23/12/2024

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – NĂM B

Khi đọc bài Tin Mừng này trong Mùa Vọng, điều gì đánh động bạn hơn cả? Bạn có nghĩ mình cũng phải có thái độ như Maria để sinh Chúa Giêsu cho thế giới hôm nay không?

Lời Chúa (Lc 1,26-38)

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”
35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

HỌC HỎI:

  1. Đọc trình thuật về việc sứ thần Gabrien truyền tin cho ông Dacaria ở Luca 1,5-25. So sánh với trình thuật về truyền tin cho Đức Maria ở Luca 1,26-38. Tìm ra ít nhất 3 điểm khác nhau trong hai trình thuật này.
  2. Sứ thần truyền tin cho Đức Maria ở đâu? Lúc đó cô Maria đã về nhà chồng chưa? Phải hiểu câu Lc 1,34 như thế nào?
  3. Tại sao việc sứ thần Gabrien đến truyền tin cho Đức Maria lại cho chúng ta thấy khuôn mặt một Thiên Chúa khiêm nhường?
  4. Đọc lời chào của sứ thần ở Lc 1,28. Cho biết tại sao Đức Maria được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Con Thiên Chúa?
  5. Trong bài Tin Mừng này, Đức Maria có hai phản ứng đặc biệt trước lời của sứ thần. Cho biết hai phản ứng nằm ở hai câu nào? Trước hai phản ứng đó, sứ thần làm gì?
  6. Đức Maria có tin lời sứ thần không (Lc 1,38)? Tin có loại trừ việc suy nghĩ, cân nhắc đắn đo không?
  7. Đọc Lc 1,31-33.35. Đây là khuôn mặt của Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa. Đọc 2 Sm 7,12-17. Bạn có thấy khuôn mặt này có nét gì đặc biệt không?
  8. Maria đã nói tiếng Xin Vâng trước lời mời cộng tác của Thiên Chúa. Đối với Maria, nói Xin Vâng có khó không?

GỢI Ý SUY NIỆM:

Khi Maria nói tiếng Xin Vâng thì Con Thiên Chúa bắt đầu thành người trong cung lòng của Mẹ. Mẹ đã cưu mang Người Con ấy chín tháng trước khi cho Con chào đời. Khi đọc bài Tin Mừng này trong Mùa Vọng, điều gì đánh động bạn hơn cả? Bạn có nghĩ mình cũng phải có thái độ như Maria để sinh Chúa Giêsu cho thế giới hôm nay không?

PHẦN TRẢ LỜI:

  1. Thiên sứ Gabriel truyền tin cho ông Dacaria trong Đền thờ ở Giêrusalem, khi ông trúng thăm được vào dâng hương ở cung thánh (Lc 1,9), còn Mẹ Maria được truyền tin tại nhà riêng của mình ở làng Nadarét thuộc vùng Galilê (Lc 1,26). Ông Dacaria đã đặt câu hỏi với thiên sứ Gabriel: “Dựa vào đâu mà tôi biết được chuyện ấy, vì tôi đã già và vợ tôi cũng đã cao niên” (Lc 1,18), nhưng ông có thái độ không tin khi đặt câu hỏi đó nên bị câm (Lc 1,20). Mẹ Maria cũng đã đặt câu hỏi tương tự như ông Dacaria: “Chuyện ấy sẽ xảy ra như thế nào, vì hiện nay tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Qua câu hỏi này, Mẹ chỉ muốn biết cách thức Thiên Chúa thực hiện kế hoạch lạ lùng của Ngài trong cuộc đời Mẹ, chứ không phải vì Mẹ không tin như Dacaria (Lc 1,38.45). Ông Dacaria sẽ là người đặt tên cho con trai của ông là Gioan (Lc 1,13), còn Mẹ Maria lại là người đặt tên cho con trai mình là Giêsu (Lc 1,31). Cũng có sự khác biệt nữa giữa Gioan là con ông Dacaria, với Đức Giêsu là con bà Maria: tuy Gioan và Đức Giêsu đều là đấng cao cả và đầy Thánh Thần từ trong lòng mẹ (Lc 1,15.35), nhưng Gioan chỉ là người đi trước mặt Chúa để chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa (Lc 1,17), còn Đức Giêsu mới là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, là Đấng mà Gioan sẽ dọn đường cho (Lc 1,32-33.35). Khác biệt lớn nhất giữa Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu là: Gioan được thụ thai tự nhiên bởi đôi vợ chồng già, còn Đức Giêsu được thụ thai bởi Maria nhờ quyền năng Thánh Thần (Lc 1,35).
  2. Vào thời xưa, người ta lập gia đình rất sớm so với ngày nay. Một cô gái có thể được đính hôn từ năm 13 tuổi. Thiên sứ Gabriel truyền tin cho Đức Maria nơi nhà của Cô ở làng Nadarét. Lúc đó Maria đã được cha mẹ đính hôn với anh Giuse, và Cô vẫn còn ở với cha mẹ, chưa về nhà chồng. Khi thiên sứ chào và báo cho Maria về chuyện Cô sẽ thụ thai một Đấng Mêsia là vua, và là Con Đấng Tối Cao (Lc 1,31-33), thì Cô đã đặt câu hỏi với thiên sứ. Nguyên văn câu hỏi như sau: “Chuyện ấy sẽ xảy ra như thế nào, vì hiện nay tôi không biết đàn ông?” (Lc 1,34). Maria muốn biết làm sao Cô đang là một trinh nữ mới đính hôn, chưa về nhà chồng, chưa có quan hệ vợ chồng với Giuse, mà lại có thể mang thai như lời sứ thần nói. Động từ “biết” ở đây để chỉ quan hệ vợ chồng (x. St 4,1). Chúng ta không nên hiểu câu Lc 1,34 theo nghĩa là Maria muốn khấn giữ mình đồng trinh, vì thực sự Cô đã được đính hôn, chỉ chờ ngày về nhà chồng.
  3. Thiên Chúa khiêm nhường vì Ngài sai thiên sứ Gabrien đến hỏi ý một cô trinh nữ ở làng quê Nadaret. Ngài cần sự ưng thuận của Cô trước khi Ngài cho Con Một của Ngài xuống làm người trong cung lòng của Cô. Tuy Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhưng Ngài vẫn cần sự cộng tác tự nguyện của một thiếu nữ Do-thái để Con của Ngài được sinh ra, được làm người như hàng tỷ con người khác trên mặt đất. Thiên Chúa khiêm nhường khi tôn trọng tự do của con người. Ngài không thể ép Cô Maria phải nhận một sứ mạng quan trọng nếu thật sự Cô không muốn cộng tác. “Truyền tin” thật ra là hỏi ý và chờ sự ưng thuận. Bà Eva đã từ chối và gây ra đổ vỡ. Nhờ Maria gật đầu xin vâng mà chúng ta được Đức Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại.
  4. Qua lời chào của thiên sứ ở Lc 1,28 ta thấy Đức Maria là Đấng được đầy ân sủng (kekharitôménê), nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương một cách hết sức đặc biệt. Chúng ta hay quên lối nói ở thì thụ động của từ này (“được”). Đức Maria được đầy ân sủng từ trước khi Mẹ nói tiếng Xin Vâng. Thiên Chúa đã ở cùng Mẹ từ khi Ngài chuẩn bị Mẹ cho chương trình cứu độ. Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm mẹ cho Người Con của mình, đó là một ơn ban chứ không do công của Mẹ. Mẹ Maria là một kiệt tác của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, ngay từ khi còn trong lòng thân mẫu, tất cả những gì tốt đẹp nhất để Mẹ trở nên thụ tạo xứng đáng làm Mẹ Con Thiên Chúa.
  5. Đức Maria có hai phản ứng trước lời sứ thần. Phản ứng thứ nhất là “hết sức bối rối” (dietaráchthê) vì không hiểu ý nghĩa lời chào của thiên sứ (Lc 1,29). Lời chào hết sức long trọng khiến Maria có thể nghĩ đến việc mình sắp được giao một sứ mạng đặc biệt. Maria chẳng những bối rối mà còn sợ hãi nữa, chính vì thế thiên sứ phải trấn an: “Đừng sợ!” (Lc 1,30). Phản ứng thứ hai là đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về cách thức mình sẽ thụ thai dù chưa về nhà chồng (Lc 1,34). Trước cả hai phản ứng, thiên sứ đều trả lời và soi sáng tường tận cho Maria hiểu.
  6. Đức Maria đã có một cuộc đối thoại với sứ thần Gabriel. Sứ thần đã cho Maria biết Cô là thụ tạo tuyệt vời trước mắt Thiên Chúa, và Đấng Cô sẽ sinh ra là Đấng còn cao trọng hơn cả Đấng Mêsia. Sứ thần cũng cho Maria một dấu chỉ ở Lc 1,36: bà chị họ già nua đã mang thai. Maria đã tin lời sứ thần khi đáp: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói” (Lc 1,38). Bà Êlisabét khen Maria có phúc vì đã tin rằng “Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói” qua sứ thần Gabriel (Lc 1,45). Nhưng tin không có nghĩa là mù quáng. Maria tin sau khi đã suy nghĩ, đặt câu hỏi cho sứ thần, và nhận được câu trả lời soi sáng. Lòng tin đích thực thì tìm cách hiểu điều mình tin.
  7. Khi đọc Lc 1,31-33 ta thấy đây là khuôn mặt của đấng Mêsia mà dân Do-thái mong đợi. Đây là một vị vua, thuộc dòng dõi vua Đa-vít, được Thiên Chúa hứa ban qua miệng ngôn sứ Nathan ở 2 Sam 7,12-17. Hơn nữa, Lc 1,35 còn cho thấy Đấng ấy không chỉ là vị vua Mêsia được thụ thai cách bình thường, mà còn là Đấng được thụ thai cách độc nhất vô nhị, bởi vì Thánh Thần, là quyền năng của Đấng Tối Cao, sẽ ngự xuống và tỏa bóng trên người mẹ là Đức Maria. Chính vì thế vị vua này là Đấng Thánh, và là Con Thiên Chúa theo nghĩa chưa từng có (Lc 1,35).
  8. Khi nói tiếng Xin Vâng trước đề nghị của Thiên Chúa, có thể nói Maria đã liều buông đời mình trong tay Thiên Chúa. Chấp nhận mang thai Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, Maria sẽ phải nói thế nào để Giuse hiểu tình trạng của mình? Giuse có tin mình không? có muốn bỏ mình không? Mình có bị mang tội ngoại tình không? có bị ném đá không? Mình sẽ sống thế nào với đứa con trong bụng? Ngay cả khi Giuse chấp nhận làm đám cưới với mình, tình yêu của mình với Giuse có nồng ấm như trước không?

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện: