Nhìn lại ngoại giao Toà Thánh trong năm 2023

Nhìn lại ngoại giao Toà Thánh trong năm 2023

Ngày 8/1 vừa qua, như thông lệ vào dịp đầu năm mới, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh. Nhân dịp này, Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố một thông cáo với những số liệu về hoạt động ngoại giao của Toà Thánh.

Buổi gặp của Đức Thánh Cha với ngoại giao đoàn 8/1/2024

Theo thông cáo này, hiện nay có 184 quốc gia có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Toà Thánh, trong đó có 89 nước có trụ sở ngoại giao tại Roma. Bên cạnh đó, Liên hiệp Châu Âu, Hội Hiệp sĩ Malta cũng có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Toà Thánh và có trụ sở ngoại giao ở Roma. Còn Liên đoàn các nước Ả Rập, Tổ chức Quốc tế về Di cư và Cao uỷ Liên Hiệp quốc về Người tị nạn có trụ sở ngoại giao cạnh Toà Thánh cũng ở Roma.

Trong năm 2023, quan hệ ngoại giao của Toà Thánh đã có những bước tiến, như đã được Đức Thánh Cha nêu lên trong bài diễn văn được đọc trước ngoại giao đoàn. Toà Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Vương quốc Ô-man vào ngày 23/2. Vào ngày 19/7, “Thoả thuận bổ sung cho Thoả thuận giữa Toà Thánh và Cộng hoà Kazakhstan về quan hệ song phương ngày 24/9/1998” đã được phê chuẩn, liên quan đến việc cấp thị thực và giấy phép cư trú cho các nhân viên Giáo hội và tu sĩ đến từ nước ngoài.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Toà Thánh bổ nhiệm vị Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, vào ngày 23/12 vừa qua, là Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore và cũng đã là Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam trong vài năm qua. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng việc bổ nhiệm được thực hiện sau khi Thoả thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam được ký kết vào ngày 27/7/2023. Ngài nói rằng việc bổ nhiệm này “là để cùng nhau tiếp tục hành trình đã đi cho đến nay, trong dấu hiệu tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, nhờ các mối quan hệ thường xuyên ở cấp độ thể chế và sự cộng tác của Giáo hội địa phương”.

Việc ký kết Thoả thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam được xem là hiệp ước quan trọng nhất trong các hoạt động ngoại giao của Toà Thánh trong năm 2023 và là bước tiến đặc biệt quan trọng trong việc tiến tới quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Toà Thánh và Việt Nam.

Hiện tại Toà Thánh có 261 thỏa thuận và hiệp ước song phương. Trong số này có một số thỏa thuận được sửa đổi trong khi những thoả thuận khác vẫn còn hiệu lực. Có 214 thoả thuận và hiệp ước được Toà Thánh ký kết với 74 quốc gia, trong số này có 154 thoả thuận ký kết với 24 nước Châu Âu.

Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc

Trong quan hệ đa phương, Toà Thánh có quy chế Quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp quốc từ năm 1964. Toà Thánh không bao giờ muốn có tư cách quốc gia thành viên, mặc dù đã được đề nghị nhiều lần, để duy trì quyền tự do của mình, tránh bỏ phiếu (hoặc không bỏ phiếu, vốn vẫn là một quan điểm) trong các nghị quyết theo Chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, liên quan đến việc tuyên chiến, và không bị chính trị hoá.

Năm nay, Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã có khoảng 50 bài phát biểu.

Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, đã có mặt tại lễ khai mạc Đại hội đồng năm 2023 và có một số bài phát biểu nhân dịp này, đồng thời kêu gọi thành lập một cơ quan toàn cầu để quản lý trí tuệ nhân tạo.

Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Genève cũng có một tầm quan trong trung tâm, bởi vì nó không chỉ đại diện tại Liên Hiệp Quốc mà còn tại UNCTAD, cơ quan thương mại của Liên Hiệp Quốc; tại Tổ chức Quốc tế về Di dân, một vấn đề quan trọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô; và tại WIPO, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Quốc tế.

Năm nay, phái bộ đã thực hiện 34 bài phát biểu, so với 35 bài trong năm ngoái. Đáng chú ý là sự kiện cấp cao về tính phổ quát của nhân quyền; trong sự kiện này phái đoàn Toà Thánh cũng trình bày Tông huấn Laudate Deum của Đức Thánh Cha.

Toà thánh tại các Tổ chức quốc tế

Trong khi đó, Phái bộ Đại diện Toà Thánh tại Vienna là nơi làm việc của Đại diện thường trực của Toà Thánh tại Tổ chức Hợp tác và An ninh Châu Âu (OSCE), tổ chức mà Toà Thánh đã giúp thành lập bằng cách tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán về Hiệp ước Helsinki năm 1975 và bằng cách đưa chủ đề tự do tôn giáo vào hiệp ước này.

Đây cũng là đại diện của Toà Thánh đối với IAEA, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế mà Toà Thánh là nước sáng lập.

Toà Thánh đã hợp tác với Hội đồng Châu Âu từ năm 1962 và trở thành Quốc gia Quan sát viên kể từ ngày 7 tháng 3 năm 1970. Tính đến năm 2014, Toà Thánh đã phê chuẩn 6 công ước của Hội đồng Châu Âu và tham gia vào một số thỏa thuận từng phần, với tư cách là quốc gia thành viên và quốc gia quan sát viên.

