Chúa Nhật XXXI TN A – 2023: Mở lòng ra với Cha Trên Trời và với muôn loài

Các bài Kinh Thánh trong tuần này mời gọi chúng ta mở lòng ra với Cha Trên Trời và với muôn loài để cùng sống trong bình an và hạnh phúc, nhất là trong tình trạng đang có những xung đột khốc liệt ở dải Gaza và ở Ucraina liên quan đến nhiều dân tộc trong gia đình nhân loại.

Chúa Nhật XXXI TN A – 2023

Mở lòng ra với Cha Trên Trời
và với muôn loài

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Kinh Thánh trong tuần này mời gọi chúng ta mở lòng ra với Cha Trên Trời và với muôn loài để cùng sống trong bình an và hạnh phúc, nhất là trong tình trạng đang có những xung đột khốc liệt ở dải Gaza và ở Ucraina liên quan đến nhiều dân tộc trong gia đình nhân loại. Tiên tri Malakhia nhắc nhở ta rằng: “Tất cả chúng ta chẳng có cùng một Cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại phản bội nhau?” (x. Ml 1,14–2,2.8-10). Đức Giêsu cũng dạy chúng ta rằng: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau vì anh em chỉ có một Cha là Cha Trên Trời, chỉ có một vị chỉ đạo là Đấng Kitô” (x. Mt 23,1-12). Tuy nhiên chúng ta chỉ nhận thức được điều này nếu chúng ta biết con người mình thật sự là ai và tinh thần của ta mở ra với siêu việt như thế nào.

1. Con người thật sự là ai?

Những khám phá mới trong ngành cổ sinh vật với phương pháp so sánh protein và ADN của các loài vào năm 2005 giúp cho các nhà khoa học xây dựng cây gia hệ và phân tích các di tích hoá thạch của loài người cách chính xác hơn. Nhờ đó người ta khám phá ra con người tinh khôn (Homo sapens) xuất hiện ở Đông Phi cách đây khoảng 195.000 năm, thay vì 40.000 năm như vẫn thường nghĩ. Đây là khám phá quan trọng về con người do nhà nhân chủng học nổi tiếng người Kenya là Richard Leakey và nhóm của ông tìm thấy ở miền Nam Ethiopia (x. Bs. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2017, tr.12-15).

E:\HINH DOWNLOADS\2023\Bộ NST.jpg E:\HINH DOWNLOADS\2023\ADN.jpg

Hơn nữa, dù bên ngoài chúng ta khác nhau về màu da, màu tóc, về hình dáng cao thấp, về nguồn gốc dân tộc, về tôn giáo chính trị, nhưng cấu trúc căn bản ADN (Acid Deoxyribo Nucleic) của chúng ta lại đồng nhất, vì chúng ta thuộc giống Người. Bộ gen người gồm khoảng 3 tỉ base của ADN và được tập trung thành những cấu trúc dày đặc gọi là nhiễm sắc thể. Chúng được xếp chặt lại để có thể chứa hết bên trong nhân của một tế bào nhỏ xíu với đường kính chỉ khoảng 0,01mm. Mỗi nhân tế bào chứa 23 cặp nhiễm sắc thể, một bộ từ mẹ và một bộ từ cha. Ngày 1/4/2022, các nhà khoa học đã giải mã hết được khoảng 20.000 gen mã hoá protein trong bộ gen người.

Chính nhờ phân tích và giải mã được cấu trúc gen của các sinh vật, người ta thấy mỗi vật, mỗi loài là những sinh vật vô cùng kỳ diệu không phải ngẫu nhiên mà thành. Giả thuyết tiến hoá ngẫu nhiên của Darwin từ nay bị coi là sai lầm và phi lý. Một cây bút bi chỉ có 4,5 thành phần vẫn phải có người chế tạo, sắp đặt theo một trật tự rõ rệt thì mới thành cây bút viết được. Huống chi con người có tới 3 tỉ yếu tố cấu thành! ADN của con tinh tinh giống chúng ta tới 95%, nhưng mấy chục triệu năm nay chưa có con tinh tinh nào hoá thành người! Quả dưa chuột giống chúng ta tới 1,5 tỉ yếu tố, nhưng mấy chục triệu năm qua chưa có quả dưa nào biến thành tinh tinh cả! (x. Bs. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2017, tr.14-18).

Tuy nhiên, do không theo dõi tiến bộ của khoa học, nên nhiều người vẫn tin tưởng vào giả thuyết con người tự nhiên tiến hoá từ vật chất. Với những khám phá mới nhất của khoa học, con người mới hiểu được mình là sinh vật vô cùng kỳ diệu, do Đấng Tạo Hoá dựng nên và tất cả cùng thuộc về một gia đình nhân loại.

