22/12/2024

Chúa Nhật XXX TN A 2023: Giải nghĩa tình yêu

Chúa Nhật XXX TN A 2023

Giải nghĩa tình yêu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Yêu là một trong các hoạt động thường ngày của con người. Ngay từ tấm bé, mỗi người chúng ta đã được dạy phải yêu cha mẹ, anh chị em, yêu ông bà, thầy cô, yêu tổ quốc, đồng bào. Lớn lên chúng ta được dạy phải yêu nghề nghiệp, môi trường, yêu trời cao, biển rộng, yêu chủ nghĩa, tôn giáo, yêu Trời, Phật, muôn loài… Rồi mỗi người chúng ta thực hiện tình yêu ấy một cách làm cho cuộc đời vui buồn, sướng khổ khác nhau. Điều căn bản nhất ta cần phải hiểu: tình yêu là gì, thì hầu như chẳng có ai giải thích cho ta, nên mỗi người hiểu mỗi cách khác nhau.

1. Tình yêu là một thực tại nhưng thật khó giải nghĩa

– Trước hết, nhiều người không tin có tình yêu. Phân tích con người bằng máy móc khoa học hiện đại nhất, người ta không thấy chỗ nào chứa đựng tình yêu. Người ta tưởng nó ở trong trái tim, nhưng mổ tim ra chỉ thấy các sớ thịt. Người ta nghĩ nó nằm trong bộ não trung ương, nhưng đo điện não của người đang yêu, chỉ thấy những xung động điện chạy trong tế bào thần kinh do các hạt hoá chất mang tích điện dương tạo nên. Đối với những người theo hệ tư tưởng duy vật biện chứng, tình yêu là sản phẩm tưởng tượng của những người theo chủ nghĩa duy tâm. Có lẽ vì thế mà trong bộ từ điển danh giá nhất của Việt Nam dày hơn 4.000 trang khổ lớn, do 300 nhà khoa học hàng đầu của đất nước biên soạn, gọi là Từ Điển Bách Khoa Việt Nam không có mục từ “Tình yêu” để giải nghĩa tình yêu là gì.

– Tiếp đến, là nhiều người đã hiểu sai về tình yêu, nhất là những ai theo một tôn giáo nào đó. Họ lầm tưởng rằng đó là tình cảm yêu đương nam nữ bị bản năng chi phối, nên xem thường tình yêu và nhắc nhở tín đồ phải xa tránh cho xứng đáng với thần linh. Nhiều linh mục, tu sĩ Công giáo rất ngại ngùng khi người khác bày tỏ tình yêu với họ. Họ phải đè nén tình cảm của mình với người khác để chỉ biết “thương” mà không được “yêu”. Có lẽ vì thế mà không có mục từ “Tình yêu” trong Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2019.

Tín đồ Phật giáo cho tình yêu là vô thường, tình cờ tụ lại trong một kiếp người hay trong một ít năm sống, sau đó tan biến đi, gây nhiều phiền não, đau khổ cho con người. Vì vậy mà nhà sư Giác Duyên nói với Thuý Kiều rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” (x. Truyện Kiều, câu 2658). Rất nhiều từ điển Phật giáo không có mục từ “Tình yêu”.

– Các nhà tâm lý cho rằng tình yêu bắt nguồn từ cảm giác. Đó là những cảm nhận từ các giác quan cho ta biết những thuộc tính riêng lẻ của con người hay sự vật tác động vào ta. Ví dụ: người ta thấy thân thể người mình yêu xinh đẹp, thơm tho, giọng nói êm ái, làn da mát dịu, cặp môi ngọt ngào nên yêu thương. Nhưng khi thấy thân hình người yêu bị biến dạng vì tai nạn, bệnh tật, bốc mùi hôi thối thì họ xa lánh.

Mức độ cao hơn là cảm xúc. Cảm xúc là những thái độ của con người trước những sự vật hay hiện tượng liên quan đến việc thoả mãn hay không thoả mãn những nhu cầu cá nhân. Người ta thường nói đến 7 cảm xúc cơ bản: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, trong đó ái là yêu. Có những người yêu cha mẹ vì được cho ăn, yêu nghề nghiệp vì kiếm được tiền, yêu người khác vì được cho quà, yêu người tình vì được thoả mãn sinh lý, yêu đất nước vì được hưởng lợi, yêu thần linh hay Thiên Chúa vì được ơn lành. Nhưng khi không còn được những thứ họ đòi hỏi là họ hết yêu: xa lạ với cha mẹ, bạn bè; bỏ bê chồng/vợ, người tình, thay đổi nghề nghiệp, quốc tịch, tôn giáo.

Mức cao hơn nữa là yêu theo tình cảm. Tình cảm là những cảm xúc của con người nhận thức được nguyên nhân tại sao mình yêu đối với vật hay người mình liên hệ. Cảm xúc lúc đó biến thành tình cảm lâu dài. Ví dụ: vợ chồng yêu thương nhau vì hiểu rằng mình đã gắn bó với nhau, có trách nhiệm với con cái, được nối kết với họ hàng, được bền vững do ơn Chúa. Tuy nhiên, những lời giải thích về tình yêu của các nhà tâm lý chỉ mô tả những mức độ của tình yêu trong con người, chứ không cắt nghĩa tình yêu thật sự là gì.

