24/12/2024

Đức Thánh Cha: Phẩm giá nội tại của con người là tiêu chí đánh giá công nghệ mới

Đức Thánh Cha: Phẩm giá nội tại của con người là tiêu chí đánh giá công nghệ mới

Sáng thứ Hai 27/3, trong buổi tiếp kiến các chuyên gia công nghệ, các nhà khoa học, luật gia, triết gia và các đại diện Giáo hội tham dự cuộc gặp gỡ thường niên Minerva Dialogues, do Bộ Văn hoá và Giáo dục Toà Thánh tổ chức, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng trong các cuộc thảo luận phải làm sao để phẩm giá nội tại của mỗi người nam và người nữ trở thành tiêu chí chính trong sự đánh giá các công nghệ mới nổi.

Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên

Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên  (Vatican Media)

Đức Thánh Cha khẳng định công nghệ và trí tuệ nhân tạo đem lại rất nhiều ích lợi cho nhân loại. Tuy nhiên, tiềm năng này thực sự đem lại lợi ích nếu những người đang làm việc phát triển công nghệ cùng hoạt động có đạo đức và trách nhiệm, đặt con người ở trung tâm.

Ở điểm này, một mặt Đức Thánh Cha khen ngợi hiện nay có sự đồng thuận trong các quy trình phát triển tôn trọng các giá trị như tính toàn diện, minh bạch, an ninh, công bằng, bảo mật và đáng tin cậy; cũng như nỗ lực của các tổ chức trong việc điều chỉnh các công nghệ, để thúc đẩy một sự tiến bộ đích thực, nghĩa là góp phần vì một thế giới tốt đẹp và một cuộc sống chất lượng hơn. Nhưng mặt khác, Đức Thánh Cha nhận xét “phát triển công nghệ đã không đi cùng với sự phát triển con người về trách nhiệm, các giá trị và lương tâm”. Hơn nữa, thế giới ngày nay được đặc trưng bởi rất nhiều hệ thống chính trị, văn hoá, truyền thống, quan niệm triết học và đạo đức cũng như niềm tin tôn giáo. Các cuộc thảo luận ngày càng trở nên phân cực và không có sự tin tưởng và tầm nhìn chung về những gì làm cho cuộc sống trở nên xứng đáng, các cuộc tranh luận công khai có nguy cơ trở thành bút chiến và không đi đến kết luận.

Sau khi khẳng định rằng chỉ có cuộc đối thoại toàn diện, trong đó mọi người cùng tìm kiếm sự thật mới có thể đem lại một sự đồng thuận thực sự, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người trong các cuộc thảo luận, làm sao để nhân phẩm nội tại của mỗi người nam và người nữ trở thành tiêu chí chính trong sự đánh giá các công nghệ mới nổi.

Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha còn bày tỏ lo ngại các công nghệ kỹ thuật số đang góp phần làm gia tăng bất bình đẳng trên toàn thế giới. Điều này không chỉ thể hiện ở sự khác biệt về của cải vật chất, nhưng cả khả năng tiếp cận ảnh hưởng chính trị và xã hội. Ngài đặt câu hỏi: “Các tổ chức quốc gia và quốc tế có khả năng buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm về tác động xã hội và văn hoá đối với các sản phẩm của họ không? Liệu nguy cơ gia tăng bất bình đẳng có thể làm thiệt hại ý thức liên đới con người và xã hội của chúng ta không? Chúng ta có thể đánh mất ý thức về vận mệnh chung không? Thực tế, mục tiêu của chúng ta là sự phát triển đổi mới khoa học và công nghệ đi cùng với bình đẳng hơn và hoà nhập xã hội.”

Nhấn mạnh đến khái niệm nhân phẩm nội tại, Đức Thánh Cha nói giá trị cơ bản của một người không thể được đo lường bằng một tập hợp các dữ liệu. Trong các quy trình đưa ra các quyết định xã hội và kinh tế, phải thận trọng để không giao phó các phán quyết cho các thuật toán xử lý dữ liệu cung cấp. Bởi vì dữ liệu này có thể bị ô nhiễm bởi định kiến xã hội, ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của con người.

Đức Thánh Cha kết thúc, tái khẳng định rằng chỉ những hình thức đối thoại thực sự bao gồm tất cả mọi người mới có thể giúp nhận thức một cách khôn ngoan cách đặt trí tuệ nhân tạo và công nghệ kỹ thuật số để phục vụ gia đình nhân loại.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-03/dtc-pham-gia-noi-tai-tieu-chi-cong-nghe-moi.html