2. Tinh thần con người có bản chất vĩnh hằng và mở ra tới vô biên

Hơn nữa, những khám phá mới về bộ não của con người còn kỳ lạ gấp bội để xác định về tinh thần con người. Cơ thể con người trung bình có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào (x Bs. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2017, tr.20-24). Trong đời sống hằng ngày, ta hít khí Oxy vào và thở khí Carbonic ra. Ta nhận được các chất khác từ đồ ăn thức uống rồi bài tiết chất bã. Hàng triệu tế bào mới hằng ngày thay đổi trong thể xác ta. Vậy mà ta vẫn ý thức mình là một chủ thể đang nghĩ, đang sống, đang yêu trong suốt cuộc đời và ở bất cứ nơi đâu.

Cái định hình cho khối vật chất làm nên thể xác ấy chính là tư tưởng, lời nói, hành động, tình yêu, nhân cách, tự do, hạnh phúc… hay nói chung là tinh thần của con người. Đó cũng là những giá trị văn hoá của con người. Chỉ có tinh thần mới định hình cho vật chất, mới vượt qua tất cả những biến đổi theo không gian và thời gian để làm cho ta thật sự là người. Như thế, con người hiểu thêm được rằng mình là một loài đặc biệt vừa có thể xác, vừa có tinh thần, và cả hai thành phần làm thành một chủ thể duy nhất.

Dù khoa học hiện đại tiến bộ vượt bậc, nhưng cho đến nay vẫn không thể xác định được những giá trị văn hoá đó của tinh thần nằm ở đâu trong con người. Dù con người lấy trái tim làm biểu tượng cho tình yêu, nhưng giải phẫu tim người, ta chỉ thấy các sớ thịt, không thấy tình yêu trong sáng hay vẩn đục ở đó. Dù con người ca tụng những nhà khoa học có bộ óc vĩ đại, nhưng giải phẫu bộ não và đo điện não của họ, ta chỉ thấy những dòng xung điện mạnh hay nhẹ trong các tế bào thần kinh, không thấy chỗ nào chứa tư tưởng cao thượng hay thấp hèn. Dù con người có làm ra các robot với trí tuệ nhân tạo có chứa dữ liệu lớn thế nào đi nữa, các con robot ấy vẫn cần có con người điều khiển, lập trình. Tình yêu, tư tưởng, chân thiện mỹ không phải là vật chất, nên không phải là đối tượng của khoa học.

Tuần vừa rồi chúng ta đã cùng nhau suy niệm: Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đặt tình yêu vào trong bản chất của sự vật và bản tính của con người. Vì yêu nên Ngài chia sẻ cho chúng ta tất cả những gì tốt đẹp, phi thường, kỳ diệu thuộc về bản tính của Thiên Chúa để ta bày tỏ tình yêu đó cho muôn loài. Chúng ta nhận thức được chúng nhờ tinh thần không bị lệ thuộc vào vật chất và luôn mở ra tới vô biên. Giáo Hội công bố rằng: “Mở ra với siêu việt là đặc tính của con người. Con người mở ra với Đấng Vô Biên cũng như với mọi thụ tạo” (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Học thuyết Xã hội của GHCG, số 130, 2014).

Nhờ ơn Chúa ban, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của các thiên thần và các thánh, là những người đã khuất, đang sống trong tình trạng kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Họ luôn luôn nâng đỡ ta (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1023-1029). Chúng ta còn cảm nhận được sự hiện diện của những linh hồn trong tình trạng luyện ngục để cầu nguyện, hy sinh và cứu vớt các linh hồn ấy, giúp họ thanh tẩy và hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên Chúa (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1030-1032). Đồng thời, chúng ta cũng cảm nghiệm được sự hiện diện của quỷ dữ, là những thiên thần sa ngã, luôn cám dỗ ta, cảm nghiệm được những tà ma sống trong tình trạng hoả ngục, cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa, có thể gây hại cho ta (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1033-1037).

Tuy nhiên, tất cả những cảm nghiệm ấy hình như dần dần phai nhạt trong xã hội hiện nay, nhất là từ khi chúng ta sống trong hệ tư tưởng vô thần, duy vật được phổ biến trong cộng đồng xã hội. Chính khi loại bỏ tất cả các giá trị linh thiêng đó, con người Việt Nam chúng ta mất đi khả năng sáng tạo, tiềm năng mở ra đến những chân trời vô biên của chân thiện mỹ, mất đi tính cách hồn nhiên trong sáng của tinh thần, mất đi khả năng siêu việt được Thiên Chúa ban cho con cái mình để thực hiện những phép lạ diệu kỳ và không còn nhận ra các thần linh, mọi người, mọi vật đều là anh em của nhau. Hậu quả là nền đạo đức trong xã hội suy đồi cách nặng nề.

Lời kết

Vì thế hôm nay, chúng ta được mời gọi mở lòng ra với Cha Trên Trời luôn yêu thương ta và làm cho ta hiện hữu, rồi mở lòng ra với muôn loài như những anh chị em ruột thịt của mình trong đại gia đình vũ trụ này. Amen.

HKK

LỢI ÍCH CỦA THIÊN NHIÊN ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM