22/01/2025

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý Niềm Đam Mê Rao Giảng Tin Mừng: Lòng nhiệt thành tông đồ. 21. Thánh Daniel Comboni, tông đồ Châu Phi và là nhà tiên tri truyền giáo

Thánh Daniel làm chứng cho tình yêu của Mục Tử Nhân Lành, Đấng đi tìm người lạc lối và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Lòng nhiệt thành của ngài rất mạnh mẽ và mang tính tiên tri khi chống lại sự thờ ơ và loại trừ.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô
Thứ Tư, 20 tháng 9 năm 2023

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Niềm Đam Mê Rao Giảng Tin Mừng:
Lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu.

Bài 21. Thánh Daniel Comboni, tông đồ Châu Phi và là nhà tiên tri truyền giáo

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong tiến trình dạy giáo lý về niềm đam mê truyền giáo, tức là lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta hãy dành chút thời gian để chứng kiến Thánh Daniel Comboni. Ngài là một tông đồ đầy lòng nhiệt thành đối với Châu Phi. Ngài viết về những dân tộc này: “Họ đã chiếm hữu trái tim tôi vốn chỉ sống vì họ” (Writings, 941). “Tôi sẽ chết với Châu Phi trên môi tôi” (Writings, 1441). Điều đó thật đẹp phải không? Và ngài đã viết cho họ điều này: “Điều hạnh phúc nhất trong những ngày của tôi sẽ là khi tôi có thể cống hiến cuộc đời mình cho anh chị em” (Writings, 3159). Đây là cách diễn tả của một người yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em mà ngài đang phục vụ trong sứ mạng, những người mà ngài không bao giờ mệt mỏi nhắc nhở rằng “Chúa Giêsu Kitô đã chịu đau khổ và chết vì họ nữa” (Writings, 2499; 4801).

Ngài khẳng định điều này trong bối cảnh đặc trưng bởi sự khủng khiếp của chế độ nô lệ mà ngài là nhân chứng. Chế độ nô lệ “vật hoá” con người, giá trị của con người bị giảm xuống mức hữu ích cho ai đó hoặc điều gì đó. Nhưng Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã nâng cao phẩm giá của mỗi con người và vạch trần sự giả dối của mọi chế độ nô lệ. Dưới ánh sáng của Chúa Kitô, Comboni nhận thức được sự ác của chế độ nô lệ. Hơn nữa, ngài hiểu rằng tình trạng nô lệ xã hội bắt nguồn từ một tình trạng nô lệ thậm chí còn sâu xa hơn, tình trạng nô lệ của trái tim, tình trạng nô lệ của tội lỗi, mà Chúa giải thoát chúng ta. Vì vậy, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đấu tranh chống lại mọi hình thức nô lệ. Tuy nhiên, thật không may, chế độ nô lệ, giống như chủ nghĩa thực dân, không phải là một điều thuộc quá khứ. Ở Châu Phi mà Comboni vô cùng yêu quý, nơi ngày nay bị xâu xé bởi quá nhiều xung đột, “sự bóc lột chính trị đã nhường chỗ cho một ‘chủ nghĩa thực dân kinh tế’ cũng có chế độ nô lệ không kém. (…) Đây là một thảm kịch mà thế giới kinh tế tiên tiến hơn thường bịt mắt, bịt tai và bịt miệng”. Do đó, tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình: “Hãy ngừng việc bóp nghẹt Châu Phi: đây không phải là một mỏ để bị tước đoạt hay một địa hình để bị cướp bóc” (Cuộc gặp gỡ các nhà chức trách, Kin-shasa, ngày 31 tháng 1 năm 2023).

Và quay trở lại với cuộc đời của Thánh Daniel. Sau thời gian đầu tiên ở Châu Phi, ngài phải rời nhiệm sở vì lý do sức khỏe. Quá nhiều nhà truyền giáo đã chết sau khi mắc bệnh sốt rét, phức tạp hơn do nhận thức chưa đầy đủ về tình hình địa phương. Mặc dù những người khác đã bỏ rơi Châu Phi nhưng Thánh Comboni không làm như vậy. Sau một thời gian phân định, ngài cảm thấy Chúa đang truyền cảm hứng cho ngài theo một con đường truyền giáo mới, mà ngài tóm tắt bằng những lời này: “Hãy cứu Châu Phi bằng Châu Phi” (Writings, 2741s). Đây là một cái nhìn sâu sắc mạnh mẽ, không có chủ nghĩa thực dân. Đó là một cái nhìn sâu sắc mạnh mẽ đã giúp đổi mới cách tiếp cận truyền giáo của ngài: những người được truyền giáo không chỉ là “đối tượng” mà còn là “chủ thể” của sứ mệnh truyền giáo. Và Thánh Daniel Comboni muốn mọi Kitô hữu tham gia vào công cuộc truyền giáo. Với tinh thần này, ngài đã tích hợp những suy nghĩ và hành động của mình, thu hút sự tham gia của các giáo sĩ địa phương và thúc đẩy việc phục vụ giáo lý viên giáo dân. Các giáo lý viên là kho báu của Giáo hội. Các giáo lý viên là những người thúc đẩy việc truyền giáo. Ngài cũng quan niệm về sự phát triển con người theo cách này, trau dồi nghệ thuật và nghề nghiệp, đề cao vai trò của gia đình và phụ nữ trong việc biến đổi văn hoá và xã hội. Và điều quan trọng xiết bao, ngay cả ngày nay, là làm cho đức tin và sự phát triển con người tiến bộ trong bối cảnh truyền giáo, thay vì cấy ghép các mô hình bên ngoài hoặc giới hạn chúng vào chủ nghĩa phúc lợi vô dụng! Không phải mô hình bên ngoài cũng như chủ nghĩa phúc lợi. Đi con đường truyền giáo từ văn hoá, từ văn hoá của người dân. Tin mừng hoá văn hoá và hội nhập Tin Mừng đi đôi với nhau.

