người biện minh cho họ, bằng cách nhắc lại việc ngay cả vua Đa-vít và các thuộc hạ của vua đã lấy bánh tiến để ăn (x. Mc 2,23-26). Nhưng trên hết, Chúa Giêsu đã nêu lên một nguyên tắc mới: khách dự tiệc cưới không thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ. Chúa Giêsu muốn chúng ta vui mừng khi ở bên Người, Người là chàng rể của Giáo hội; nhưng Người cũng muốn chúng ta tham dự vào những đau khổ của Người, đó cũng là những đau khổ của những kẻ bé nhỏ và người nghèo. Chúa Giêsu là phổ quát.

Một khía cạnh quan trọng khác. Chúa Giêsu bỏ sự phân biệt giữa thực phẩm thanh sạch và thực phẩm ô uế, vốn là một sự phân biệt trong luật Do Thái.

Và về điều này, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng điều làm nên tốt hay xấu – có thể nói – xấu của một thức ăn, không phải là do tự bản thân thức ăn mà là mối liên hệ của chúng ta với nó. Và chúng ta thấy điều đó, khi một người có mối liên hệ không điều độ với thức ăn, thì chúng ta có thể nhìn cách họ ăn, ăn vồn vã, như thể để thỏa mãn bản thân và không bao giờ thỏa mãn được, không có cảm giác thỏa mãn; nếu không có liên hệ tốt với thức ăn thì làm nô lệ của thức ăn. Chúa Giêsu coi trọng thức ăn. Việc ăn uống có tính xã hội. Cũng có những biểu hiện của sự mất cân bằng và nhiều bệnh lý. Người ta ăn quá nhiều hoặc quá ít. Người ta thường ăn một mình. Chứng rối loạn ăn uống đang lan rộng: biếng ăn, cuồng ăn, béo phì… Và y học, tâm lý học đang cố gắng giải quyết mối liên hệ không tốt với thực phẩm. Mối liên hệ không tốt với thực phẩm sẽ tạo ra tất cả những căn bệnh này.

Đây là những căn bệnh, thường rất đau khổ, liên quan nhiều hơn đến những nỗi khổ về tâm lý và tâm hồn. Như Chúa Giêsu đã dạy, không phải tự bản thân thức ăn là điều xấu, nhưng mối liên hệ của chúng ta với chúng. Thực phẩm là biểu hiện của một điều gì đó bên trong: khuynh hướng cân bằng hoặc thái quá; khả năng tạ ơn hoặc kiêu ngạo cho rằng mình tự lập; sự đồng cảm của những người biết chia sẻ miếng ăn cho người túng thiếu, hay sự ích kỷ của những người tích trữ mọi thứ cho riêng mình. Hãy cho tôi biết bạn ăn uống thế nào, tôi sẽ cho bạn biết bạn có tâm hồn thế nào.

Các Giáo Phụ xưa gọi thói háu ăn là “gastrimargia”, một thuật ngữ có thể dịch là “sự điên cuồng của cái bụng”. Đây là một câu châm ngôn, có nghĩa là chúng ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Thói háu ăn là một tật xấu gắn liền với một trong những nhu cầu thiết yếu của chúng ta, như thực phẩm chẳng hạn. Chúng ta để ý điều này.

Nếu chúng ta đọc nó từ góc độ xã hội, thì thói háu ăn có lẽ là thói xấu nguy hiểm nhất đang giết chết hành tinh. Bởi vì tội lỗi của những người đầu hàng trước một miếng bánh, xét về cho cùng, không gây ra thiệt hại lớn, nhưng tính phàm ăn mà chúng ta đã buông thả, trong vài thế kỷ nay, đối với tài nguyên của hành tinh đang làm tổn hại đến tương lai của mọi người. Chúng ta vồ lấy mọi thứ, trở thành chủ nhân của mọi thứ, trong khi mọi thứ đã được giao cho chúng ta trông coi, gìn giữ chứ không phải để bóc lột. Như vậy, đây là tội lỗi lớn, cơn giận dữ của cái bụng: chúng ta đã từ bỏ danh nghĩa con người, để nhận lấy danh nghĩa khác là “người tiêu dùng”. Và ngày nay người ta nói như vậy trong đời sống xã hội: người tiêu dùng. Chúng ta thậm chí còn không để ý rằng ai đó đã bắt đầu gọi chúng ta như vậy. Chúng ta được tạo dựng để trở thành những người nam nữ “thánh thể”, có khả năng tạ ơn, cẩn trọng trong việc sử dụng trái đất, nhưng thay vào đó, có nguy hiểm là chúng ta lại biến mình thành những kẻ săn mồi, và giờ đây chúng ta nhận ra rằng hình thức “háu ăn” này đã gây ra rất nhiều tai hại cho thế giới. Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta biết điều độ để những hình thức “háu ăn” không chiếm hữu đời sống chúng ta. Xin cảm ơn anh chị em!

Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ban phép lành cho những người hiện diện.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-01/tiep-kien-chung-10-01-2024.html