22/01/2025

Chúa Nhật XXXIII TN A 2023 – Các Thánh Tử đạo Việt Nam: Những người xây dựng nền văn hoá mới cho dân Việt

Làm chứng về các giá trị văn hoá mới mà ta thể hiện trong đời sống hằng ngày để giúp cho dân tộc phát triển và nhân loại được hạnh phúc, bình an.

Chúa Nhật XXXIII TN A 2023 – Các Thánh Tử đạo Việt Nam

Những người xây dựng nền văn hoá mới cho dân Việt

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Hôm nay Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể 117 các thánh tử vì đạo tại Việt Nam. Đây là những người xây dựng nền văn hoá mới cho dân Việt vì nhờ họ mà dân tộc Việt Nam được đổi mới và tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng nhiều người Việt Nam dường như không biết đến điều đó, một phần vì những lý do xã hội, chính trị phức tạp trong mấy thế kỷ qua, nhưng phần lớn là tại chính chúng ta là con cháu các ngài cũng không biết đến những giá trị cao quý mà các ngài đã phải đánh đổi bằng cả mạng sống để phát huy chúng trong đời sống thường ngày. Vì thế chúng ta dành ít phút để ôn lại các giá trị đó.

1. Những chứng nhân lịch sử về các giá trị mới mẻ

Đạo Công giáo khởi đầu ở Việt Nam vào năm 1533 nhưng chỉ tác động sâu rộng đến dân tộc, khi các nhà truyền giáo dòng Tên đến loan báo Tin Mừng ở Đà Nẵng và Bình Định từ năm 1615 đến 1659. Đó là nhờ các nhà truyền giáo đã học tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Việt. Chữ Quốc ngữ vừa dễ học, dễ đọc, dễ viết, vừa ích lợi trong đời sống giao tiếp xã hội hằng ngày, nên dân chúng thích thú theo học, truyền lại cho nhau và làm lan rộng khắp nước. Năm 1865, miền Nam đã có tờ báo tiếng Việt đầu tiên là tờ “Gia Định Báo”. Điều này xúc phạm đến lòng tự ái của vua quan cầm quyền và “những người có học” trong xã hội thời đó vì chữ Hán được chính quyền quân chủ dùng cho đến năm 1919, với khoa thi Nho học cuối cùng.

Các nhà truyền giáo biên soạn giáo lý, sáng tác kinh nguyện, thơ văn bằng chữ Nôm, rồi sau bằng chữ Quốc ngữ. Các lời kinh nhịp nhàng theo vần điệu thi ca của tiếng Việt để trình bày giáo lý Công giáo vừa dễ học, dễ nhớ khiến cho các giá trị văn hoá mới được phổ biến rất nhanh.

Giá trị đầu tiên là ý niệm về dân chủ, dựa trên sự nhận biết một Thiên Chúa là cha chung của muôn loài và mọi người là anh chị em của nhau trong đại gia đình Thiên Chúa, thay vì một ông vua thay Trời hành đạo hay một dòng họ nắm toàn quyền sinh sát trong tay để bắt mọi người vâng phục tuyệt đối. Công giáo dạy cho ta biết chính người dân làm chủ đất nước, còn vua quan chỉ là người được Chúa đặt lên để phục vụ dân. Tuy nhiên, nền quân chủ tồn tại cả ngàn năm ở nước ta khó có thể đón nhận sự thật này.

Giá trị tiếp theo là sự thật về con người: mọi người đều có nhân phẩm, nam nữ đều bình đẳng trong xã hội và được Chúa nối kết với nhau thành gia đình một vợ, một chồng. Con cái, dù nam hay nữ, đều là ơn lành của Chúa và phải được tôn trọng như nhau. Tuy nhiên, xã hội nước ta thời đó đón nhận hệ tư tưởng của Trung Quốc lại muốn tổ chức xã hội theo nguyên tắc để trọng nam khinh nữ, gia đình theo chế độ phụ hệ để người cha làm chủ và chế độ đa thê để người chồng được phép có nhiều vợ và nhiều thiếp. Dù vua quan và những người giàu có chống lại các giá trị văn hoá mới mẻ đó nhưng đa số dân chúng lại nồng nhiệt đón nhận các giá trị này.

Giá trị cao cả nhất là sự sống dồi dào, vĩnh hằng được Chúa Giêsu ban cho những ai tin vào Người. Tín hữu Công giáo giới thiệu những giá trị mới về tình yêu của Chúa Trời, về ý nghĩa của đau khổ và cái chết để cứu độ, về sự kiện Thiên Chúa trở thành con người trong Đức Giêsu để làm cho mọi thứ trong cuộc đời trần thế có ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng. Nhờ đó người ta có thể sống trong niềm vui, bình an, hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh.

