23/12/2024

ĐTC Phanxicô: Chủ nghĩa thực dân mới là một tội ác và mối đe doạ của hoà bình

ĐTC Phanxicô: Chủ nghĩa thực dân mới là một tội ác và mối đe doạ của hoà bình

Trong sứ điệp gửi đến diễn đàn về chủ nghĩa thực dân mới, Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại chủ nghĩa thực dân về kinh tế và ý thức hệ hiện đại và một lần nữa, ngài xin lỗi vì những Kitô hữu đã góp phần vào việc thuộc địa hoá Châu Phi và Châu Mỹ.

Người dân bản địa Colombia

Người dân bản địa Colombia  (AFP or licensors)

Hội thảo có chủ đề “Thực dân hoá, Phi thực dân hoá và Chủ nghĩa thực dân mới theo Quan điểm Công lý và Công ích”, được tổ chức từ ngày 30 đến 31/3/2023, bởi Hàn Lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội, Uỷ ban các thẩm phán Liên Mỹ châu về các Quyền Xã hội và Học thuyết Phanxicô và Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ.

Các tham dự viên đã suy tư về di sản của hệ thống thuộc địa ở Châu Phi và Châu Mỹ, tập trung vào sự bất bình đẳng và bất công xã hội toàn cầu ngày nay, sự phát triển không bền vững, biến đổi khí hậu không được kiểm soát và di cư hàng loạt, đồng thời thảo luận về vai trò của các thể chế và hệ thống tư pháp trong việc đảo ngược những diễn biến này.

Ngỏ lời với các tham dự viên, Đức Thánh Cha nói rằng “không một thế lực nào – chính trị, kinh tế, ý thức hệ – được quyền đơn phương xác định bản sắc của một quốc gia hay một nhóm xã hội”. Ngài nhấn mạnh: “Việc khuất phục và cướp bóc các dân tộc thông qua việc sử dụng vũ lực hoặc xâm nhập văn hoá và chính trị là một tội ác (…) bởi vì không có cơ hội nào cho hoà bình trong một thế giới loại bỏ các dân tộc và áp bức để cướp bóc.”

Chủ nghĩa thực dân được nguỵ trang

Mặc dù trong thế kỷ 21, chúng ta không còn có thể nói một cách chính xác về các quốc gia “thuộc địa” theo quan điểm địa lý, nhưng Đức Thánh Cha nhận xét rằng chủ nghĩa thực dân đã thay đổi về hình thức, phương thức và lý do biện minh: “nó được ảo hoá, nguỵ trang, giấu giếm, và do đó rất khó phát hiện và vô hiệu hoá nó”.

Đức Thánh Cha nêu ví dụ về Cộng hoà Dân chủ Congo, nơi mà ngài đã viếng thăm vào đầu năm nay. Ngài lưu ý rằng mặc dù nước này đã độc lập hơn 70 năm, nhưng các nguồn tài nguyên phong phú của nó vẫn tiếp tục bị một số bên liên quan khai thác và tranh chấp, dẫn đến xung đột ảnh hưởng nặng nề đến lãnh thổ, dân số và lợi ích chung.

“Chủ nghĩa thực dân ý thức hệ”

Ngài nói tiếp về hiện tượng “chủ nghĩa thực dân ý thức hệ”, thứ “bóp nghẹt mối liên kết tự nhiên giữa các dân tộc và các giá trị của họ, bằng cách cố gắng xoá bỏ truyền thống, lịch sử và niềm tin tôn giáo của họ”.

Bao gồm người bản địa

Sau khi nhắc lại vai trò quan trọng của các học giả và nghiên cứu khoa học trong việc nâng cao nhận thức về cuộc chiến chống lại các thực hành thực dân kiểu mới, phân biệt chủng tộc và ly khai, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc bao gồm cả người bản địa và các nhóm dân tộc di cư trong quá trình ra quyết định chính trị ở quốc gia của họ, bằng cách trao cho họ quyền đại diện công bằng trong các cơ quan đại diện. “Sẽ không có hoà bình nếu, trong các hệ thống chính trị đại diện, không có sự hội nhập thực sự của các dân tộc bị loại trừ.”

Xin lỗi vì hành động của một số Kitô hữu

Một lần nữa Đức Thánh Cha xin lỗi “về hành động của một số Kitô hữu, những người trong quá khứ” đã góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quá trình thống trị chính trị và lãnh thổ của các dân tộc khác nhau ở Châu Mỹ và Châu Phi.

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-04/dtc-phanxico-chu-nghia-thuc-dan-moi-toi-ac-de-doa-hoa-binh.html