18/11/2024

Thứ Năm 16.02.2023
Tình Thân Với Chúa Giêsu

Chúng ta hời hợt nên dễ bị cám dỗ bởi ánh hào quang bên ngoài, chứ không sâu sắc đủ để đi vào thực tại huyền nhiệm bên trong, nghĩa là dừng lại ở kiến thức bề nổi mà thiếu mối liên kết chiều sâu nội tâm với Thiên Chúa.

Thứ Năm Tuần VI – Mùa Thường Niên

St 9,1-13 • Tv 101,16-18.19-21.29 và 22-23 (Đ. c.20b) • Mc 8,27-33

 

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 17 tháng hai 2022 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mác-cô

27 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” 28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” 29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Tình Thân Với Chúa Giêsu

Câu hỏi “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” cho thấy Chúa Giêsu rất quan tâm tới mối tương quan nghĩa thiết với các tông đồ. Mệnh đề “Thiên Chúa là ai” xem ra không quan trọng, mà phải là “Thiên Chúa là ai với mỗi chúng ta?”

Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Điều này chỉ được biểu lộ qua cách mà mỗi cá nhân liên lạc với Chúa, hiện diện bên Người, nói chuyện và lắng nghe Người. Do vậy, cho dù ai đó đọc rất nhiều sách vở, có rất nhiều kiến thức thần học, nói rất hay về Chúa, và chỉ như thế mà thôi thì chẳng ích gì cho đời sống thiêng liêng. Điều tiên quyết để trở thành môn đệ Chúa Giêsu hệ tại ở mối tương quan liên vị cách riêng tư với Chúa. Chính ở trong tình yêu như thế mà “ta là ai?” hay “Chúa là ai?” mới là đáng kể. 

Chúng ta hời hợt nên dễ bị cám dỗ bởi ánh hào quang bên ngoài, chứ không sâu sắc đủ để đi vào thực tại huyền nhiệm bên trong, nghĩa là dừng lại ở kiến thức bề nổi mà thiếu mối liên kết chiều sâu nội tâm với Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con biết cách tránh các cám dỗ là chỉ thích nghe những bài giảng hay, thích có những tư tưởng mới lạ về Chúa, nhưng lại không muốn ở bên Chúa để vui hưởng tình thân với Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Sống Lời Chúa: Đặt lại mối tương quan của bản thân với Thiên Chúa.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam