06/12/2024

Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, 2.11.2023

Chúng ta được mời gọi để sống trọn vẹn từng giây phút trong đời vì mỗi giây phút sống ta đều có thể mang lại những kết quả tốt đẹp.

Vượt qua cái chết để sống hào hùng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Chúng ta vừa nghe lời hờn trách nhẹ nhàng của cô Marta với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có ở đây thì em con không chết”(x. Ga 11,17-27). Đức Giêsu cố ý vắng mặt để sau khi Lazarô chết 4 ngày rồi, Người mới cho ông sống lại để chứng minh lời công bố của mình: “Ta là sự sống lại và là sự sống” cũng như để dạy cho mọi người vui sống hơn là buồn phiền vì cái chết của mình hay của bất cứ ai.

Nói đến cái chết thì ai cũng sợ hãi, bởi vì chết là như đi vào cõi tiêu diệt, bị quên lãng, phải bỏ lại tất cả, nhất khi ta có người thân qua đời. Nhưng hôm nay chúng ta được mời gọi tìm hiểu xem: chết là gì, cái chết có thật không, có đáng sợ không và làm thế nào để ta có thể sống hào hùng, thánh thiện như cha ông ta đã hy sinh mạng sống để bảo vệ quê hương, bảo vệ đức tin.

1. Chết là gì?

Theo định nghĩa truyền thống, chết là khi tim ngừng đập và không còn hô hấp, tiếp theo là sự phân huỷ của cơ thể. Chết theo khoa học là chấm dứt tất cả các chức năng sinh lý. Cái chết bắt nguồn do bệnh tật, do chấn thương như tai nạn, do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết và cuối cùng là do tuổi già. Với những tiến bộ của khoa học trong vài chục năm nữa, người ta có thể kéo dài tuổi thọ đến 150 hay 200 năm. Nhưng có một điều chắc chắn là tất cả chúng ta rồi cũng sẽ chết!

Người ta khó định nghĩa được cái chết mà chỉ có thể mô tả nó bởi vì chết không phải là một thực tại, một cái gì có thật như cái nhà, cái xe hay như tình yêu, hạnh phúc, mà chỉ là mặt trái của sự sống. “Chết là hết sống”. Vì thế, sự sống mới là thực tại, mới là thật để ta quan tâm và thể hiện trong cuộc đời. Một người đang sống vui vẻ khoẻ mạnh, tự nhiên lăn đùng ra đất, co giật vài cái, rồi nằm im bất động. Sờ vào người, thấy tim không còn đập, không còn thở, ta bảo người đó vừa chết. Chết, bởi vì người này không còn sống.

Vậy nếu chết không có thật thì ta sợ nó làm gì!

2. Tại sao có cái chết?

Có người nói cái chết là do Thiên Chúa gây nên, như ta đọc trong Thánh Kinh: “Chúa làm cho sống và cũng làm cho chết”. Có khi người ta nghĩ cái chết là do một vị thần chi phối, được gọi là Tử Thần, hay do một ông vua cai quản mọi loài đã chết dưới âm phủ, gọi là Diêm Vương. Thật ra, Thần Chết hay Tử Thần chỉ là kiểu nói nhân cách hoá cái chết, chứ không có vị thần nào cai quản cái chết cả. Còn Diêm Vương, Âm phủ cũng chỉ là những hình ảnh tưởng tượng của con người, vì Chúa ở khắp mọi nơi, cai quản mọi loài.

Các tôn giáo khác không giải thích được tại sao có cái chết vì không hiểu cái chết thật sự là gì. Chỉ Kitô giáo mới nói rõ cho ta về nguồn gốc của cái chết. Thánh kinh xác định: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13-15). Thiên Chúa là nguồn sự sống nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng. Tuy nhiên, vì con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu, thì cũng được tự do chối từ tình yêu ấy. Con người đã chiều theo cơn cám dỗ của quỷ dữ để chối từ tình yêu Thiên Chúa, cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn sống bất diệt nên con người phải chết. Rồi vạn vật, vì liên hệ mật thiết với con người, nên cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người (x. Rm 8,20-23).

Thánh Kinh còn nói: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24). Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết, chính con người tự do, khi cắt đứt với Thiên Chúa, đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật.

Do đó, mọi người đều đang sống và sống mãi mãi, dù thân xác vật chất của họ đã tiêu tan, thân xác đó sẽ sống lại vào ngày tận thế khi không còn sự chuyển hoá của vật chất. Thánh Kinh dạy ta: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mt 22,32; Mc 12,27; Lc 20,38) “vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,38). “Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân và tấm khăn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần” (Is 25,7).

3. Vượt qua cái chết để sống hào hùng

Theo Thần học Công giáo, vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, nên không người nào chết cả. Thân xác của họ là sự hợp thành của vật chất qua khí thở, đồ ăn, thức uống và chuyển hoá từng giây phút từ con người sang vạn vật và ngược lại. Từng giây phút ta hít khí Oxy vào và thở khí Carbonic ra. Mỗi ngày ta ăn uống các chất nuôi sống thân xác rồi lại thải cặn bã ra. Thân xác ta với vật chất thay đổi không ngừng từ lúc mới sinh cho đến khi trưởng thành rồi già nua. Nhưng tinh thần lại luôn giúp cho ta nhận biết mình là một con người có ý thức, ý chí, tình cảm, niềm vui, hạnh phúc trong toàn thể đời sống. Những giá trị tinh thần đó được ta giữ mãi từ bé đến lớn bất kể dòng đời đổi thay.

Vì thế, chính tinh thần hay linh hồn mới định hình cho thể xác và còn sống mãi sau khi thân xác tan rã thành vật chất. Một bữa cơm ta hôm nay, có thể chỉ vì ăn cho no bụng mà không chút tình yêu biết ơn cha mẹ, tổ tiên và biết ơn Chúa, thì nó qua đi theo vật chất. Nhưng nếu ta ăn với tình yêu thì nó tồn tại mãi trong ta nhờ tinh thần. Một đồng bạc bất công ta kiếm được do lừa dối sẽ qua đi, nhưng điểu bất công lừa lọc đó lại ghi một điểm tối vào hồn ta mãi cho đến khi ta tẩy xoá được nó bằng việc đền bù cho người và thống hối với Chúa.

Do đó mà các linh hồn đã chết tự nguyện sống trong tình trạng luyện ngục để thanh tẩy những điểm tối trong hồn mình cho đến khi trong sáng hoàn toàn để kết hợp trọn vẹn với Chúa. Họ đau khổ vì chưa được kết hợp hoàn toàn với Chúa và đó là ngọn lửa tình yêu thiêu đốt lòng họ. Họ luôn ở trong ánh sáng chứ không phải ở trong “vực sâu tối tăm, đầy tiếng than khóc” như vài bài thánh ca mô tả. Nhưng vì họ không còn tự do để chọn lựa như ở đời sống trần thế, nên dù từng giây phút họ xem thấy Chúa tốt lành, ca ngợi Chúa không ngừng, việc ca tụng này không mang lại công trạng nào cho họ. Do đó họ cần chúng ta, những người thân yêu ở trần thế cầu nguyện ,dâng lễ, làm việc bác ái thay cho họ.

Hôm nay, chúng ta được mời gọi để vượt qua nỗi sợ hãi cái chết, vì qua bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết. Người làm cho ông Lazarô sống lại. Chính Đức Giêsu đã tình nguyện chịu chết và đã sống lại để chia sẻ cho ta sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa. Gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta mới coi thường cái chết, mới dám hy sinh vì đại nghĩa. “Vì nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8).

Lời kết

Chúng ta được mời gọi để sống trọn vẹn từng giây phút trong đời vì mỗi giây phút sống ta đều có thể mang lại những kết quả tốt đẹp. Chúng ta cũng hiểu được rằng những người đã khuất đang hiện diện bên ta, đang thôi thúc ta sống trọn vẹn cho Chúa và cho nhau.