Phái bộ của Toà Thánh hiện diện tại Hội đồng Châu Âu tại Strasbourg nhằm mục đích duy trì cuộc đối thoại mang tính xây dựng với 47 quốc gia thành viên của Hội đồng và 5 quốc gia quan sát viên, nhằm hỗ trợ mọi sáng kiến ​​nhằm xây dựng một xã hội dân chủ dựa trên sự tôn trọng về phẩm giá của con người.

Trong số các hoạt động của phái bộ Toà Thánh tại Hội đồng Châu Âu là hoạt động với tư cách là cầu nối với Moneyval, Uỷ ban đánh giá tính minh bạch tài chính của các quốc gia quyết định tuân theo các đánh giá của tổ chức này. Toà Thánh đã bước vào quy trình Moneyval từ năm 2011, đạt được một loạt tiến bộ trong hoạt động tài chính và điều này cũng đã được chứng nhận trong báo cáo tiến độ mới nhất vào tháng 12 năm 2017. Báo cáo Moneyval mới nhất được công bố vào tháng 4 năm 2021.

Thuyên chuyển và bổ nhiệm

Về phía các đại diện ngoại giao của Toà Thánh tại các nước, trong năm 2023 Đức Thánh Cha đã thuyên chuyển và bổ nhiệm Sứ thần tại một số nước. Hiện tại còn 26 Toà Sứ thần Toà Thánh tại các nước không có đại diện của Toà Thánh: Toà Sứ thần tại Nigeria, quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc đàn áp chống Kitô giáo và trong tình hình địa chính trị phức tạp; Toà Sứ thần tại Hàn Quốc và Mông Cổ, vì Đức Tổng Giám mục Xuereb đã được bổ nhiệm làm Sứ thần Toà Thánh tại Maroc; Toà Sứ thần tại Georgia và Armenia, vì Sứ thần Toà Thánh José Bettencourt được chuyển đến Cameroon, và người đứng thứ 2, Đức ông Giuseppe Laterza, được thăng làm Tổng Giám mục Sứ thần và được bổ nhiệm đến Cộng hoà Trung Phi.

Ngoại giao Toà Thánh tại các nơi xung đột

** Trọng tâm ngoại giao của Toà Thánh trong năm 2023 chuyển từ Ucraina sang Thánh Địa và việc thăng Đức Thượng phụ của Công giáo Latinh của Giêrusalem Pierbattista Pizzaballa làm hồng y đã phần nào nâng tầm ngoại giao về sự hiện diện của Toà Thánh ở Israel.

Sau ba tháng chứng kiến hàng ngàn thường dân thiệt mạng trong các cuộc xung đột bạo lực ở Gaza, trong diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh hôm 8/1, Đức Thánh Cha lưu ý rằng khi năm 2024 bắt đầu, thế giới “ngày càng bị giằng xé” bởi xung đột, và “sự khác biệt giữa các mục tiêu quân sự và dân sự không còn được tôn trọng nữa”.

Tại Trung Đông, Jordan và đảo Sýp được thống nhất dưới cùng một Sứ thần Toà Thánh là Đức Tổng Giám mục Giampietro dal Toso.

Các chuyến viếng thăm

Trong số các chuyến thăm ngoại giao, cần lưu ý đến chuyến trở lại Nam Sudan của Đức Hồng y Pietro Parolin, chuyến đi tới Angola để thụ phong giám mục cho vị Sứ thần đầu tiên tại nước này, chuyến đi đến Slovakia và chuyến đi đến Senegal. Đức Tổng Giám mục Gallagher đã tới Úc, nơi ngài từng làm Sứ thần, để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, và tới Hàn Quốc. Đức Tổng Giám mục Gallagher đã lên kế hoạch thăm đến Thánh Địa nhưng đã không thực hiện được. Ngài đã có chuyến thăm Liecthenstein và điều này bảo đảm với công quốc này về tầm quan trọng của nó đối với Toà Thánh.

Tại Phủ Quốc vụ khanh

Tại Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh, cơ quan đặc trách về ngoại giao của Toà Thánh, Đức Thánh Cha cũng đã có những bổ nhiệm và được đánh giá là sự thay đổi thế hệ trong ngành ngoại giao của Toà Thánh. Những nhân vật được bổ nhiệm vào các chức vụ trong Phủ Quốc vụ khanh là những vị trẻ hơn, thuộc thế hệ mới hơn. Trước tiên là việc bổ nhiệm Đức ông Daniel Pacho làm Thứ trưởng mới cho Phân bộ phụ trách các mối quan hệ đa phương của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh; Thứ trưởng mới phụ trách nhân sự ngoại giao là Đức ông Joseph Murphy. Ngoài ra Đức Thánh Cha còn bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Salvatore Pennacchio làm tân viện trưởng của Học viện ngoại giao của Toà Thánh, nơi đào tạo các Sứ thần của Toà Thánh. Ngài được chuyển đến từ tòa Sứ thần Ba Lan.

Thư ký của Đức Hồng y Pietro Parolin, Cha Vincenzo Turturro, cũng được thăng làm Sứ thần tại Paraguay.

​Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-01/nhin-lai-ngoai-giao-toa-thanh-trong-nam-2023.html