22/01/2025

Trước chuyến đi của Đức Thánh Cha tại Dubai nhân Hội nghị COP28

Trước chuyến đi của Đức Thánh Cha tại Dubai nhân Hội nghị COP28

ĐTC trong chuyến viếng thăm Marseilles (VATICAN MEDIA Divisione Foto)

Tại sao Đức Thánh Cha Phanxico dành tới 3 ngày, từ 1 đến 3/12/2023 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP28 tại Dubai, nhưng chỉ đọc 1 bài diễn văn, gặp gỡ một số nhân vật tại Hội nghị, và cùng khánh thành Ngôi Nhà của các Tín Ngưỡng tại Hội nghị này, mà không thăm cộng đoàn Công Giáo địa phương hay cử hành Thánh lễ hoặc buổi phụng vụ nào cho họ?

Câu hỏi này chắc chắn được nêu lên sau khi Phòng Báo chí Toà Thánh công bố chương trình chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha ở Dubai, thuộc Liên minh các tiểu vương quốc Arập, Emirati, và đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng tham dự một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu trong gần 30 năm lịch sử của tổ chức này.

Vài nét về Hội nghị Thượng đỉnh COP28

Hội nghị, do Liên Hiệp Quốc triệu tập, sẽ diễn ra trong gần 2 tuần lễ, từ 30-11 đến 12/12 với sự tham dự của ít nhất 70 ngàn người, trong đó có các chuyên gia các nước, các nhà thương thuyết, các tác nhân xã hội và những người tranh đấu cho khí hậu. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia cũng sẽ có mặt tại Hội nghị này, kể cả Vua Charles III của Anh quốc, tổng thống Lula da Silva của Brazil, tiếng nói của miền Amazon, nhưng lãnh tụ hai nước bị coi là gây nhiều ô nhiễm nhất cho khí hậu là Mỹ và Trung Quốc sẽ không có mặt, chỉ có các phái viên của họ.

Trong phần mở đầu của Hội nghị COP28, Đức Thánh Cha sẽ cùng với các vị quốc trưởng và thủ tướng lên tiếng qua các diễn văn. Các vị thường dùng cơ hội này để lưu ý thế giới về những ưu tiên trong các cuộc thương thuyết sau đó hoặc thông báo những hành động mới hoặc những đầu tư để cắt giảm số lượng thán khí thải ra, tạo nên sự thay đổi khí hậu.

Có nhiều phúc trình nói rằng các nước vẫn còn có thể ngăn chặn các ảnh hưởng tàn phá do sự thay đổi khí hậu khi nó vượt quá mức độ 1,5 độ C hâm nóng trái đất. Để được vậy cần có những hoạt động quan trọng trong thập niên này, trong đó có biện pháp không phát triển nhiên liệu phiến thạch và không làm gia tăng mức độ khí thải trên thế giới. Trái đất đã bị hâm nóng thêm từ 1,1 độ lên 1,2 độ tính từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay và dự kiến sẽ tăng lên mức độ trung bình 1,5 độ C trong thập niên 2030 sắp tới.

Về phần Đức Thánh Cha, tại hội nghị, ngoài bài phát biểu dài khoảng 30 phút lúc 10 giờ sáng ngày 2/12, ngài sẽ dành thời gian sau đó và cả đầu buổi chiều 3/12 để gặp gỡ các nhân vật khác tại Hội nghị, có thể có cả các lãnh tụ công ty dầu mỏ và các nước sản xuất dầu, hay các quốc đảo và các nước dễ bị tổn thương về khí hậu. Ngoài ra, ngài cũng sẽ cùng khánh thành Ngôi Nhà các Tín Ngưỡng trong khu vực Hội nghị, trong đó có trình bày hơn 60 sự kiện được lên kế hoạch liên quan đến các hoạt động chống thay đổi khí hậu.

