23/12/2024

Số Kitô hữu Nhật Bản gia tăng nhưng số tín hữu Công giáo suy giảm

Số Kitô hữu Nhật Bản gia tăng nhưng số tín hữu Công giáo suy giảm

Theo báo cáo của Cơ quan Văn hóa Nhật Bản và theo dữ liệu năm 2021 của các nhóm khác nhau, số Kitô hữu tại Nhật Bản gia tăng thêm 52.290 thành viên so với năm trước. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo, với 431.100 tín hữu, đã giảm bớt 3.983, và vẫn là nhóm Kitô giáo đông nhất tại Nhật Bản.

Tin hữu Nhật Bản

 Tín hữu Nhật Bản  (Vatican Media)

Theo cuộc khảo sát năm 2022, được công bố vào năm nay và liên quan đến dữ liệu năm 2021, trong bốn nhóm tôn giáo chính tại Nhật Bản: Thần đạo, Phật giáo, Kitô hữu và các tôn giáo khác, chỉ có Kitô giáo có số tín hữu gia tăng.

Với thêm 52.290 thành viên, Kitô giáo tại Nhật Bản có tổng số 1.967.584 tín hữu. Đây là năm thứ hai liên tiếp số Kitô hữu gia tăng tại Nhật Bản.

Thần đạo và Phật giáo là hai nhóm có đông tín hữu nhất, lần lượt là 87.236.585 và 83.242.856 tín đồ, nhưng họ vẫn bị suy giảm, cũng như nhóm “các tôn giáo khác”.

Người Nhật quen thuộc với văn hóa Kitô giáo

Mặc dù Kitô giáo ở Nhật Bản chỉ chiếm hơn 1% dân số, trong đó khoảng 0,34% là người Công giáo, nhưng người Nhật đã quen thuộc với văn hóa Kitô giáo.

Ở trường học, học sinh Nhật nhận được một số kiến thức về lịch sử của Kitô giáo và mọi người đều biết những nhân vật như Mẹ Têrêsa của Calcutta, và khi trưởng thành, họ đam mê nghệ thuật và âm nhạc Kitô giáo, Phúc Âm và bài hát Ave Maria của Schubert, và trong chuyến du lịch nước ngoài, họ muốn thăm các nhà thờ và viện bảo tàng nơi lưu giữ những kiệt tác của các nghệ sĩ Kitô giáo. Lễ Giáng Sinh sau đó ăn sâu vào những người thuộc mọi lứa tuổi, những người, ngay cả khi chưa được rửa tội, vẫn thường tham dự Thánh Lễ Giáng Sinh.

Hoạt động truyền giáo tại Nhật có ít kết quả

Tuy nhiên, mặc dù có 3 tổng giáo phận và 14 giáo phận hiện diện trên quần đảo Nhật Bản, nơi mà theo một cuộc khảo sát cứ 10 người Nhật thì có 1 người đã theo học các trường hoặc đại học Công giáo trong suốt cuộc đời của họ, “rất khó để tìm thấy thành công rõ rệt trong hoạt động truyền giáo”.

Thách đố và giải pháp

Trong một tài liệu vào năm 2021, các Giám mục Nhật Bản đã mô tả cộng đồng Công giáo đang ở trong tình trạng ‘bế tắc’, “hậu quả của việc giảm sinh, già đi, những thay đổi trong môi trường gia đình, suy yếu cảm thức đức tin và sự xa cách của những người trẻ với Giáo hội”, cũng gây ra sự sụt giảm ơn gọi. Trong bối cảnh này, việc chăm sóc mục vụ cho những người trẻ tuổi và những người nước ngoài đã được rửa tội được xác định là nền tảng cho tương lai của cộng đồng Công giáo Nhật Bản để chào đón họ vào các giáo xứ và truyền bá nhận thức của các tín hữu rằng Giáo hội ở Nhật Bản không phải là một Giáo hội Nhật Bản, nhưng là một Giáo hội phổ quát.

Tuy nhiên, các Giám mục Nhật Bản xác định rằng chứng tá của các tín hữu và gia đình Công giáo rất quan trọng trong việc truyền giáo. (SIR 16/05/2023)

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-05/kito-huu-nhat-ban-gia-tang-tin-huu-cong-giao-suy-giam.html