23/11/2024

Chúa Nhật XXI TN A 2023: Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống

Chúa Nhật XXI TN A 2023

Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu những khám phá mới nhất của khoa học về con người thúc đẩy ta loan báo Đức Giêsu Kitô là ơn cứu độ cụ thể cho mọi dân tộc. Tuần này, Chúa Giêsu trao quyền năng cứu độ cho Giáo Hội của Người, mà thánh Phêrô là người đại diện, khi nói với ông: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất anh ràng buộc điều gì, trên trời sẽ ràng buộc như vậy, dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19-20). Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là muốn nhận được quyền năng cứu độ đó, chúng ta phải làm gì?

Đoàn công tác liên ngành Việt Nam thăm Tòa thánh Vatican | Xã hội | Vietnam+ (VietnamPlus)

Kiến trúc Toà thánh Vatican theo hình chìa khoá

1. Con người cần được cứu độ

Theo định nghĩa, cứu độ là sự giải thoát, chữa lành của Thiên Chúa, đưa tín hữu đến đời sống mới trong ân sủng nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Ngày nay, Giáo Hội đang cộng tác với ân sủng của Chúa Thánh Thần để hoàn tất trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới (x. Công đồng Vat. II, Hiến chế Lumen Gentium, số 17; HĐGMVN, Từ điển Công giáo, mục từ Ơn Cứu độ, NXB Tôn Giáo, 2019, tr.197).

Nói một cách cụ thể, mỗi người chúng ta đang cần được cứu giúp để thoát cảnh nghèo khổ, bệnh tật, ngu dốt hầu có thể sống an lành, khoẻ mạnh, thông minh, hạnh phúc. Đó là đời sống mới mà ai cũng mong ước khi sống trên trần thế này, dù trong cõi thâm sâu của tâm hồn, ta còn mong ước mình được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, thông minh tuyệt vời và hạnh phúc vô biên. Nhưng thử hỏi ta đã làm gì để đạt được các mơ ước đó?

Nhiều người không theo tôn giáo nào thì ra sức làm việc để kiếm nhiều tiền cho thoát cảnh nghèo khổ, cố gắng sống điều độ để được khoẻ mạnh, chăm chỉ học hành để được thông minh, tìm thầy chạy thuốc để thoát khỏi bệnh tật, làm đủ mọi cách để đạt được hạnh phúc. Còn các tín hữu theo tôn giáo thì hiểu rằng sức khoẻ, giàu sang, an lành, hạnh phúc là những ân huệ thần linh ban cho mình nên phải thiết tha cầu kinh, dự lễ, làm việc thiện để đạt được chúng. Nhiều người hiểu biết thì giữ thái độ quân bình hơn vì họ biết rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nên vừa tích cực học hành làm việc vừa biết cầu nguyện để xin ơn cứu độ.

Tuy nhiên, trong đời sống thực tế, nhiều tín hữu Công giáo vẫn nghèo khổ, tật bệnh, yếu kém, bất hạnh và họ không biết làm sao để đạt được những ân sủng mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho các môn đệ của Người. Nhiều người khác lại sẵn sàng chịu đau khổ, bệnh tật, thua thiệt, bất hạnh để nên giống Chúa Giêsu, vì họ muốn dùng các phương thế này để cứu độ thế giới. Vậy chúng ta sẽ chọn thái độ nào? Các bài Thánh Kinh như muốn giúp ta tìm ra câu giải đáp cho thực trạng khó khăn này.

2. Ơn cứu độ nhất thời và vĩnh viễn

Trước hết, có lẽ chúng ta cần phân biệt 2 loại ơn cứu độ xét theo khía cạnh thời gian: đó là ơn cứu độ nhất thời và ơn cứu độ vĩnh viễn. Ví dụ một người mắc bệnh gan được Chúa chữa lành trong khoảng thời gian 2 năm, nhưng sau đó người này cứ tiếp tục uống rượu, không chịu kiêng cữ nên mắc bệnh ung thư gan. Tôi biết một em nhỏ lúc 3 tuổi bị bệnh ung thư máu, sau 3 năm chữa trị trong Bệnh viện Huyết học, các bác sĩ nói với cha mẹ cháu rằng họ nên mang con về vì bệnh viện không thể chữa bệnh cho cháu nữa. Gia đình cháu cầu nguyện, cháu bé được Chúa chữa lành đến nay đã 21 tuổi. Sau nhiều lần xét nghiệm máu ở Hoa Kỳ, cháu hoàn toàn khoẻ mạnh. Đó là những ơn cứu độ nhất thời. Đức Giêsu còn ban cho chúng ta ơn cứu độ vĩnh hằng để ta được chia sẻ sự sống viên mãn, phi thường của Thiên Chúa sau khi vượt qua cái chết ở đời này.

Muốn đạt được ơn cứu độ nhất thời hay vĩnh viễn, con người chúng ta cần phải có đủ những điều kiện cần thiết để ơn cứu độ đem lại hiệu quả thiết thực. Điều kiện đầu tiên là phải có niềm tin vào Đức Giêsu vì “Người là sự giàu có, khôn khoan, thông suốt của Thiên Chúa”, nhất là “vì muôn vật đều nhờ Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” như thánh Phaolô xác tín trong Bài đọc II (x. Rm 11,33-36). Không có niềm tin này chúng ta không thể đón nhận ơn cứu độ cho mình hay chuyển thông cho người khác. Niềm tin này chính là chiếc chìa khoá Chúa Giêsu trao cho chúng ta để mở kho tàng ân sủng của Nước Trời.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên lưu ý rằng có nhiều người vẫn nhận được chìa khoá này, dù họ không phải là Kitô hữu, vì Đức Giêsu không phải chỉ là con người cụ thể mà còn là con đường sự thật và sự sống (x. Ga 14,6). Vậy tất cả những ai đi trên đường đời, mà biết tôn trọng sự thật và sự sống, đều là tín hữu Kitô, đều được cứu độ và chuyển thông ơn cứu độ. Do đó ta mới thấy nhiều vị thiền sư, đạo sĩ, tín đồ của các tôn giáo khác có khả năng cứu giúp con người, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tác động trên vạn vật bởi vì họ đã âm thầm tin vào Chúa Giêsu Kitô và thể hiện lòng tin đó.

Điều kiện thứ hai mà nhiều Kitô hữu hay quên, đó là việc thể hiện niềm tin đó trong đời sống thường ngày qua những hành động cụ thể, dù người ta tuyên xưng qua các lời kinh rằng: “Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” như thánh Phêrô trong Tin Mừng hôm nay. Lời tuyên xưng này gồm 2 phần, phần đầu là “Đấng Kitô” như một người được xức dầu để thi hành sứ mệnh làm tư tế, ngôn sứ và vương đế như Đức Giêsu (x. GLHTCG, số 1241), phần sau là “Con Thiên Chúa hằng sống” để chuyển thông ơn cứu độ vĩnh hằng cho muôn loài.

Nhiều tín hữu Kitô đã quên nội dung tên gọi của mình, quên mình được Chúa xức dầu bằng Thánh Thần để tháp nhập vào Đức Kitô thành con cái Thiên Chúa và được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi (x. GLHTCG, số 1997). Trong sứ vụ làm tư tế, người tín hữu dâng lên Chúa chính con người mình với thể xác và tinh thần, với mọi tư tưởng, lời nói, việc làm như một lễ vật để tôn vinh, ca ngợi và cầu xin ơn lành. Trong sứ vụ ngôn sứ, người đó biết mình cần phải học hỏi và loan báo lời cứu độ của Chúa cho muôn loài. Trong sứ vụ vương giả, người đó biết làm chủ và quản lý mọi của cải vật chất, tài năng tinh thần, thời giờ và ân phúc Chúa ban để mưu cầu hạnh phúc và đem ơn cứu độ cho muôn loài.

Như thế, lời tuyên xưng “Đức Giêsu là Đấng Kitô” đã hàm chứa ta phải biết sống điều độ để đạt được sức khoẻ ổn định, biết cố gắng học hành, trau dồi kiến thức mỗi ngày để trở nên khôn ngoan, biết hành động hiệu quả để có đời sống sung túc cho mình cũng như cho người khác. Những khám phá mới của các ngành khoa học về con người và vạn vật giúp chúng ta hiểu biết và có những kỹ năng cần thiết để đạt tới ơn cứu độ nhất thời như Đức Giêsu đã từng làm trong đời sống trần thế của Người.

Hơn nữa, qua cái chết và cuộc sống lại của mình, Đức Giêsu còn ban ơn cứu độ vĩnh hằng cho tất cả những ai tin vào Người là Con Thiên Chúa hằng sống. Đó là ân sủng cao cả nhất đưa con người và vạn vật vượt qua mọi giới hạn trong không gian và thời gian của vật chất để được sống mãi, trẻ đẹp mãi mãi, thông minh vô tận, hạnh phúc vô biên vì được hoà nhập thành một với Thiên Chúa như con cái của Ngài. Việc chuyển thông ơn cứu độ đó đã thực hiện trong suốt 2000 năm qua đời sống kỳ diệu của bao tín hữu để mời gọi chúng ta tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu.

Lời kết

Điều đó như thúc đẩy mỗi người tín hữu chúng ta nhìn lại đời sống của mình để xác tín hơn về ơn cứu độ Chúa ban cũng như để chia sẻ ơn đó cho muôn loài. Amen.

HKK