23/12/2024

Kinh Truyền Tin (26/12): Lễ Thánh Stêphanô tử đạo

Kinh Truyền Tin (26/12): Lễ Thánh Stêphanô tử đạo

Trưa thứ Ba, 26/12, lễ Thánh Stêphanô, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã có bài huấn dụ ngắn về sự tử đạo của Thánh Stêphanô đã trở nên hạt giống trổ sinh nhiều hoa trái.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, ngay sau Lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng lễ Thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên. Chúng ta tìm thấy câu chuyện về cuộc tử đạo của ngài trong Sách Công vụ Tông đồ (xem chương 6-7), trong đó mô tả ngài là một người có tiếng tốt trong việc phục vụ bàn ăn và quản lý việc bác ái (xem 6.3). Chính vì sự chính trực quảng đại này mà ngài không thể không làm chứng cho điều quý giá nhất đối với ngài: làm chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu, và điều này đã làm bùng lên cơn thịnh nộ của những người chống đối ngài, họ giết ngài bằng cách ném đá không thương tiếc. Mọi chuyện diễn ra trước sự chứng kiến của một thanh niên, Sao-lô, một người nhiệt thành bách hại các Kitô hữu, người đóng vai trò là “người bảo đảm” cho việc hành quyết (xem 7.58).

Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về cảnh này: Saolô và Stêphanô, kẻ bắt bớ và kẻ bị bắt bớ. Dường như có một bức tường không thể xuyên thủng giữa họ, cứng như chủ nghĩa thủ cựu của người Pharisêu trẻ tuổi và như những viên đá ném vào người bị kết án tử hình. Tuy nhiên, vượt trên vẻ bề ngoài, có một điều gì đó mạnh mẽ hơn liên kết họ: thực vậy, qua chứng tá của Stêphanô, Chúa đã chuẩn bị trong tâm hồn Sao-lô, mà ông không hề hay biết, một cuộc hoán cải sẽ dẫn ông trở thành một Tông đồ vĩ đại. Thánh Stêphanô, việc phục vụ, lời cầu nguyện và đức tin mà ngài loan báo, sự can đảm và đặc biệt là sự tha thứ của ngài vào lúc chết, không phải là vô ích. Người ta nói rằng, trong thời bách hại – và ngay cả ngày nay, “máu của các vị tử đạo gieo hạt mầm các Kitô hữu”. Chúng dường như không có kết quả gì, nhưng trên thực tế, sự hy sinh của ngài đã tung ra một hạt giống chạy ngược hướng với những viên đá, được gieo một cách ẩn giấu vào lồng ngực của đối thủ tệ hại nhất của ngài.

Ngày nay, hai ngàn năm sau, thật đáng tiếc, chúng ta thấy rằng cuộc bách hại vẫn đang tiếp diễn: bách hại các Kitô hữu vẫn còn – và có rất nhiều – những người đau khổ và chết để làm chứng cho Chúa Giêsu, cũng như có những người bị trừng phạt ở nhiều cấp độ khác nhau vì hành xử theo cách của Tin Mừng, và những người chiến đấu hàng ngày để trung thành, không ồn ào, với những bổn phận tốt đẹp của mình, trong khi thế gian cười nhạo điều đó và rao giảng điều khác. Ngay cả những anh chị em này có vẻ như là những người thất bại, nhưng ngày nay chúng ta thấy rằng không phải như vậy. Quả thực, bây giờ, hạt giống hy sinh của họ, dường như đã chết, lại nảy mầm sinh hoa trái, bởi vì Thiên Chúa tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu qua chúng (x. Cv 18:9-10), để thay đổi tâm hồn và cứu rỗi con người.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: liệu tôi có quan tâm và cầu nguyện cho những người, ở nhiều nơi trên thế giới, ngày nay vẫn còn đau khổ và chết vì đức tin của họ không? Nhiều người bị giết chết vì đức tin. Và về phần tôi, tôi có cố gắng làm chứng cho Tin Mừng một cách nhất quán, hiền lành và tin tưởng không? Tôi có tin rằng hạt giống tốt sẽ sinh hoa trái ngay cả khi tôi không thấy kết quả ngay lập tức không?

Xin Mẹ Maria, Nữ Vương các vị tử đạo, giúp chúng con làm chứng cho Chúa Giêsu.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chúc bình an và mọi điều tốt lành từ Giáng Sinh của Chúa. Ngài cảm ơn về những lời chúc mừng Giáng Sinh được gởi đến ngài, đặc biệt là những lời cầu nguyện dành cho ngài. Ngài nói rằng xin tiếp tục cầu nguyện cho giáo hoàng. Giáo hoàng cần lời cầu nguyện của anh chị em.

Kế đến, trong ngày lễ Thánh Stephanô tử đạo, Đức Thánh Cha nhớ đến các cộng đoàn Kitô hữu hiện đang bị phân biệt đối xử và chịu bách hại vì đức tin. Ngài khuyến khích họ kiên vững trong đức tin và đức ái với tất cả mọi người trong khi vẫn đấu tranh cách hoà bình cho công bình và tự do tôn giáo.

Đức Thánh Cha cũng tiếp tục cầu nguyện cho các nạn nhân của chiến tranh, những người vô tội bị chiến tranh cướp đi tất cả. Ngài gọi những nơi chiến tranh là một sa mạc chết chóc. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho hoà bình.

Cuối cùng, trong Mùa Giáng Sinh, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu viếng hang đá với sự ngạc nhiên khiến chúng ta có thái độ tôn thờ. Hãy để cho chúng ta được đụng chạm bởi sự ngạc nhiên trước sự Giáng Sinh của Chúa.

Vatican News