31/10/2024

Tiếp kiến chung thứ Tư 22/03/2023: Cách thế đầu tiên để loan báo Tin Mừng là làm chứng tá

Tiếp kiến chung thứ Tư 22/03/2023: Cách thế đầu tiên để loan báo Tin Mừng là làm chứng tá

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 22/3/2023, nhắc lại Tông huấn Evangelii Nuntiandi – Loan báo Tin Mừng – của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Đức Thánh Cha nói với các tín hữu rằng “Cách thế đầu tiên để loan báo Tin Mừng là làm chứng tá”, bởi vì “con người ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy”.

“Chứng tá là cách thế đầu tiên để loan báo Tin Mừng” là tựa đề của bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 22/3/2023. Đây là bài giáo lý thứ 8 trong loạt bài giáo lý về chủ đề “Lòng say mê loan báo Tin Mừng. Lòng nhiệt thành Tông đồ”.

Trong bài giáo lý này, Đức Thánh Cha cùng các tín hữu suy tư về Tông huấn Evangelii Nuntiandi – Loan báo Tin Mừng – của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, nói về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Thánh Phaolô VI trong Tông huấn, loan báo Tin Mừng không chỉ đơn thuần là truyền đạt nội dung giáo lý và luân lý, mà trên hết là làm chứng cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Điều này rất quan trọng, bởi vì người ta cần những chứng nhân, nghĩa là những con người liên kết chặt chẽ giữa điều họ tin và điều họ sống, giữa đức tin họ tuyên xưng và những việc họ thực hiện. Vì lý do này, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng, nơi tất cả những người đã được rửa tội, về một đức tin sống động vào Thiên Chúa Ba Ngôi, được thể hiện trong một đời sống thánh thiện hoàn toàn phù hợp với sứ điệp mà chúng ta công bố. Đời sống thánh thiện, dựa trên hồng ân Chúa Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích rửa tội, là nguồn gốc lòng nhiệt thành của chúng ta để chia sẻ với người khác kho tàng sự sống mới và niềm hy vọng vốn là của chúng ta.

Đức Thánh Cha cũng lưu ý đến một điểm khác được Thánh Phaolô VI nhấn mạnh trong Tông huấn, đó là đối tượng của việc loan báo Tin Mừng không chỉ là những người ở bên ngoài Giáo hội; bởi vì họ theo một tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào, mà cả chính chúng ta, những người thuộc Dân Chúa. Điều này có nghĩa là chính Giáo hội, để có thể loan báo Tin Mừng, cần phải được loan báo Tin Mừng, và vì thế Giáo hội được kêu gọi không ngừng hoán cải và đổi mới nội tâm trong Thần Khí. Một Giáo hội loan báo Tin Mừng là hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, nguồn ơn cứu độ của chúng ta, đồng thời, hoàn toàn tham gia vào một cuộc đối thoại sáng tạo với thế giới, hợp tác với kế hoạch đầy ân sủng của Thiên Chúa vì sự hiệp nhất và hòa bình của gia đình nhân loại chúng ta.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta lắng nghe “magna carta” – đại hiến chương – của việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện nay: Tông huấn Evangelii nuntiandi – Loan báo Tin Mừng – của Thánh Phaolô VI (EN, 8/12/1975). Tông huấn rất hợp thời, được viết năm 1975 nhưng giống như mới được viết hôm qua.

“Con người ngày nay sẵn sàng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy”

Loan báo Tin Mừng không chỉ là việc đơn thuần truyền bá giáo lý và luân lý. Trước hết và trên hết, đó là chứng tá; chúng ta không thể loan báo Tin Mừng nếu không làm chứng tá cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, nơi ơn cứu độ đã được thực hiện. Một chứng tá không thể thiếu bởi vì, trên hết, thế giới cần “những người rao giảng Tin Mừng nói với thế giới về một Thiên Chúa mà họ biết và là Đấng quen thuộc với họ” (EN, 76). Đây không phải là rao truyền một ý thức hệ hay một giáo lý về Thiên Chúa. Đó là rao truyền về Thiên Chúa Đấng sống trong chúng ta. Hơn nữa, “con người ngày nay sẵn sàng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy”. […] Do đó, chứng tá của Chúa Kitô đồng thời là phương thế đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng (x. sđd.) và là điều kiện cốt yếu để nó có hiệu quả (x. sđd. 76), để việc loan báo Tin Mừng được có kết quả.

Một người đáng tin cậy nếu sống hài hòa giữa điều họ tin và điều họ sống

Cần nhớ rằng chứng tá cũng bao gồm đức tin được tuyên xưng, tức là sự gắn bó cách xác tín và rõ ràng với Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc chúng ta vì tình yêu. Một đức tin biến đổi chúng ta, biến đổi các mối quan hệ của chúng ta, những tiêu chí và giá trị quyết định sự lựa chọn của chúng ta. Do đó, chứng tá không thể bỏ qua sự gắn kết giữa điều bạn tin và điều bạn công bố và những gì bạn sống. Sự đáng tin không chỉ đến từ việc nói một học thuyết hay một hệ tư tưởng. Không. Một người đáng tin cậy nếu sống hài hoà giữa điều người này tin và điều người này sống. Nhiều Kitô hữu chỉ nói rằng họ tin, nhưng họ lại sống theo cách khác, như thể họ không tin. Và đây là đạo đức giả. Trái ngược với chứng tá là đạo đức giả. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe nói “à, người này đi lễ mỗi Chúa Nhật, rồi sống như thế này, thế này, thế này”: sự thật đó là phản chứng.

