Thư Tư lễ Tro 2023: Đất bụi

Thư Tư lễ Tro 2023

Đất bụi

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta bước vào Mùa Chay với nghi thức xức tro. Tro đốt từ những lá đã được làm phép từ năm trước với ý nghĩa tượng trưng cho vật chất bị huỷ hoại thành bụi đất và Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: “Con là bụi đất, sẽ trở về bụi đất”. Điều nhắc nhở này mời gọi ta nhìn ra sự thật của đời người để tin tưởng hơn vào tình yêu và quyền năng Chúa, chứ không phải tạo nên thái độ bi quan yếm thế như một số người trong chúng ta lầm thưởng.

1. Thân cát bụi và cuộc tiến hoá của vật chất

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát Cát Bụi có thể đã mượn ý của câu Kinh Thánh: “Con người là bụi đất, sẽ trở về bụi đất” (x. St 3,19) để sáng tác những dòng nhạc tuyệt vời. Ông kể cho chúng ta nghe một sự thật của đời người, dù nó có vẻ bi quan, vì sống “trăm năm rồi cũng sẽ vào chết một ngày”. Nhiều người còn bi quan hơn vì thấy rằng cái chết đó cũng giống như con chó, con mèo, cành cây, nhánh cỏ. Tất cả đều tan thành bụi đất.

Tuy nhiên, khi xức tro trên trán chúng ta, Giáo Hội không muốn ta bi quan. Nhắc nhở ta là bụi đất và trở về với đất bụi là muốn nói đến một cuộc biến đổi kỳ diệu, vì bụi đất ấy đã được Ngôi Lời Thiên Chúa đón nhận trong mầu nhiệm làm người của mình. Bụi đất của xác thân ấy lại được Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Giêsu biến đổi qua cái chết và sự sống lại của Người, không phải chỉ thành con người vĩnh hằng, mà thành Con Thiên Chúa giống như Người. Đó là tất cả niềm hy vọng, niềm vui và bình an cho ta.

Nhưng khối bụi đất của ta vô cùng kỳ diệu dưới mắt các nhà khoa học. Đến tháng 11 năm 2016, Liên minh Hoá học Ứng dụng và Tinh khiết Quốc tế đã công nhận tổng số 118 nguyên tố. 94 nguyên tố đầu tiên xuất hiện tự nhiên trên trái đất, và 24 nguyên tố còn lại là các nguyên tố tổng hợp được tạo ra trong các phản ứng hạt nhân. Trong tự nhiên có 94 nguyên tố hóa học, nhưng thành phần chính của cơ thể người chỉ có 10 nguyên tố, trong đó C-H-O-N chiếm tới 96%. Đấy là khối bụi đất trong cơ thể chúng ta.

Nhiều bạn trẻ hiện nay được giảng dạy rằng nguồn gốc con người và vạn vật tự nhiên mà có vì do vật chất tiến hoá ngẫu nhiên mà thành theo giả thuyết khoa học của Darwin (1809-1883). Họ không biết rằng giả thuyết này hoàn toàn sai lầm và vô lý trước những khám phá mới đây về con người. Năm 2005, các nhà khoa học đã phân tích được cấu trúc của bộ gen người gồm khoảng 3 tỉ base của ADN chứa trong nhân của một tế bào nhỏ xíu. Ba tỉ yếu tố này phải sắp đặt theo đúng cấu trúc thì mới thành con người, nếu không, chúng sẽ thành quả dưa chuột, vì giống con người đến 1,5 tỉ base, hay thành con muỗi, hay con tinh tinh giống con người đến 90%. Nhưng cho đến nay sau cả trăm triệu năm, chưa có con khỉ hay con tinh tinh nào hoá thành người. Một cây viết chỉ có 4,5 yếu tố cũng cần phải có người làm ra và sắp đặt theo một trật tự nhất định, chứ không thể tự mình ngẫu nhiên biến đổi thành cây bút viết được, huống chi là con người.

2. Các giá trị tinh thần và cuộc biến đổi kỳ diệu nhờ Chúa Giêsu Kitô

Các nhà khoa học khám phá ra nhiều điều kỳ diệu: đó là trong khối thân thể bụi đất ấy đang có sự sống, có tư tưởng, có tình yêu và biết bao giá trị của tinh thần như tự do, hạnh phúc, chân thiện mỹ… Nhưng cho đến nay, dù với những máy móc hiện đại nhất, người ta thấy khối đất bụi ấy chỉ là các nguyên tố đơn giản vận hành và biến đổi không ngừng như cacbon, hydro, oxy, nitơ, sắt, đồng, chì, kẽm. Khoa học không thấy, không đo, không đếm được sự sống, tư tưởng, tình yêu, hạnh phúc, nềm vui, tự do…cũng không xác định được chúng ở đâu trong thân xác con người, còn nói chi đến việc giải thích hay làm chủ chúng.

Muốn cảm nhận và hiểu được những giá trị đó, chúng ta phải vượt ra ngoài bụi đất để thấy một Thiên Chúa là nguồn của sự sống, tình yêu, tư tưởng và mọi giá trị hiện hữu. Chính Ngài đã ban cho khối bụi đất này được biết yêu như Ngài, sống như Ngài, suy nghĩ như Ngài. Cho nên con người là hình ảnh của Thiên Chúa mà bụi đất nhắc nhở cho ta điều đó.

Hôm nay khi xức tro trên đầu, chúng ta không phải chỉ nhìn vào bụi đất mà nên tìm về nguồn hiện hữu của mình, nhìn vào Đấng Tạo Hoá đã dựng nên ta, Đấng đã ban cho ta tất cả những ân phúc lớn lao đó. Hơn nữa, Đấng ấy còn muốn cứu độ chúng ta khi sai Ngôi Lời Thiên Chúa, Con của Ngài, mang thân đất bụi như chúng ta để biến ta từ bụi đất trở thành Thiên Chúa như Người. Đó là cuộc tiến hoá thần linh mà mỗi người chúng ta đều có thể thực hiện với Đức Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua của đời mình.

Lời kết

Hôm nay Giáo Hội nhắc lại cho ta sự thật đó, để ta càng ngày càng yêu mến Chúa hơn, gắn bó với Đức Giêsu hơn, khi bước vào Mùa Chay với những việc ăn chay, cầu nguyện, bác ái như Người dạy (x. Mt 6,1-6.16-18). Chúng ta sẽ làm cho khối bụi đất này ngày càng biến đổi để đến một lúc nào đó ta cảm nghiệm được tình yêu, quyền năng, ân sủng của Thiên Chúa trong con người tầm thường tội lỗi của mình và ta mới thấy rằng bụi đất như ta thật sự đã hoá thành Thiên Chúa. Amen.

HKK