23/12/2024

Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên, năm A, 2023: Sống tình trạng lên trời với Chúa Giêsu

Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên, năm A, 2023

Sống tình trạng lên trời với Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm lên trời của Đức Giêsu cũng là cuộc lên trời của mỗi người chúng ta. Nói đến việc lên trời, nhiều người tưởng tượng đến việc Chúa Giêsu dần dần nâng bổng người lên, bay vào cõi không trung xa vời nào đó, giống như các môn đệ đang dõi mắt nhìn theo hình ảnh Chúa Giêsu dần dần xa đi, để rồi thiên thần phải cảnh tỉnh họ: “Sao còn đứng mãi nhìn trời?” (x. Cv 1,9-11). Họ cũng như ta quên lời dặn dò của Người: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

1. Vậy lên trời hay về trời ở đây muốn nói gì?

Trời ở đây không phải là một khoảng không gian rõ rệt, nhưng là một tình trạng (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 659-667, 2794-2796) mà Đức Giêsu đi vào trong đó để dẫn chúng ta theo. Người về trời là về với Chúa Trời. Người thăng thiên là về với Thiên Chúa, mà Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nên tình trạng ở với Chúa Trời cũng có thể diễn ra ở khắp nơi. Ngay khi Chúa Giêsu sống lại, thân xác của Người không còn bị chi phối bởi vật chất, không gian và thời gian, nên Người có thể đến bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào. Người đã về trời ngay lúc đó.

Gặp bà Maria Madalena ở cửa mộ vào ngày phục sinh, Chúa Giêsu nói rằng: “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Bài Phúc Âm theo thánh Matthêu hôm nay (x. Mt 28,16-20), cũng như các bài tường thuật của thánh Marcô (x. Mc 16,15-20) và Luca (x. Lc 24,46-53) đều muốn nói lên tình trạng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Đó là Người đã về với Chúa Cha ngay sau khi sống lại, để kết hợp mật thiết với Cha và chia sẻ vinh quang tuyệt vời của Thiên Chúa với thân xác của mình.

Còn sự kiện được thánh Luca kể trong sách Công vụ Tông đồ hôm nay có ý ‎nghĩa là: sau những lần hiện ra một cách hữu hình “trong 40 ngày”, Chúa Giêsu đã chấm dứt tình trạng đó bằng việc lên trời. Người không còn hiện ra với thân xác cụ thể cho các môn đệ nữa để Người có thể hiện ra cho tất cả mọi người chúng ta, giúp ta cảm nghiệm được tình trạng sống động kỳ diệu của Người, nếu chúng ta kết hợp mật thiết với Người.

Hơn nữa, Người cũng kéo tất cả mọi người chúng ta lên trời với Người vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô trong bài đọc II đã nói rằng: “Chúa Cha đã tôn Đức Giêsu Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng… đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (x. Ep 1,17-23).

LỄ CHÚA LÊN TRỜI | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Năm B – Tinmungduongpho.com

Nhờ Chúa Giêsu về trời nên mỗi người chúng ta cũng được chia sẻ thần tính cao cả của Người, được chia sẻ một tình trạng sống hoàn toàn mới mẻ và kỳ diệu với Người. Điều này không phải chỉ xảy ra sau khi chúng ta chết, nhưng có thể thực hiện ngay trong đời sống trần thế như đời sống của nhiều tín hữu đã chứng minh: thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba (x. 2Cr 12,2). Nhiều vị thánh như Phanxicô Khó nghèo, Gioan Thánh Giá, Catarina Sienna… đã cảm nghiệm tình trạng này trong những cơn xuất thần; còn mẹ Thánh Têrêsa Calcutta thì lại thấy trời giữa lòng xã hội với những con người khốn khổ, bệnh tật mình đang cứu giúp.

2. Sống tình trạng lên trời

Nói đến đây, tôi nhớ lại hình ảnh của những anh chị em đến xin chúng tôi cầu nguyện do một số linh hồn người đã khuất nhập vào thân xác của họ như một dấu chỉ của sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, nhớ đến hình ảnh của những vị sư, ni cầu nguyện giải oan cho những hồn ma để giúp họ siêu thoát; nhớ đến những trang thờ nạn nhân xấu số trên rất nhiều con đường ở Việt Nam.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi đọc những tin về bà Phan Thị Bích Hằng, hay nhóm các nhà ngoại cảm của thiếu tướng Tiến sĩ Chu Tấn Phác (1938-2016), chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, về việc họ đã thấy nhiều hồn ma đứng ngồi và sinh hoạt trong các nghĩa trang. Khi lên chiến trường Điện Biên Phủ, dù cuộc chiến đã kết thúc từ năm 1954, nhưng họ vẫn thấy những hồn ma ấy còn vất vưởng trên những cây cối hay bên dòng suối… vì các hồn này chưa được siêu thoát.

Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta về tình trạng thiên đàng (x. số 1023-1029), luyện ngục (x. số 1030-1032), và hoả ngục (x. số 1033-1037). Chúng ta biết rằng tất cả các hành vi nhân linh của chúng ta trên trần thế, nghĩa là những hành động có ý thức và tự do, đều ghi một dấu ấn tốt hay xấu trên tinh thần của chúng ta. Đó là những điểm sáng tạo nên vinh quang hay điểm tối cần phải tẩy rửa cho hoàn toàn trong sạch, nếu muốn kết hợp trọn vẹn với Chúa trong tình trạng thiên đường. Vì thế có sự kiện các hồn người sau khi chết vẫn còn phải thanh luyện.

Anh em Phật giáo gọi đó là luật nhân quả: “Bất cứ hành động nào cũng tạo ra một nhân, và đã có nhân thì ắt phải có quả”. Con người sớm muộn gì cũng sẽ phải nhận lãnh hậu quả của những việc họ đã gây ra. Nếu không phải lúc này thì vào lúc khác, không ở kiếp này thì kiếp khác. Cuộc đời hữu hạn nên không mấy ai có thể nhìn rõ những tác động của tạo hoá. Vì thế để có thể thanh tẩy mình hoàn toàn trong sạch, con người phải trải qua hàng vạn kiếp khác nhau trong vòng luân hồi. Nhà văn Nguyên Phong, trong tác phẩm phóng tác của ông có tựa đề “Muôn kiếp nhân sinh”, đã viết rất hay về vấn đề này, dù chỉ là những câu chuyện tưởng tượng.

Tuy nhiên dù ta có ăn năn thống hối và làm các việc đền tội như các tôn giáo khác khuyên dạy, thì hành động xúc phạm đến Thiên Chúa vô cùng cao cả của con người cũng không thể được tha thứ và tẩy xoá được hậu quả, nếu không có Đức Giêsu làm đấng trung gian chịu chết và đền tội thay cho ta.

Khi hai đứa trẻ chửi nhau “mày là đồ ăn cắp”, ta thấy chúng có thể xin lỗi và làm hoà với nhau mà không cần người trung gian. Nhưng khi đứa trẻ chửi ông chủ tịch quận, huyện một câu tương tự, thì gia đình đứa trẻ cần một người có địa vị tương xứng với người bị xúc phạm để hoà giải, chứ đứa trẻ không thể tự mình xin lỗi. Nếu như người bị xúc phạm là ông vua, gia đình đứa trẻ có thể bị tru di tam tộc. Muốn được tha thứ, gia đình đứa trẻ phải nhờ cậy một người có địa vị tương xứng như bà hoàng hậu hay quan tể tướng để làm trung gian hoà giải.

Chúa Giêsu, vì vừa là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, vừa chịu chết thay cho muôn loài, nên Chúa Cha mới tha thứ cho chúng ta. Và cũng nhờ đó chúng ta không cần phải trải qua nhiều kiếp sống khác nhau mà chỉ cần một kiếp sống ở trần thế này là đủ. Việc Chúa Giêsu lên trời chính là dịp đặc biệt vui mừng vì biểu lộ sự tha thứ trọn vẹn của Chúa Cha khi đặt Chúa Giêsu Kitô với thân xác của Người “ngự bên hữu Ngài trên trời, trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai” (x. Ep 1,21).

Kết luận

Hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa Cha đã yêu thương chúng ta cùng với toàn thể vũ trụ vì đã cho tất cả được chia sẻ tình trạng lên trời với Chúa Giêsu. Chúng ta quyết tâm sống tốt đẹp, tự thanh tẩy những điểm tối của hồn mình ngay trong cuộc đời trần thế để sớm cảm nghiệm được tình trạng thiên đường. Amen.

HKK