– Các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ viết nhiều về tình yêu. Nhà thơ Xuân Diệu viết rằng:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

                                                                                                                                                                                                                                           (x. Xuân Diệu, bài Vì Sao trong tập Thơ Thơ, 1938).

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại cho rằng:

Tình yêu như trái phá, con tim mù loà…,
Tình yêu như trái chín, trên cây rụng rời…
Một dòng sông nước cuốn, một cuộc tình không may”.

                                                                                                                                                                                                                                             (x. Trịnh Công Sơn, bài Tình sầu, sáng tác năm 1965).

Chỉ có nhà thơ Công giáo Hàn Mạc Tử, trong cảm nghiệm đau khổ tột cùng của bệnh phong cùi, mới gợi ý cho ta biết rằng:

Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều,
để nghe dưới đáy nước hồ reo,
để nghe tơ liễu run trong gió,
và để nghe Trời giải nghĩa yêu”.

                                                                                                                                                                                                                                     (x. Hàn Mạc Tử, tập Thu Thương, 1937).

2. Vậy tình yêu thật sự là gì?

Trong lịch sử văn minh nhân loại, chỉ có người Do Thái cách đây hơn 3.000 năm mới nói đến tình yêu của Thiên Chúa Giavê dành cho con người và vạn vật, và cũng vì thế mà con người phải biết yêu thương nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống (x. Xh 22,20-26). Họ diễn tả tình yêu ấy thành 683 điều luật phải giữ cặn kẽ. Và họ đã phải hỏi Chúa Giêsu rằng: “Điều răn nào trọng nhất trong sách luật Moise?” (x. Mt 22,34-40). Đức Giêsu đã tóm gọn tất cả lề luật họ biết vào 2 điều răn quan trọng nhất là mến Chúa yêu người.

Tuy nhiên, Đức Giêsu không dừng lại ở việc yêu Chúa hết lòng và yêu người như mình theo bản kinh Mười Điều răn quen thuộc của người Do Thái. Trái lại, Người diễn đạt tình yêu ấy trong đời sống, trong từng suy nghĩ, lời nói, cử chỉ, hành động, trong cái chết và sự sống lại của Người. Vì thế, 2 điều răn đó tóm gọn vào 1 điều răn duy nhất: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 15,2).

Đó là vì Đức Giêsu là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương đã dựng nên muôn loài và sau khi con người từ chối tình yêu của Ngài, đánh mất những ân huệ cao quý Ngài ban, thì Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương đến nỗi đã ban Người Con Một để cứu độ tất cả (x. Ga 3,16). Tình yêu Thiên Chúa vốn trừu tượng vì thuộc về tinh thần, bây giờ trở nên cụ thể, rõ ràng, sống động nơi Chúa Giêsu. Khi yêu như Chúa Giêsu, con người mới hiểu được bản chất tình yêu là Thiên Chúa, như tông đồ Gioan đã cảm nghiệm và nói cho ta biết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).

Tình yêu bây giờ không còn được giải nghĩa là một cái gì, không còn phải là cảm giác, cảm xúc, cảm tình, nhưng là một con người, là Đức Giêsu và là một Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả vô cùng và tuyệt đối linh thiêng. Từ đó con người mới hiểu được tình yêu là giá trị căn bản cho mọi hoạt động của mình, vì tình yêu là bản chất cao cả nhất được Chúa ban cho con người thuộc giới tinh thần có ý thức và tự do (x. TLHTXHCG, số 9,46,65).

Tình yêu này được Thiên Chúa ban cho muôn loài khi Ngài đặt tình yêu trong mỗi thụ tạo để chúng yêu Ngài và chia sẻ tình yêu cho nhau. Vì thế, tình yêu cũng là quy luật của muôn loài. Nhìn vào vạn vật, ta thấy quy luật đó được diễn tả một cách rất tự nhiên: từng điện tử, nguyên tử, phân tử vật chất gắn bó với nhau như Oxy và Hydro tạo ra nước, con đực và con cái kết hợp với nhau để sinh ra những thế hệ tiếp theo. Cao cả nhất là tình yêu của con người có ý thức tự do, biết gắn kết với nhau cách trong sáng, quảng đại để bảo tồn nhân loại và đưa tất cả vào nền văn minh tình yêu.

Nhưng rất tiếc là nhiều người vẫn chưa biết tình yêu là gì, bắt nguồn từ đâu và dẫn dưa nhân loại đến đâu. Do đó xung đột vẫn đang xảy ra khốc liệt ở Ucraina, ở dải Gaza và ngay trong chính tâm hồn con người!

Lời kết

Cầu chúc anh chị em hiểu được tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và Đức Giêsu là tình yêu cụ thể để nhận được tình yêu nhờ “Thánh Thần Chúa Cha ban cho chúng ta” (x. Rm 5,5). Amen.

HKK