Nghi ngờ

Theo báo chí, Hội nghị COP28 đang phải đối đầu với sự giảm sút mong đợi của nhiều người và có vấn đề uy tín. Lý do vì quốc gia chủ nhà, Các tiểu vương quốc Ả Rập, đang có kế hoạch bành trướng việc sản xuất của các mỏ dầu ở sâu. Chủ tịch được chỉ định của COP28 là Hoàng thân al-Jaber. Ông cũng là người đứng đầu công ty dầu khí của Abu Dhabi, mặc dù ông đã giúp thành lập Cơ quan quốc tế tái tạo Năng Lượng và đã tránh được những lời kêu gọi hoàn toàn loại bỏ nhiên liệu hoá thạch, như dầu hoả, loại nhiên liệu mà việc đốt cháy để tạo năng lượng là nguyên nhân chính tạo nên sự biến đổi khí hậu.

Hy vọng

Tuy có những nghi ngờ thuộc loại như vậy, dựa trên kinh nghiệm, nhiều người vẫn hy vọng đóng góp của Đức Thánh Cha cho sự tiến bộ của Hội nghị COP28.

Thực vậy, hồi năm 2015, Đức Thánh Cha đã quyết định công bố Thông điệp “Laudato Si’” về sự bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, trước Hội nghị COP21 ở Paris, và văn kiện này đã tạo thêm một động lực mạnh mẽ cho hiệp định, qua đó các nước cam kết giảm số khí thải. Trước tình trạng đình trệ trong việc thực thi hiệp định Paris, nhiều tín hữu Công Giáo hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Dubai có thể là động lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về khí hậu quay trở lại đúng hướng.

– Ví dụ ông Alistar Dutton, người Scotland, Tổng Thư ký Caritas Quốc tế, gọi cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha là một thời điểm quan trọng sinh tử cho Giáo Hội đối với những người đang phải đương đầu với những hậu quả của sự thay đổi khí hậu và thúc đẩy các nước về trách nhiệm chung đối với hiệp định năm 2015 ở Paris, trong việc giảm bớt số khí thải hầu loại trừ tối đa ảnh hưởng tiêu cực của tệ nạn này trên dân chúng và hệ sinh thái (ecosystems). Sự hiện diện của ngài không phải chỉ là một cử chỉ tượng trưng, nhưng đó còn là một lời kêu gọi mạnh mẽ thúc đẩy hành động.

– Về phần nữ tu Maamalifa Poreky, Dòng Đức Mẹ Phi Châu, người Ghana, đồng Tổng Thư ký điều hành của Uỷ ban Công lý, Hoà bình và sự toàn vẹn của Công trình sáng tạo, thuộc Hiệp hội các nữ bề trên Tổng quyền, xác tín rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hội nghị COP28 thật là rất có ý nghĩa đối với Giáo Hội. Chị nói: “Giáo Hội hiện diện không phải chỉ để cầu nguyện, nhưng còn để làm sao cho xã hội là một nơi có thể sinh sống được đối với mọi loài thụ tạo – con người và thiên nhiên.”

– Còn Ông Bill McKibben, một văn sĩ từ lâu vẫn viết về các vấn đề môi trường và là sáng lập viên các nhóm hạ tầng về khí hậu tên là 350.org và Hành động thứ ba, nói rằng sự hiện diện của Đức Giáo hoàng tại COP28 là một dấu hiệu mạnh mẽ: “Cùng với cô Greta Thunberg người Thụy Điển và một số ít người khác, ngài trở thành lương tâm của trái đất trước cuộc khủng hoảng về khí hậu.”

ĐHY Michael Czerny

Vị có thế giá đặc biệt tại Toà Thánh về vấn đề đang được bàn đến ở đây chính là ĐHY Michael Czerny, Dòng Tên, Bộ trưởng Bộ Phát triển Con người toàn diện. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 23/11 vừa qua, ngài nói: “Sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28 ở Dubai về sự thay đổi khí hậu sẽ là một cử chỉ mạnh mẽ để kêu gọi các cường quốc trên thế giới đừng để lại cho người trẻ một trái đất bị hư hỏng… Việc chống lại những thay đổi khí hậu và những hậu quả của chúng trên con người và môi trường là những đề tài căn bản đối với Đức Thánh Cha. Mới đây ngài đã công bố Tông huấn “Laudate Deum”, nối tiếp Thông điệp “Laudato Sì”, được công bố năm 2015 trước đó về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại.

