23/12/2024

Lễ Giáng Sinh 25/12/2023, Lễ Ban Ngày: Thiên Chúa nói trực tiếp với con người

Lễ Giáng Sinh 25/12/2023, Lễ Ban Ngày

Thiên Chúa nói trực tiếp với con người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày lễ Giáng Sinh năm nay, chúng ta cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc vì được Thiên Chúa nói trực tiếp với con người khi cho Con Một của Ngài là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Tuy nhiên, ta chỉ cảm nhận được điều này khi biết mở cửa lòng mình ra để đón nhận Người. “Vì Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,10-12).

Vì thế, kể từ cuộc giáng sinh của Đức Giêsu cách đây hơn 2023 năm, lời nói của người tín hữu Kitô không còn chỉ là những âm thanh, tiếng nói tự nhiên của con người, mà có thể biến thành lời cứu độ diệu kỳ của Thiên Chúa.

1. Thiên Chúa nói với con người

Trong lịch sử các tôn giáo, người ta kể nhiều chuyện về việc thần linh giao tiếp với con người, soi sáng và dạy dỗ họ nhiều điều sâu xa, huyền bí. Ta gọi đó là hành động mạc khải: nghĩa là vén tấm màn (mạc) để mở (khải) cho tâm trí con người thấy điều huyền diệu. Những lời dạy của thần linh, của Thiên Chúa có giá trị siêu việt mà con người phải tuyệt đối tuân theo.

Thiên Chúa còn chọn ra một số người xứng đáng, cho họ biết những ý định của mình và nhờ họ chuyển lời của mình đến các dân tộc hay đến cho những người khác. Ta gọi những người này là các ngôn sứ hay tiên tri. Vì thế, trong Bài đọc II của Thư Do Thái (Dt 1,1-6), ta hiểu rằng: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ”.

Tuy nhiên, các vị đó, không phải chỉ thuộc về dân tộc Do Thái hay những người được Thánh Kinh Cựu Ước nhắc tới, mà còn là tất cả những ai đã dạy dỗ những điều chân thực, đã chỉ cho nhân loại con đường sự thật và sự sống. Trong số đó ta có thể kể tên những bậc thầy hiền triết của Hy Lạp, La Mã, của Trung Hoa như Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, của Ấn Độ như Đức Phật Thích Ca, các vị sáng lập ra đạo Jain hay Kỳ Na giáo (1 tôn giáo cổ xưa nhất của Ấn Độ) và rất nhiều người khác nữa.

Ngày 2/12/2023, đoàn lữ hành chúng tôi đã đến thăm quần thể hang động Ellora ở vùng Aurangabad, Ấn Độ. Quần thể này được xây dựng từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ X sau Công Nguyên. Có 34 hang động, gồm: 12 hang động Phật giáo, 17 hang động đạo Hindu và 5 hang động đạo Jain. Các nhóm tín hữu thuộc ba tôn giáo khác nhau này xây dựng các công trình kiến trúc của họ rất gần nhau và đôi khi cùng lúc là bằng chứng về sự hoà hợp tôn giáo tồn tại trong thời gian này tại Ấn Độ. Các tu sĩ ở đây dùng phương pháp thiền định, suy niệm để lắng nghe được các vị thần linh nói với mình. Họ sống đời khổ hạnh và tin rằng mình sẽ được chuyển hoá mỗi kiếp một cao hơn trong vòng luân hồi của mình.

E:\HINH BO\ẤN ĐỘ 12-2023\IMG_1251.jpg

Một góc nhỏ của Quần thể hang động Ellora

Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Vào thời điểm cuối cùng, Thiên Chúa sai Con Một của mình đến nói trực tiếp với con người, để ai tin vào Người Con đó sẽ được cứu độ, được trở thành con cái Thiên Chúa, và được sống mãi mãi như Thiên Chúa” (x. Dt 1,1-2).

Người Con Một đó là Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện trở thành người, mặc lấy thân xác người phàm để đưa bản tính Thiên Chúa vĩnh hằng, tình yêu vô biên, hạnh phúc vô tận, sự thật tuyệt đối, sự sống phi thường vào trong con người hữu hạn, vô thường, đau khổ và chết chóc này. Đó là lý do tại sao nhiều nơi trên thế giới mừng lễ Chúa Giáng Sinh: vì “Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Nazareth và ở giữa chúng ta”.

Thiên Chúa không phải nói với con người qua những trung gian nữa, nhưng Ngài nói trực tiếp và trọn vẹn qua Đức Giêsu để ai nghe cũng có thể hiểu được Thiên Chúa là ai, con đường sự thật và sự sống sẽ dẫn ta đến đâu và con người có thể hoà nhập thành một với Thiên Chúa như thế nào khiến cho cuộc đời của con người từ nay có thể biến đổi hoàn toàn để cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc vô biên ngay trong kiếp làm người duy nhất của họ.

2. Con người chưa nghe được tiếng Chúa, chưa hiểu được lời của Thiên Chúa

Rất nhiều người trên thế giới mừng lễ Giáng Sinh, nhưng họ chỉ hiểu đó là một lễ hội để vui chơi, tặng quà, nghỉ ngơi, ăn nhậu và không hiểu được ý nghĩa tinh thần của lễ này. Còn người Kitô hữu vẫn cử hành lễ Giáng Sinh hàng năm, nhưng nhiều người đã bỏ quên việc gắn bó mật thiết với Ngôi Lời sống động là Chúa Giêsu và quên việc thở hít thần khí của Người. Họ dần dần chỉ tập trung vào các nghi lễ, bí tích, phụng tự bên ngoài, quan tâm vào việc tìm hiểu ý nghĩa các bản văn ghi lại lời Chúa trong cuốn sách Thánh Kinh.

Đường hướng sống này càng làm họ xa rời Đức Giêsu vì không gặp được Người như một Thiên Chúa sống động đang hiện diện cụ thể giữa con người và vạn vật. Người đang nói với con người qua rất nhiều hình thức khác nhau như qua vạn vật, qua tiếng lương tâm, qua các biến cố trong đời sống, qua lịch sử dân tộc và thế giới cũng như đang nghe con người nói với Thiên Chúa bằng nhiều hình thức khác nhau: qua lời nói, hành động và toàn bộ đời sống của mình.

ĐGH Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhắc nhở tín hữu rằng: “Khi nói đến lời Chúa, nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như một cuốn sách hay một tập hợp những lời giáo huấn. Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa. Nó là một lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì là điều đó thành hiện thực. Tin Mừng không phải chỉ là một hệ thống các điều khoản và giới răn đạo đức… mà là một con người. Đó là Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người” (x. Bản Đề Cương của Thượng Hội đồng Giám mục 2012 “Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin”, số 11). Điều này được ĐGH Phanxicô nhắc lại nhiều lần để chúng ta hiểu lời Chúa là Đức Giêsu sống động đang ở giữa chúng ta.

Người không phải là những pho tượng bất động trong các hang đá, tượng đài được trang hoàng lộng lẫy. Người đang ẩn thân trong những người nghèo khổ, bệnh tật, đau buồn, tù tội hay làm nô lệ đủ kiểu ở khắp nơi quanh ta. Người mong muốn ta nhận ra Người và loan báo Lời cứu độ bằng những hành động cụ thể, tích cực của mình. “Đẹp thay bước chân người loan báo tin mừng” (Is 52,7).

F:\BAC AI XA HOI\HOI BAO TRO\HOI BAO TRO NKT-TMC\NHIEM KY 2021-2026\KSK NĂM 2023\KSK 17-12-2023 tại QUẬN 7 VSTAR\Hinh ksk 17-12-2023\01 copy.jpg

F:\BAC AI XA HOI\HOI BAO TRO\HOI BAO TRO NKT-TMC\NHIEM KY 2021-2026\KSK NĂM 2023\KSK 17-12-2023 tại QUẬN 7 VSTAR\Hinh ksk 17-12-2023\02 copy.jpg

F:\BAC AI XA HOI\HOI BAO TRO\HOI BAO TRO NKT-TMC\NHIEM KY 2021-2026\KSK NĂM 2023\KSK 17-12-2023 tại QUẬN 7 VSTAR\Hinh ksk 17-12-2023\03 copy.jpg

Chỉ khi kết hợp với Chúa Giêsu và thở được thần khí của Người, thì lời nói, hành động hay cả con người chúng ta sẽ biến thành Lời cứu độ, lời Tin Mừng. Lời đó có thể làm cho bánh cá hoá nhiều, gió yên biển lặng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, giải phóng tù nhân, làm cho cả kẻ chết sống lại như ta thấy trong cuộc đời Chúa Giêsu và các môn đệ của Người.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em trong mùa Giáng Sinh này gặp được Chúa Giêsu và trở thành Lời sống động của Chúa cho mọi người, mọi vật quanh mình. Amen.

HKK