Thánh lễ CN 33 TN: Tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa
Thánh lễ CN 33 TN: Tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Ba người nắm trong tay khối tài sản lớn nhờ lòng quảng đại của ông chủ, người sắp đi xa trong thời gian dài. Tuy nhiên, ông chủ sẽ trở lại vào một ngày nào đó và gọi những người đầy tớ lại, với hy vọng có thể vui mừng với họ vì cách họ làm cho tài sản của ông sinh lợi trong thời gian qua. Dụ ngôn chúng ta vừa nghe (xem Mt 25:14-30) sau đó mời gọi chúng ta chú ý đến hai hành trình: hành trình của Chúa Giêsu và hành trình cuộc đời chúng ta.
Hành trình của Chúa Giêsu: Ở đầu dụ ngôn, Người nói về “người kia sắp đi xa, ông gọi các đầy tớ đến và trao cho họ tài sản của mình” (c. 14). “Cuộc hành trình” này khiến chúng ta nghĩ đến chính mầu nhiệm Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người, về sự phục sinh và thăng thiên của Người. Thực vậy, Đấng từ cung lòng Chúa Cha xuống để gặp gỡ nhân loại, Người đã tiêu diệt sự chết và bằng cách sống lại, đã trở về với Chúa Cha. Khi kết thúc kinh nghiệm trần thế của mình, Chúa Giêsu hoàn tất “cuộc hành trình trở về” với Chúa Cha. Nhưng trước khi ra đi, Người đã ban cho chúng ta mọi điều tốt lành của Người, một “thứ vốn” thực sự: Người để lại cho chúng ta chính mình trong Bí tích Thánh Thể, Lời sự sống của Người, Mẹ thánh của Người là Mẹ của chúng ta, và Người đã ban các ơn Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể tiếp tục công việc của mình trên thế giới. Những “tài năng” này được ban – Tin Mừng nói rõ – “tuỳ theo khả năng của mỗi người” (c. 15) và do đó phục vụ cho sứ mạng cá nhân mà Chúa giao phó cho chúng ta trong đời sống hằng ngày, trong xã hội và trong Giáo hội. Tông đồ Phaolô cũng khẳng định điều này: mỗi người chúng ta “đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho. Vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người” (Ep 4,7-8).
Một lần nữa chúng ta hãy hướng mắt về Chúa Giêsu, Đấng đã nhận mọi sự từ tay Chúa Cha, nhưng không giữ điều tốt lành này cho mình, “Người không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2,6-7). Người đã mang lấy nhân tính mong manh của chúng ta, Người xoa dịu những vết thương của chúng ta như người Samari nhân hậu, Người trở nên nghèo khó để làm cho chúng ta trở nên giàu có bằng sự sống thần linh (xem 2Cr 8,9), Người đã bị treo lên thập giá. Đấng vô tội, “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cor 5,21). Có lợi cho chúng ta. Chúa Giêsu đã sống cho chúng ta, vì chúng ta. Đây là điều đã linh hoạt cuộc hành trình của Người trong thế giới trước khi trở về với Chúa Cha.
Tuy nhiên, dụ ngôn hôm nay cũng cho chúng ta biết rằng “ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ” (Mt 25,19). Thực ra, cuộc hành trình đầu tiên về với Chúa Cha sẽ được nối tiếp bởi một cuộc hành trình khác mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện vào thời sau hết, khi Người trở lại trong vinh quang và muốn gặp lại chúng ta, để “tính sổ sách” lịch sử và giới thiệu niềm vui của sự sống vĩnh cửu cho chúng ta. Và vì vậy, chúng ta phải tự hỏi: Chúa sẽ thấy chúng ta thế nào khi Người trở lại? Tôi sẽ trình diện thế nào trong cuộc hẹn với Người?
Câu hỏi này đưa chúng ta đến thời điểm thứ hai: cuộc hành trình của cuộc đời chúng ta. Chúng ta đi theo con đường nào, con đường của Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mình hay con đường ích kỷ? Dụ ngôn cho chúng ta biết rằng mỗi người chúng ta, tùy theo năng lực và khả năng của mình, đã nhận được những “tài năng”. Hãy chú ý: chúng ta đừng để bị lừa bởi ngôn ngữ thông thường: ở đây chúng ta không nói về khả năng cá nhân, nhưng như chúng ta đã nói, về điều tốt lành của Chúa, về những gì Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta khi trở về cùng Chúa Cha. Người đã ban cho chúng ta Thần Khí của Người, trong đó chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và nhờ đó chúng ta có thể dành cả cuộc đời để làm chứng cho Tin Mừng và xây dựng Vương Quốc tình yêu của Thiên Chúa, nền tảng của cuộc sống và sức mạnh của cuộc hành trình của chúng ta.