ĐHY Czerny nhắc lại rằng Hội nghị COP28 ở Dubai, dưới nhiều khía cạnh, là một cơ hội rất quan trọng từ đó người ta hy vọng sẽ có những hiệp định có tính cách bắt buộc đối với mọi phe, về vấn đề các nguồn năng lượng.

Những ưu tiên của Hội nghị này đã được Đức Thánh Cha bày tỏ trong Tông huấn “Laudate Deum” vừa nói. Có thể nói đây là chương trình hành động của Toà Thánh, được công bố hai tháng trước Hội nghị ở Dubai, vì thế Toà Thánh đã trình bày một cách thế giá về lập trường của mình. Nhưng người ta cũng có thể nói thêm rằng mục tiêu chính của Hội nghị ở Dubai sắp tới là áp dụng hiệp định ở Paris năm 2015, tức là thi hành tất cả những gì các nước đã thoả thuận để loại bỏ hiện tượng hâm nóng trái đất.

Theo ĐHY Czerny, để thuyết phục các cường quốc trên thế giới, ý niệm chính cần để ý là ý niệm công ích, nó phải thúc đẩy tất cả mọi người làm hết sức để đạt tới một hiệp định. Ngoài ra, trong Tông huấn “Laudate Deum”, Đức Thánh Cha ngỏ lời trực tiếp với những người hùng mạnh của thế giới, mời gọi họ hãy nghĩ đến các con cháu, và hãy trả lời: Làm sao quý vị có thể để lại cho con cháu một trái đất đã bị hư hỏng rồi? Nói tóm lại, sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại Dubai là để nhấn mạnh, làm nổi bật điều ngài đã nói và giải thích trong Tông huấn Laudate Deum.

Sau cùng ĐHY Czerny hy vọng gia định nhân loại, nhất là các nước mạnh, biết trang bị những phương thế chính trị quốc tế thích hợp để đương đầu với các vấn đề chung, là những vấn đề do con người gây ra. Đó là một thách đố rất rõ ràng: “Chúng ta phải đương đầu và giải quyết các vấn đề do chính chúng ta gây ra.”

ĐHY Quốc vụ khanh Parolin

Như để bổ túc cho nhận định của ĐHY Czerny về sự dấn thân của Đức Thánh Cha trong một vấn đề thuộc lĩnh vực đời và giải thích tại sao ngài không cử hành lễ nghi tôn giáo nào trong cuộc viếng thăm tại Dubai, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, nói rằng sự thay đổi khí hậu là một vấn đề đời, thuộc lĩnh vực trách nhiệm của các nhà chính trị, cũng như các nhà khoa học cùng những người khác. Nhưng sở dĩ có sự dấn thân của các vị lãnh đạo tôn giáo trong lãnh vực này vì ở đây cũng có một chiều kích luân lý đạo đức, điều mà Toà Thánh rất nhấn mạnh.

ĐHY Quốc vụ khanh nói thêm rằng Đức Thánh Cha rất quan tâm đến vấn đề thay đổi khí hậu, bằng cớ là hai văn kiện của ngài: Thông điệp “Laudato Si’” và Tông huấn “Laudate Deum”… Tuy nhiên, sự chú tâm của Công giáo quy đặc biệt vào 2 vấn đề: trước tiên là lối sống, không phải chỉ đầu tư nhiều tiền hơn vào vấn đề này, nhưng còn phải thay đổi lối sống của chúng ta để khỏi làm thương tổn thiên nhiên, chúng ta chỉ là những người quản lý có trách nhiệm. Nghĩa vụ này Thiên Chúa đã uỷ thác cho nhân loại khi tạo dựng nên con người. Điểm thứ hai là vấn đề giáo dục các thế hệ trẻ để họ sử dụng các tài nguyên thế giới này một cách khác. Đó là một sự dấn thân hoàn vũ của Toà Thánh khi ký Hiệp định Paris, và quyết tâm này cũng được thực thi qua những biện pháp cụ thể ở Quốc gia thành Vatican.

G. Trần Đức Anh, OP