Tuy nhiên, niềm đam mê truyền giáo vĩ đại của Thánh Comboni không phải chủ yếu là kết quả của nỗ lực con người. Ngài không được thúc đẩy bởi lòng dũng cảm của chính mình hay được thúc đẩy chỉ bởi những giá trị quan trọng như tự do, công lý và hoà bình. Lòng nhiệt thành của ngài xuất phát từ niềm vui của Tin Mừng, được rút ra từ tình yêu của Chúa Kitô, từ đó dẫn đến tình yêu dành cho Chúa Kitô! Thánh Daniel đã viết: “một sứ mệnh gian khổ và vất vả như của chúng ta không thể bị che đậy, sống bởi những con người gian xảo đầy ích kỷ và chỉ sống với chính mình, những người không quan tâm đến sự lành mạnh của mình và sự hoán cải của các linh hồn như lẽ ra họ phải làm”. Đây là thảm kịch của chủ nghĩa giáo sĩ trị, vốn làm cho các Kitô hữu, kể cả giáo dân, tự biến mình thành những con người với cái cổ vẹo vọ đầy ích kỷ. Đây là tai hoạ của chủ nghĩa giáo sĩ trị. Và ngài nói thêm: “Cần phải truyền lửa cho họ lòng bác ái bắt nguồn từ Thiên Chúa và tình yêu của Chúa Kitô; khi một người thực sự yêu mến Chúa Kitô thì những thiếu thốn, đau khổ và tử đạo sẽ trở nên ngọt ngào” (Writings, 6656). Ngài mong muốn được nhìn thấy những nhà truyền giáo nhiệt thành, vui tươi, tận tụy, những nhà truyền giáo “thánh thiện và có khả năng”, Ngài viết, “trước hết là các vị thánh, nghĩa là hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi, không xúc phạm đến Thiên Chúa và khiêm nhường. Nhưng chỉ thế thôi vẫn chưa đủ: chúng ta cần đức ái giúp ích cho các người dân của chúng ta” (Writings, 6655). Vì vậy, đối với Thánh Comboni, nguồn gốc của khả năng truyền giáo là lòng bác ái, đặc biệt là lòng nhiệt thành biến nỗi đau của người khác thành nỗi đau của mình.

Ngoài ra, niềm đam mê truyền giáo của ngài không bao giờ khiến ngài hoạt động như một nghệ sĩ độc tấu, mà luôn trong hiệp thông, trong Giáo hội. “Tôi chỉ có một mạng sống để cống hiến sự cứu rỗi cho những linh hồn đó: Tôi ước gì tôi có cả ngàn mạng sống cho mục đích này” (Writings, 2271).

Anh chị em, thân mến, Thánh Daniel làm chứng cho tình yêu của Mục Tử Nhân Lành, Đấng đi tìm người lạc lối và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Lòng nhiệt thành của ngài rất mạnh mẽ và mang tính tiên tri khi chống lại sự thờ ơ và loại trừ. Trong những bức thư của ngài, ngài tha thiết kêu gọi Giáo hội thân yêu của mình, một Giáo Hội đã quên mất Châu Phi quá lâu. Giấc mơ của Thánh Comboni là giấc mơ về một Giáo hội có mục đích chung với những người bị đóng đinh trong lịch sử, để cùng họ trải nghiệm sự phục sinh. Vào lúc này, tôi muốn đưa ra cho tất cả anh chị em một gợi ý. Hãy nghĩ đến những người bị đóng đinh trong lịch sử ngày nay: đàn ông, đàn bà, trẻ em, người già, tất cả những người bị đóng đinh bởi lịch sử bất công và thống trị. Chúng ta hãy nghĩ đến họ và cầu nguyện cho họ. Chứng tá của ngài dường như muốn lặp lại với tất cả chúng ta, những người nam nữ của Giáo hội: “Đừng quên người nghèo – hãy yêu thương họ – vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang hiện diện trong họ, chờ đợi họ sống lại”. Chúng ta đừng quên người nghèo. Trước khi đến đây, tôi đã có cuộc gặp gỡ các nhà lập pháp Batây đang làm việc vì người nghèo, những người cố gắng thúc đẩy người nghèo thông qua hỗ trợ và công bằng xã hội. Và họ không quên người nghèo – họ làm việc vì người nghèo. Với tất cả anh chị em, tôi xin nói: đừng quên người nghèo, bởi vì họ sẽ là những người mở cửa Thiên đàng cho anh chị em. Cảm ơn anh chị em.

 

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholicnews.net/