Rồi chúng ta phải tự hỏi: tôi phải làm gì với món quà tuyệt vời như vậy trên hành trình cuộc đời mình? Dụ ngôn cho chúng ta biết rằng hai đầy tớ đầu tiên đã làm lợi thêm món quà đã nhận được, trong khi người thứ ba, thay vì tin tưởng chủ mình, lại sợ chủ và bị tê liệt, không mạo hiểm, không dấn thân, cuối cùng đem chôn những nén bạc của chủ. Và điều này cũng áp dụng cho chúng ta: chúng ta có thể làm cho những gì lãnh nhận được nhân lên, biến cuộc sống thành một món quà yêu thương cho người khác, hay chúng ta có thể sống bị đông cứng bởi một hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa và vì sợ hãi nên đem chôn giấu kho tàng đã nhận được, khi chỉ nghĩ cho bản thân mình, không say mê bất cứ điều gì khác ngoài sự thuận tiện và lợi ích của bản thân, cũng chẳng dấn thân.
Anh chị em thân mến, trong Ngày Thế giới Người nghèo này, dụ ngôn về các nén bạc là một lời cảnh báo để kiểm chứng xem chúng ta đang đối diện với hành trình cuộc sống với tinh thần nào. Chúng ta đã nhận được từ Chúa món quà tình yêu của Người và chúng ta được mời gọi trở thành món quà cho người khác. Tình yêu mà Chúa Giêsu đã chăm sóc chúng ta, dầu thương xót và trắc ẩn mà Người đã chữa lành những vết thương của chúng ta, ngọn lửa Thánh Thần mà Người đã dùng để mở lòng chúng ta với niềm vui và hy vọng, là những điều tốt lành mà chúng ta không thể chỉ giữ cho riêng mình, chúng ta quản lý sinh lợi hay đem chôn giấu dưới lòng đất. Đã lãnh nhận chan chứa quà tặng, chúng ta được mời gọi trở nên quà tặng cho người khác. Những hình ảnh mà dụ ngôn sử dụng rất hùng hồn: nếu chúng ta không làm cho tình yêu thương xung quanh được nhân lên, thì cuộc sống sẽ tan biến trong bóng tối; nếu chúng ta không sử dụng những tài năng mình đã nhận được thì sự hiện hữu sẽ kết thúc dưới lòng đất, tức là như thể chúng ta đã chết rồi (xem câu 25.30).
Sau đó, chúng ta hãy nghĩ đến nhiều hình thức nghèo đói về vật chất, văn hóa và tinh thần trên thế giới của chúng ta, đến những cuộc đời bị thương tích sống trong các thành phố của chúng ta, đến những người nghèo đã trở nên vô hình, tiếng kêu đau đớn của họ bị bóp nghẹt bởi sự thờ ơ chung của một xã hội bận rộn và xao lãng. Chúng ta hãy nghĩ đến những người bị áp bức, mệt mỏi, bị gạt ra ngoài lề xã hội, những nạn nhân của chiến tranh và những người phải rời bỏ vùng đất của mình khi liều cả mạng sống; nghĩ đến những người không có bánh ăn, không có việc làm và không có hy vọng. Về đám đông người nghèo này, sứ điệp Tin Mừng thật rõ ràng: chúng ta đừng chôn cất sự tốt lành của Chúa! Chúng ta hãy làm lan toả lòng bác ái, hãy chia sẻ cơm bánh của chúng ta, hãy nhân lên tình yêu thương! Nghèo đói là một sự xúc phạm. Khi Chúa trở lại, Người sẽ yêu cầu chúng ta giải thích điều đó và – như Thánh Ambrosiô viết – Người sẽ nói với chúng ta: “Tại sao bạn lại để cho rất nhiều người nghèo chết đói, trong khi bạn có vàng để có thể lo thức ăn cho họ? Tại sao có nhiều nô lệ bị kẻ thù bán và ngược đãi mà không ai làm gì để chuộc lại?” (Những bổn phận của các thừa tác: PL 16,148-149).
Chúng ta hãy cầu nguyện để mỗi người chúng ta, theo hồng ân đã lãnh nhận và sứ mạng được giao phó, dấn thân “làm cho việc bác ái sinh hoa trái” và gần gũi với một số người nghèo. Chúng ta hãy cầu nguyện để cả chúng ta, vào cuối cuộc hành trình của mình, sau khi đã đón nhận Chúa Kitô nơi những anh chị em này, những người mà chính Ngài đã đồng hóa (xem Mt 25:40), có thể nghe Chúa nói với mình: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, tốt lắm! […] hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi” (Mt 25,21).
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-11/thanh-le-cn-33-tn-tin-tuong-va-pho-thac-vao-thien-chua.html