2. Làm chứng bằng đời sống

Người Công giáo đã sống những giá trị mới mẻ này và chứng minh cho đồng bào bằng đời sống an vui, hoà thuận, tràn đầy tình yêu, với sự giàu có, sung túc của các cộng đồng và xứ đạo thời đó. Họ tích cực học hỏi các khoa học và áp dụng khoa học vào đời sống qua việc chữa trị bệnh tật, lọc nước ao tù trước khi dùng, đun sôi nấu chín trước khi uống, truyền nghề cho nhau thay vì giấu nghề, nên ai cũng biết chữ, biết nghề, khoẻ mạnh, xinh đẹp, giàu có. Nhà nào cũng vang tiếng cười vì không còn cảnh “chồng chúa vợ tôi”, “vợ cả vợ lẽ”, “con bà, con tôi”. Buôn bán thịnh đạt vì không buôn gian bán dối. Sản xuất hàng hoá thì đều hàng tốt, hàng thật nên ai cũng muốn giao hảo với người Công giáo và dần dần tin theo Đức Giêsu.

Trong giai đoạn truyền giáo 50 năm đầu, các thừa sai dòng Tên đã rửa tội khoảng 100.000 người. Trong giai đoạn tiếp theo, từ 1659-1802, tín hữu Công giáo có 320.000 người, chiếm khoảng 8% dân số. Giai đoạn phát triển, từ 1802-1885, có khoảng hơn nửa triệu người theo đạo, chiếm khoảng 10-12% dân số.

Tuy nhiên, chúng ta phải nói đến nhiều thử thách, bách hại, chết chóc mà các tín hữu phải chịu trong suốt 3 thế kỷ qua. Hơn 130.000 người đã bị giết vì những giá trị mà dân tộc Việt Nam đang trân trọng.

Họ là các vị tử đạo anh hùng không phải chỉ cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội mà còn cho cả dân tộc Việt Nam. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng tin vào Thiên Chúa là nguồn của sự sống và tình yêu để nhắc nhở nhau sống hào hùng ngay giữa cơn bách hại như bà mẹ và 7 người con trong Bài đọc I (x. 2 Mac 7,1-29). Tin vào quyền năng an bài của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ chẳng sợ gì hết, vì “đến như Con Một mà Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con Một đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta sao? Vì thế, ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Giêsu Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,31-39).

NHỮNG CÂU NÓI BẤT HỦ CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM | Gia Kiệm News - Tin tức Gia Kiệm - Tin tức 247 | www.GiaKiem.Com.Vn

3. Những giá trị mới cần được người Công giáo thời nay làm chứng

Tuy nhiên, sau khi cả dân tộc Việt đón nhận những giá trị mới, nhiều tín hữu Công giáo lại ngủ quên trong chiến thắng, trong khi Đức Giêsu mời gọi họ tiếp tục làm chứng cho Người như bài Phúc Âm hôm nay (x. Ga 17,11-19): “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha và thế gian đã ghét họ vì họ không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật”.

Những giá trị văn hoá mới mẻ trên đây và nhiều giá trị khác như “tinh thần nghèo khó, hiền lành, thánh thiện, trong sạch, liêm chính, yêu thương, quảng đại, xây dựng hoà bình, hy sinh vì Tin Mừng”… đều là những sự thật của Chúa Cha, được tìm thấy trong lời dạy của Chúa Giêsu, được Giáo Hội giới thiệu qua các bài giảng để ta thực hành trong đời sống và chia sẻ cho mọi người như tổ tiên anh hùng của chúng ta đã làm.

Ngày nay chúng ta đang đứng trước những nguy cơ mới, tai hại và khốc liệt cho dân tộc và nhân loại hơn cả thời trước đây. Người ta đang cổ vũ cho nền văn hoá sự chết khi dùng các sức mạnh quân sự, kinh tế để giết hại lẫn nhau trong các cuộc xung đột ở Ucraina, ở dải Gaza. Người ta đang dùng các phương tiện truyền thông xã hội để thuyết phục con người loại bỏ Thiên Chúa Tạo Hoá vì cho rằng vật chất ngẫu nhiên tiến hoá thành con người có tinh thần. Người ta cổ vũ một đời sống giàu có vật chất để hưởng thụ theo dục vọng khiến cho đạo đức suy đồi, tham nhũng, bất công, phá thai, nghiện ngập, lừa dối xảy ra ở khắp nơi, có thể làm cho dân tộc và nhân loại tiêu vong.

Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha rộng ban Thánh Thần tình yêu và sức mạnh cho ta, qua lời chuyển cầu của các thánh Tử đạo Việt Nam, để ta noi gương các ngài làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.

Lời kết

Làm chứng về các giá trị văn hoá mới mà ta thể hiện trong đời sống hằng ngày để giúp cho dân tộc phát triển và nhân loại được hạnh phúc, bình an. Amen.

HKK