22/01/2025

Chúa Nhật III Mùa Vọng B 2023-24: Làm chứng Chúa Kitô đã đến

Chúa Nhật III Mùa Vọng B 2023-24

Làm chứng Chúa Kitô đã đến

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh tuần này tập trung vào việc làm chứng cho Chúa Giêsu là Đấng cứu độ đã đến. Bài Tin Mừng (x. Ga 1,6-8.19-28) gợi ý: “Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng”.

Sứ mệnh làm chứng của Gioan cũng là sứ mệnh của mỗi Kitô hữu. Nhưng chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu như thế nào cho con người thời nay?

1. Làm chứng là gì?

Xét về từ ngữ, “chứng” là cái đưa ra để bảo đảm sự việc là có thật như tục ngữ ta thường nhắc: “nói có sách, mách có chứng”. “Làm chứng”, có nghĩa là một người không phải là đương sự, đứng ra xác nhận điều mình đã chứng kiến là có thật (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, Mục từ Chứng, tr. 263; Làm chứng, tr. 694). Đây là công việc ít ai muốn làm, vì nó khiến người làm chứng tốn công sức, thời giờ, tiền bạc và có thể gặp nguy hiểm khi làm chứng cho một sự kiện thuộc về người khác chứ không phải là của mình.

Tuy nhiên, người ta bắt buộc phải làm chứng cho những sự kiện, công việc quan trọng, nhất là những vụ án liên can đến nhiều người vì gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của họ, hoặc gây nguy hiểm cho an ninh trật tự của đất nước. Nếu người đã chứng kiến sự kiện hoặc việc gây án mà không đứng ra xác nhận để trả lại sự thật, công bằng hay tìm ra nguyên nhân, họ sẽ bị toà án xem là đồng loã, bị kết án tù đày hay phải đón nhận cả bản án cao nhất là phản bội tổ quốc và có thể bị tử hình.

Vì thế, đứng trước sự kiện Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu để cứu độ toàn thể nhân loại và vũ trụ, ông Gioan đã tận mắt chứng kiến việc Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha xác nhận đó là Con yêu dấu của Ngài, được Chúa Thánh Thần hiện ra dưới hình chim bồ câu khi ông làm phép rửa cho Đức Giêsu ở sông Jordan. Ông cũng nghe cha mẹ, người thân kể lại việc mình được sinh ra cách lạ lùng với sứ mệnh làm chứng cho Đấng Cứu thế như thế nào… Vì thế nên ông phải làm chứng.

Còn chúng ta trong thời đại hiện nay đã hiểu biết về Đức Giêsu hơn cả ông Gioan: chúng ta đã tin Người là Đấng Cứu thế, đã cảm nhận được Người qua các bí tích và nghi lễ của Giáo Hội, đã nhận được biết bao ân huệ lớn lao của Người. Do đó, chúng ta cũng có nhiệm vụ phải làm chứng cho Chúa Giêsu còn hơn cả ông Gioan.

2. Những hiểu lầm về việc làm chứng

Trong những thế kỷ trước đây, người ta đã hiểu lầm vai trò và việc làm chứng của ông Gioan, vì căn cứ vào câu nói của Chúa Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”. Họ nghĩ nghĩ rằng ông Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Giêsu cách cao cả cho đến chết. Vì thế, cho đến trước Công đồng Vaticanô II, trong kinh Cáo Mình và kinh Cầu các Thánh cũng như trong thánh lễ hồi xưa, Giáo Hội luôn nêu tên thánh Gioan Tẩy Giả sau tên Đức Mẹ Maria và trước tên các thánh khác như Phêrô, Phaolô.

Thật ra, người ta quên phần sau trong câu nói của Chúa Giêsu: “Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (x. Mt 11,11). Sau khi Công đồng kết thúc năm 1965, người ta đã khám phá ra địa vị cao cả cũng như việc làm chứng về Chúa Giêsu của mỗi tín hữu trong thời Tân Ước, đặc biệt của thánh Giuse, và rồi gần đây mới đưa tên thánh Giuse vào sau tên Đức Mẹ trong thánh lễ.

Điều đó gợi ý rằng: dù là những người nhỏ nhất trong Nước Trời, chúng ta vẫn cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, bởi vì chúng ta không phải chỉ cho người khác thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế như Gioan, mà chúng ta còn là hiện thân của Chúa Giêsu, khi chúng ta gắn bó với Người qua các bí tích, trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Vì thế, nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Giêsu của chúng ta càng quan trọng và hiệu quả hơn ông.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B 2020 CHÚA NHẬT MÀU HỒNG. (13/12/2020) – (Ga 1, 6-8. 19-28) - GIÁO XỨ TÂN VIỆT

Nhiều người nghĩ rằng mình không có trách nhiệm phải làm chứng vì họ nghĩ rằng mình có tận mắt thấy Chúa Giêsu và các sự kiện liên quan tới Người đâu! Họ có thấy Chúa Cha và Chúa Thánh Thần hiện ra với ai đâu! Họ có thấy tận mắt những phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện như đã từng làm cho người Do Thái đâu! Vì thế nhiều tín hữu Kitô cũng chỉ mừng lễ Giáng Sinh trong tâm thế mong chờ Chúa đến, chứ không ngờ Chúa đã đến rồi vì thế ông mới nhắc nhở họ rằng “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người đó sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 1,27-28).

3. Chúng ta làm chứng thế nào cho con người thời nay?

Chúng ta thử nhìn lại xem mình đang chuẩn bị gì để làm chứng cho Đấng Cứu độ đã đến và đang ở giữa chúng ta trong mùa Vọng và Giáng Sinh này?

Đến các nhà thờ, chúng ta thấy cả một rừng đèn sao lấp lánh muôn màu, có hang đá trang hoàng lộng lẫy, có bộ tượng Thánh gia với Hài đồng Giêsu nằm trong máng cỏ. Nhưng ta hỏi xem những thứ đó có đủ làm chứng cho người khác tin rằng Chúa đã đến cứu độ họ không? Chúng ta tổ chức tuần tĩnh tâm, xưng tội, rước lễ, nhưng đó mới chỉ lo cho cá nhân người làm chứng, chứ chưa thật sự là việc làm chứng cho người khác về Chúa Giêsu.

Bài đọc I (x. Is 61, 1-2.10-11) hôm nay giới thiệu những việc cần làm vì chúng ta đã được Chúa xức dầu và sai đi để làm chứng. Bài đọc này nói về Đấng Thiên Sai là Chúa Giêsu Cứu Thế và cũng nói về mỗi người chúng ta là hiện thân của Người: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa”.

Thế giới quanh ta đầy rẫy những con người nghèo khổ, bệnh tật nhưng ta loan loại tin mừng nào cho họ? Xã hội quanh ta đầy những con người buồn phiền vì những gian dối, bất công, lừa bịp, nhưng ta đã băng bó những tấm lòng tan nát đó như thế nào? Quanh ta có bao người trẻ bị giam hãm trong những thú vui đồi truỵ, nghiện ngập, những dục vọng thấp hèn, chúng ta làm gì để giải phóng họ? Các dân tộc đang xung đột khốc liệt với những cuộc chiến tranh huỷ diệt ở dải Gaza, ở Ucraina và nhiều nơi trên thế giới, vậy ta đang làm gì để kéo hồng ân của Chúa xuống cho nhân loại?

Chúng ta phải giúp những con người khốn khổ ấy cảm nhận được niềm vui bằng những hành động thiết thực và bằng việc cầu nguyện kết hợp với Chúa như thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. 1Th 5,16-24) nhắc nhở: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng”. Isaia cũng kêu mời: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao. Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh”.

Chỉ khi chúng ta kết hợp mật thiết với Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, và thở được Thần Khí của Người, ta mới có thể làm chứng cho Chúa Giêsu và diễn tả niềm vui của mình qua nụ cười, ánh mắt. Nhất là ta mới làm cho họ cảm nghiệm được sức mạnh kỳ diệu của Đấng Cứu thế phát ra nơi ta để chữa lành bệnh tật, giải thoát những ai đang bị ma quỷ kiềm chế, đem lại tự do cho những người đang làm nô lệ cho tham vọng, dục vọng và để chia sẻ các hồng ân kỳ diệu của Chúa Thánh Thần. Vì thế thánh Phaolô khuyên ta: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí”.

Lời kết Chỉ hành động như thế ta mới thật sự là người làm chứng cho Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay.

HKK