Kinh Truyền Tin 19/03: Cần ngạc nhiên và thay đổi cách nhìn
Kinh Truyền Tin 19/03: Cần ngạc nhiên và thay đổi cách nhìn
Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu phục hồi thị giác cho một người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9,1-41). Nhưng điều kỳ diệu này không được nhiều người và nhiều nhóm đón nhận. Chúng ta cùng xem cách cụ thể.
Nhưng trước tiên, tôi muốn nói với anh chị em: hôm nay, hãy lấy Phúc Âm theo Thánh Gioan và anh chị em đọc phép lạ này của Chúa Giêsu. Cách kể của Thánh Gioan thật hay. Chương 9, chỉ mất hai phút để đọc. Thánh Gioan cho thấy cách Chúa Giêsu hành xử và cách trái tim con người hành xử: trái tim con người tốt lành, trái tim con người lạnh nhạt, trái tim con người sợ hãi, trái tim con người can đảm. Chương 9 của Tin Mừng Gioan, hãy đọc ngay hôm nay, nó sẽ giúp ích cho anh chị em rất nhiều. Và con người chào đón dấu hiệu này như thế nào?
Trước hết là các môn đệ của Chúa Giêsu, những người khi đối diện với người mù bẩm sinh đã tự hỏi liệu có phải là lỗi của cha mẹ anh hay của chính anh (x. câu 2). Họ đang tìm kiếm thủ phạm và cả chúng ta cũng vậy; người ta dễ chịu khi đi tìm kiếm thủ phạm, thay vì đặt ra những câu hỏi mang tính dấn thân trong cuộc sống. Như hôm nay chúng ta có thể nói: sự hiện diện của người này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, anh ấy yêu cầu chúng ta điều gì? Rồi sau việc chữa lành, các phản ứng càng tăng thêm. Đầu tiên là của những người láng giềng, họ hoài nghi: “Người này xưa giờ bị mù: không thể nào bây giờ lại thấy được, không thể nào là anh được, có lẽ là người khác. Người ta hoài nghi!” (xem cc. 8-9). Đối với họ, điều đó là không thể chấp nhận được, thà để mọi thứ như cũ (x. câu 16) và không xem đó là vấn đề. Họ sợ hãi, sợ hãi giới chức tôn giáo và không dám nói ra (x. cc. 18-21). Trong tất cả những phản ứng này, xuất hiện những trái tim đóng lại trước dấu chỉ của Chúa Giêsu, vì những lý do khác nhau: vì họ đang tìm kiếm thủ phạm, vì họ không biết cách ngạc nhiên, vì họ không muốn thay đổi, vì họ kẹt trong nỗi sợ hãi. Và ngày nay cũng xảy ra nhiều tình huống tương tự. Khi đối diện với một điều gì đó là sứ điệp chứng tá của một người, là sứ điệp của Chúa Giêsu, chúng ta rơi vào tình trạng này: chúng ta tìm kiếm một lời giải thích khác, chúng ta không muốn thay đổi, chúng ta tìm kiếm một lối thoát nhẹ nhàng hơn là chấp nhận sự thật.
Người duy nhất phản ứng tốt là anh mù: anh vui mừng vì được thấy, anh làm chứng về điều đã xảy ra với mình một cách đơn giản nhất: “Trước đây tôi mù mà nay tôi thấy được” (c. 25). Anh nói sự thật. Trước đây, anh phải đi ăn xin và chịu đựng những định kiến của người đời: “anh nghèo lại mù từ lúc mới sinh, anh đã đau khổ, phải đền tội cho mình hay cho tổ tiên”. Giờ đây, được tự do về thể xác và cả tinh thần, anh ta làm chứng cho Chúa Giêsu: anh ta không bịa ra điều gì và không giấu giếm điều gì. Anh ta không sợ những gì người khác sẽ nói: anh đã nếm được vị cay đắng của việc bị gạt ra bên lề trong suốt cuộc đời mình, anh đã cảm nhận được sự thờ ơ và khinh miệt của những người qua đường, của những người coi anh là đồ phế thải của xã hội, cùng lắm là có ích cho lòng thương cảm bố thí. Giờ đây, được lành bệnh, anh không còn sợ những thái độ khinh miệt đó nữa, vì Chúa Giêsu đã cho anh đầy đủ phẩm giá. Đây là điều rõ ràng, luôn là như vậy: Khi Chúa Giêsu chữa lành chúng ta, Chúa ban lại phẩm giá cho chúng ta, phẩm giá xuất phát từ sâu thẳm trái tim của Chúa Giêsu. Trong ngày Sabát, trước mặt mọi người, Người đã trả tự do cho anh và cho anh được sáng mắt mà không yêu cầu anh bất cứ điều gì, thậm chí cả lời cảm ơn. Anh mù đã làm chứng về điều đó. Đây là phẩm giá của một con người cao quý, của một người biết mình được chữa lành và khỏi bệnh, được tái sinh.
Anh chị em thân mến, với tất cả những nhân vật này, bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt chúng ta vào giữa khung cảnh này, để chúng ta tự hỏi: chúng ta đứng ở đâu, chúng ta sẽ nói gì khi đó? Và trên hết, hôm nay chúng ta đang làm gì? Giống như người mù, chúng ta có thể nhìn thấy điều tốt và biết ơn những món quà chúng ta nhận được không? Chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu hay gieo rắc sự chỉ trích và nghi ngờ? Chúng ta có tự do khi đối diện với những định kiến hay chúng ta hùa theo những người gieo rắc tiêu cực và ngồi lê đôi mách? Liệu chúng ta có vui mừng nói rằng Chúa Giê-su yêu thương và cứu rỗi chúng ta, hay giống như cha mẹ của người mù bẩm sinh, chúng ta để mình bị nhốt trong lồng sợ hãi về những gì người ta sẽ nghĩ? Và một lần nữa, chúng ta đón nhận những khó khăn và đau khổ của người khác như thế nào? Xem họ như những lời nguyền hay như những dịp để gần gũi họ bằng tình yêu thương?
Chúng ta hãy xin ơn biết ngạc nhiên trước những quà tặng của Thiên Chúa mỗi ngày và nhìn thấy những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, ngay cả những hoàn cảnh khó chấp nhận nhất, như những cơ hội để làm điều thiện, như Chúa Giêsu đã làm với người mù. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta trong việc này, cùng với Thánh Giuse, một người công chính và trung tín.
—
Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC chia buồn và cầu nguyện cho các nạn nhân trong trận động đất hôm qua tại Ecuador.
Trong lời chào cuối, Đức Thánh Cha chúc mừng những người cha trong ngày lễ kính Thánh Giuse. Ngài đã mời gọi mọi người cùng đọc một Kinh lạy Cha để cầu nguyện cho những người cha.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-03/kinh-truyen-tin-can-ngac-nhien-va-thay-doi-cach-nhin.html