23/12/2024

Chúa Nhật PS – A – 2023: Gặp được Đấng Phục Sinh

Chúa Nhật PS – A – 2023

Gặp được Đấng Phục Sinh

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Hôm nay, chúng ta mừng Đức Giêsu Phục Sinh. Người sống lại để giúp ta giữ được niềm vui, hy vọng và hạnh phúc giữa bao đau khổ, bất công, bất hạnh của xã hội loài người. Từ đó ta có thể làm chứng về Chúa Phục Sinh cho con người thời nay chỉ biết tin tưởng vào khoa học hiện đại và tiền của vật chất có thể giải quyết được mọi chuyện. Nếu Đức Giêsu không sống lại thì cuộc đời của từng người chúng ta, cũng như của cả vũ trụ này, đã giống như những nấm mộ hoang tàn trong các nghĩa trang trên khắp thế giới. Vì thế, chúng ta được mời gọi đến gần ngôi mộ chôn táng Đức Giêsu để gặp các môn đệ của Người qua bài Tin Mừng (x. Ga 20,1-9).

1. Những ngôi mộ hoang tàn

Thật vậy, chúng ta thử tưởng tượng xem, một ngày nào đó, có một hành tinh xa lạ đâm vào trái đất, tất cả chúng ta sẽ bị thiêu rụi, biến mất trong nháy mắt. Hoặc nếu có cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra, như đang đe doạ nhân loại trong cuộc xung đột ở Ucraina, kho chứa loại vũ khí này của các cường quốc đủ để làm nổ tung trái đất nhiều lần và cả nhân loại cũng biến mất không cần nấm mồ chôn nào. Vậy thì tất cả những công trình kiến trúc, văn hoá, nghệ thuật, khoa học, xã hội, tôn giáo của loài người sẽ còn lại gì? Nếu chúng không có giá trị vĩnh hằng, chúng ta cần gì phải xây dựng chúng!

Nhìn vào cuộc sống của nhiều người, chúng ta cũng thấy họ giống như những ngôi mộ vô hồn trong một nghĩa trang vĩ đại. Có những bạn trẻ nam nữ khoẻ mạnh, đầy tài năng, nhưng lại đang phung phí nguồn lực của mình để thoả mãn những tham vọng và dục vọng, rồi lại luôn cảm thấy buồn chán, cho rằng cuộc đời là vô nghĩa, vô thường. Có những người giàu có, thành đạt, trong xã hội nhưng đến giờ phút cuối đời lại cho tất cả những thứ mình có là vô nghĩa và ân hận vì không dành những giờ phút sống cho các giá trị tinh thần. Có những người mắc bệnh nan y, chỉ muốn kết thúc cuộc đời bất hạnh mà mà không nhận ra giá trị của những thử thách đó như chuẩn bị cho đời sống vĩnh hằng. Có những phụ nữ cảm thấy đời mình gặp toàn bất hạnh, đầu tắt mặt tối làm việc như một con ở không lương, chồng chẳng quan tâm, con cái hư đốn, chẳng tìm được niềm vui nào ở cuộc đời.

Nếu Đức Giêsu không sống lại thì các nấm mộ buồn khổ, thất vọng, chết chóc, hoang tàn kia sẽ dìm tất cả trong bể khổ muôn đời. Nhưng Đức Giêsu đã sống lại. Ngôi mộ chôn táng Người trống rỗng. Người đã chiến thắng sự chết để mở tung các ngôi mộ đang chôn vùi con người. Từ đó Người đem lại cho ta niềm vui và hy vọng. Vì thế, thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. Cl 3,1-4) mời gọi chúng ta rằng: “Anh em đã trỗi dậy cùng với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những điều cao cả thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.

Tuy nhiên, ta chỉ có thể cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc nếu gặp được Đấng Phục Sinh. Vì thế câu hỏi quan trọng đặt ra cho ta là làm thế nào để cảm nghiệm được Người, vì Người đang ở giữa chúng ta mọi ngày cho đến tận thế?

Niềm vui khởi đầu từ "ngôi mộ trống"

2. Làm sao gặp được Đấng Phục Sinh?

Bài Tin Mừng hôm nay như giới thiệu 3 nhân vật tiêu biểu để chúng ta chọn lựa thái độ sống và từ đó đạt được niềm mong ước của mình là gặp được Đấng Phục Sinh. Đó là Maria Madalena, cô gái điếm đã hoàn lương, Simon Phêrô tông đồ trưởng, và Gioan, người môn đệ được Đức Giêsu yêu quý.

Cả ba người, giống như chúng ta, đều yêu Đức Giêsu, nên đã thao thức về cái chết bất công, về một thân xác chưa được tẩm liệm trọn vẹn của Chúa Giêsu. Nếu không yêu, người ta sẽ sống thờ ơ, lãnh đạm, chẳng thèm quan tâm hay thao thức về nhau. Vì thế nên Madalena cùng với vài phụ nữ mang dầu thơm đến mộ để xức xác Chúa Giêsu vào sáng sớm ngày Chúa sống lại. Tình yêu chân thành đối với Chúa Giêsu phải luôn làm chúng ta thao thức về những nỗi đau khổ, bất công, nghèo đói, tật bệnh mà bao Giêsu thấp cổ bé miệng đang phải chịu đựng trong xã hội quanh ta.

Rồi khi được tình yêu thôi thúc, họ không còn đi đứng bình thường, mà tất cả đều chạy. Chạy nghĩa là làm nhanh hơn, tốt hơn, chạy là hy sinh nhiều hơn, chịu đựng gian khổ hơn và tha thứ quảng đại hơn. Chạy là biết cho đi mà không còn tính toán theo lẽ công bình, là yêu mà không cần được yêu lại.

Nhưng tình yêu không phải chỉ thôi thúc ta chạy tới, tình yêu còn mời gọi ta biết dừng lại. Dừng lại ở cửa mộ Giêsu vì nhận ra cái chết của Người đòi ta phải hành động khác với thường tình. Madalena dừng lại và không vào dù tới mộ sớm nhất, chị chạy về báo tin cho Simon Phêrô và Gioan. Hai tông đồ này cũng chạy, nhưng vì Gioan còn trẻ nên chạy nhanh hơn Phêrô. Tuy nhiên, Gioan cũng không lợi dụng ưu thế của mình để vào mộ trước, ông dừng lại nhường cho Phêrô. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, có thể chúng ta trẻ đẹp hơn, tài năng hơn, giàu có hơn, thậm chí đạo đức hơn so với những người khác, nhưng ta được mời gọi tự nguyện dừng lại, tự nguyện nhường nhịn người khác vì tình yêu đối với Đức Giêsu.

Kết quả là khi ta biết thao thức, dám chạy tới và tự nguyện dừng lại tuỳ theo mức độ tình yêu đối với Chúa Giêsu thì ta sẽ cảm nghiệm Người một cách khác nhau. Thánh Kinh không nói gì đến việc Phêrô có tin hay không tin, nhưng ông không gặp Đức Giêsu Phục Sinh lúc ở gần ngôi mộ vì ông thao thức ít hơn cả, chạy chậm hơn cả và không nhường ai. Gioan thì chạy nhanh hơn Phêrô, biết nhường cho Phêrô nên dù ông chỉ thấy những khăn liệm, vải liệm sắp đặt gọn gàng ông “đã thấy và đã tin” Chúa Giêsu sống lại.

Chỉ có Madalena là người đã thao thức nhiều nhất, đã chạy tới mộ sớm nhất và đã nhường nhịn cả hai người kia, nên đang khi chị còn đứng gần mộ than khóc thì Đức Giêsu đã hiện ra nói với chị rằng: “Này bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai? Tưởng là người làm vườn nên chị nói rằng: Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về. Nhưng, Chúa Giêsu gọi: Maria! Chị đã nghe tiếng gọi quen thuộc của Thầy mình và đã ôm được Đức Giêsu Phục Sinh trong vòng tay của mình (x. Ga 20,11-18).

Đó là các thái độ mà chúng ta cần thể hiện trong đời sống để có thể cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh và làm chứng cho Người trong thời đại hiện nay như thánh Phêrô nói với gia đình ông Corneliô trong Bài đọc I (x. Cv 10,34-43): “Chúng tôi đã cùng ăn, cùng uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Chúng tôi xin làm chứng về tất cả những điều ấy”.

Lời kết

Dù là những người yếu đuối, tội lỗi, nhưng chúng ta cũng muốn làm chứng rằng Đức Giêsu đã thật sự sống lại. Người đang ở giữa chúng ta để làm cho đời ta có ý nghĩa, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Cầu chúc anh chị em cảm nghiệm được Người. Amen.

HKK