Đức Thượng phụ Sako: Kitô hữu Trung Đông không phải là công dân hạng hai

Đức Thượng phụ Sako: Kitô hữu Trung Đông không phải là công dân hạng hai

Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Giáo chủ Công giáo Canđê ở Iraq đã nói về mối đe dọa đang đè nặng lên các Giáo hội ở Trung Đông với tương lai ngày càng gặp rủi ro ở các quốc gia mà đa số người Hồi giáo gạt họ ra ngoài lề. Ngài nói rằng “Kitô hữu Trung Đông không phải là công dân hạng hai”.

Đức Hồng y Louis Raphael Sako

Đức Hồng y Louis Raphael Sako  

Trong Hội thảo chuyên đề “Bắt nguồn từ niềm hy vọng” do Bộ các Giáo hội Đông phương tổ chức tại Nicosia, nhân dịp kỷ niệm Tông huấn hậu Thượng Hội đồng “Giáo hội ở Trung Đông”, Đức Hồng y Sako, bày tỏ sự đau xót và quan tâm rằng tương lai của khu vực có thể hoàn toàn không có sự hiện diện của các Kitô hữu. Ngài kêu gọi rằng các Kitô hữu ở Trung Đông cần phải được giúp đỡ để ở lại vùng đất của họ và sống ở đó với tư cách là công dân với các quyền và nghĩa vụ của tất cả mọi người.

Sẽ thực sự nghiêm trọng nếu Trung Đông không còn Kitô hữu 

Đức Hồng y Sako chia sẻ với Vatican News: “Không phải ngẫu nhiên mà Kitô hữu chúng ta ở những nơi đó, chúng ta có ơn gọi, nhưng chúng ta cần được Mẹ Giáo hội giúp đỡ, lắng nghe, đồng hành. Chúng ta cần hỗ trợ các Kitô hữu để họ không bỏ đi, chúng ta cần giúp họ không di cư. Sẽ thực sự nghiêm trọng nếu Trung Đông không còn Kitô hữu và nếu gốc rễ của Kitô không còn nữa. Sự hiện diện của các Giáo hội Đông phương đang bị đe doạ và họ không nhìn thấy tương lai ở Iraq, Syria, Libăng, Palestine, do những thách đố về chính trị, kinh tế, văn hoá và những thách thức khác.”

Theo ngài, trong khi ở Tây phương thiếu vắng các giá trị tôn giáo và con người, có sự thế tục hoá, và cuộc sống không có sự thánh thiêng, thì ở phương Đông có chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa biến thành kinh hoàng và khủng bố. Các Kitô hữu bị đe doạ, bị gạt ra bên lề. Nhà cửa, tài sản và làng mạc của họ đang bị chiếm đóng, và sau đó là vấn đề dân số.

Sự hỗ trợ về mặt ngoại giao và chính trị

Đức Hồng y nói thêm: “Mọi người đều nói về nhân quyền, nhưng chúng tôi không được đối xử giống như người Hồi giáo, với các quyền và nghĩa vụ như nhau. Thay vì tạo ra các quốc gia dân chủ và dân sự, họ đã tạo ra các rào cản. Chúng ta cần tách tôn giáo ra khỏi nhà nước. Tất cả điều này đòi hỏi sự hỗ trợ về mặt ngoại giao và chính trị, thậm chí từ bên ngoài, đối với các Kitô hữu, những người đang bị đàn áp, mặc dù kín đáo, không công khai…”

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-04/louis-sako-kito-huu-trung-dong-khong-phai-kito-huu-hang-hai.html