3 câu hỏi: Tin, sống và rao giảng

Mỗi người chúng ta được mời gọi trả lời ba câu hỏi cơ bản, như Đức Phaolô VI đã đặt ra: “Bạn có tin điều bạn rao giảng không? Bạn có sống theo những gì bạn tin không? Bạn có loan báo những gì bạn sống không? (xem sđd.) Có một sự hài hoà: bạn có tin những gì bạn loan báo không? Bạn có sống theo những gì bạn tin không? Bạn có loan báo những gì bạn sống? Chúng ta không thể hài lòng với những câu trả lời dễ dàng, được chuẩn bị sẵn. Chúng ta được kêu gọi chấp nhận sự rủi ro, thậm chí mất ổn định khi tìm hiểu, hoàn toàn tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong mỗi người chúng ta, thúc giục chúng ta luôn tiến xa hơn: vượt ra ngoài những biên giới của chúng ta, vượt qua các rào cản, vượt ra ngoài những giới hạn của chúng ta, dưới bất kỳ hình thức nào.

Chứng tá của đời sống Kitô hữu bao hàm một hành trình nên thánh

Theo nghĩa này, chứng tá của một đời sống Kitô hữu bao hàm một hành trình nên thánh, dựa trên Bí tích Rửa Tội, điều giúp chúng ta được “thông phần vào bản tính Thiên Chúa, và do đó trở nên thánh thiện (Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 40). Và sự thánh thiện không dành cho số ít; đó là quà tặng của Thiên Chúa và cần phải được đón nhận và làm cho sinh hoa trái cho chúng ta và cho người khác. Chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương, chúng ta phải mang tình yêu này cho người khác. Đức Phaolô VI dạy rằng lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng bắt nguồn từ sự thánh thiện. Được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và nhất là bằng tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể, việc rao giảng Tin Mừng lại làm cho những người thực hiện nó lớn lên trong sự thánh thiện (x. EN, 76). Đồng thời, nếu không có sự thánh thiện thì lời của người loan báo Tin Mừng “sẽ khó đi vào lòng con người thời đại chúng ta”, nhưng “có nguy cơ trở nên hão huyền và vô ích” (ibid.).

Chính Giáo hội cũng cần được loan báo Tin Mừng

Vì vậy, chúng ta phải ý thức rằng đối tượng của việc loan báo Tin Mừng không chỉ là những người khác, những người tuyên xưng đức tin khác hoặc những người không theo tôn giáo nào, mà còn là chính chúng ta, những người tin vào Chúa Kitô và là thành viên tích cực của Dân Chúa. Và chúng ta phải hoán cải mỗi ngày, đón nhận lời Chúa và thay đổi cuộc sống của chúng ta: mỗi ngày. Và đây là cách rao giảng Tin Mừng bằng tâm hồn. Để làm chứng tá, Giáo hội cũng phải bắt đầu “bằng việc rao giảng Tin Mừng”. Nếu Giáo hội không được rao giảng Tin Mừng, thì Giáo hội vẫn là một tác phẩm của viện bảo tàng. Giáo hội “cần liên tục lắng nghe những gì Giáo hội phải tin, những lý do của niềm trông cậy của mình, điều răn mới của tình yêu. Giáo hội là Dân Chúa hoà mình trong thế gian, và thường bị thần tượng cám dỗ, và luôn cần được nghe công bố những công việc của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là Giáo hội luôn cần được loan báo Tin Mừng, cần cầm lấy sách Tin Mừng, cầu nguyện và cảm nhận sức mạnh của Thánh Thần, Đấng biến đổi tâm hồn” (EN, 15).

Một Giáo hội luôn hoán cải và canh tân

Một Giáo hội tự loan báo Tin Mừng để rao giảng Tin Mừng là một Giáo hội, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, được kêu gọi đi theo con đường rất đòi hỏi, liên tục hoán cải và đổi mới. Điều này cũng liên quan đến khả năng thay đổi cách hiểu và sống sự hiện diện rao giảng Tin Mừng của Giáo hội trong lịch sử, bằng cách tránh ẩn náu trong những lĩnh vực được bảo vệ bởi luận lý “mọi việc luôn luôn là như thế”. Đó là những nơi trú ẩn khiến Giáo hội trở nên đau yếu. Giáo hội phải tiến lên, phải liên tục phát triển, để Giáo hội luôn trẻ trung. Giáo hội này hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, do đó tham gia vào kế hoạch cứu độ nhân loại của Người, đồng thời, hoàn toàn hướng về nhân loại. Đó là một Giáo hội gặp gỡ thế giới đương đại theo cách đối thoại, dệt nên những mối quan hệ huynh đệ, tạo ra những không gian gặp gỡ, thực hành những cử chỉ tốt về lòng hiếu khách, chào đón, công nhận và hội nhập người khác với những khác biệt, và chăm sóc ngôi nhà chung, là thụ tạo. Đó là một Giáo hội đối thoại với thế giới đương đại, nhưng gặp gỡ Chúa mỗi ngày và đối thoại với Chúa, và để Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của công cuộc truyền bá Tin Mừng. Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta chỉ có thể quảng bá Giáo hội, chứ không thể loan báo Tin Mừng. Chính Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta thúc đẩy chúng ta hướng tới việc rao giảng Tin Mừng và đây là sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa.

Đọc Tông huấn Evangelii Nuntiandi

Anh chị em thân mến, tôi lập lại lời mời anh chị em đọc hoặc đọc lại tài liệu Evangelii Nuntiandi. Tôi nói thật với anh chị em, tôi thường xuyên đọc tài liệu này, bởi vì đó là kiệt tác của Thánh Phaolô VI, là di sản ngài để lại cho chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng. Cảm ơn anh chị em.

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-03/tiep-kien-chung-22-03-2023.html