24/12/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Niềm Đam Mê Rao Giảng Tin Mừng, nhiệt thành tông đồ – 3. Chúa Giêsu thầy dạy công bố

Vì thế, mỗi khi nói về Chúa Giêsu, chúng ta nên lặp lại lời loan báo đầu tiên về Người này. Vì vậy, hãy xem lời loan báo đầu tiên này bao gồm những gì. Năm yếu tố thiết yếu có thể được nhận diện.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Thánh đường Phaolô VI
Thứ Tư, 25 tháng 1 năm 2023

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Niềm Đam Mê Rao Giảng Tin Mừng –
Lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu.

Bài 3. Chúa Giêsu thầy dạy công bố (Lc 4,17-21)

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã suy tư về Chúa Giêsu như mẫu mực của việc công bố, về trái tim mục tử của Người luôn vươn tới những người khác. Hôm nay chúng ta nhìn Người như thầy dạy việc công bố. Chúng ta hãy để cho chúng ta được hướng dẫn bởi tình tiết Người rao giảng trong hội đường của làng Người, làng Nadarét. Chúa Giêsu đọc một đoạn sách của ngôn sứ Isaia (x. 61,1-2) rồi làm mọi người ngạc nhiên với một “bài giảng” rất ngắn, gồm một câu, một câu duy nhất. Và Người nói thế này: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà anh em vừa nghe” (Lc 4,21). Đây là bài giảng của Chúa Giêsu: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh mà anh em vừa nghe”. Điều này có nghĩa là đối với Chúa Giêsu, đoạn văn tiên tri đó chứa đựng điều cốt yếu của những gì Người muốn nói về chính Người. Vì thế, mỗi khi nói về Chúa Giêsu, chúng ta nên lặp lại lời loan báo đầu tiên về Người này. Vì vậy, hãy xem lời loan báo đầu tiên này bao gồm những gì. Năm yếu tố thiết yếu có thể được nhận diện.

Yếu tố đầu tiên là niềm vui. Chúa Giêsu công bố: «Thần Khí Chúa ngự trên tôi; […] Người sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó” (c. 18), tức là loan báo một niềm hân hoan, một niềm vui. Tin mừng: chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm vui, vì đức tin là một câu chuyện về tình yêu được chia sẻ. Làm chứng cho Chúa Giêsu, làm điều gì đó cho người khác nhân danh Người, là nói giữa dòng đời rằng anh chị em đã nhận được một món quà tuyệt vời mà không lời nào có thể diễn tả được. Thay vào đó, khi thiếu niềm vui, Tin Mừng không tới, bởi vì nó – chính từ ngữ nói lên điều đó – nó là một tin vui, và Tin Mừng có nghĩa là một tin tốt lành, một tin vui. Một Kitô hữu buồn bã có thể nói về những điều đẹp đẽ, nhưng tất cả đều vô ích nếu tin tức do họ loan đi không vui tươi. Một nhà tư tưởng đã nói: “một Kitô hữu buồn là một Kitô hữu buồn”: anh chị em đừng quên điều này.

Chúng ta bàn đến khía cạnh thứ hai: giải thoát. Chúa Giêsu nói rằng Người được sai đến “để loan báo việc giải thoát tù nhân” (ibid.). Điều này có nghĩa là bất cứ ai công bố Thiên Chúa, thì không thể cải đạo, không, họ không thể gây áp lực cho người khác, nhưng soi sáng họ: không áp đặt gánh nặng, nhưng cất gánh nặng cho họ; mang lại sự bình an, không mang lại mặc cảm tội lỗi. Dĩ nhiên, theo Chúa Giêsu liên quan đến khổ hạnh, nó liên quan đến hy sinh; mặt khác, nếu mọi thứ đẹp đẽ đều đòi hỏi những điều này, thì thực tế cuộc sống càng đòi hỏi biết bao! Nhưng ai làm chứng cho Đức Kitô thì cho thấy vẻ đẹp của đích đến hơn là sự mệt mỏi của cuộc hành trình. Chúng ta có khi kể cho ai đó về một chuyến đi thú vị mà chúng ta vừa thực hiện. Thí dụ, chúng ta nói về vẻ đẹp của các địa điểm, về những gì chúng ta đã thấy và trải nghiệm, chứ không nói về thời gian để đến đó và xếp hàng đợi ở sân bay, không! Vì vậy, mọi loan báo xứng với Đấng Cứu Chuộc phải loan báo sự giải phóng. Giống như của Chúa Giêsu. Hôm nay có niềm vui, vì tôi đến để giải thoát.

Khía cạnh thứ ba: ánh sáng. Chúa Giêsu nói rằng Người đến để “làm cho người mù trông thấy” (ibid.). Điều đáng chú ý là suốt trong toàn bộ Kinh thánh, trước Chúa Kitô, việc chữa lành một người mù chưa bao giờ xuất hiện. Trên thực tế, đó là một dấu hiệu đã được hứa hẹn sẽ đến với Đấng Mêsia. Nhưng ở đây không những chỉ là cái nhìn thể lý mà còn là ánh sáng cho phép anh chị em nhìn cuộc sống một cách mới mẻ. Có một việc “đến với ánh sáng”, một việc tái sinh chỉ xảy ra với Chúa Giêsu. Nếu chúng ta nghĩ về nó, đây là cách cuộc sống Kitô hữu bắt đầu đối với chúng ta: với Bí tích Rửa tội, mà thời xưa được gọi một cách chính xác là “sự soi sáng”. Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta ánh sáng nào? Người mang đến cho chúng ta ánh sáng của quyền làm con cái: Người là Con yêu dấu của Chúa Cha, hằng sống muôn đời; và cùng với Người, chúng ta cũng là con cái của Thiên Chúa được yêu thương mãi mãi, bất chấp những lỗi lầm và khiếm khuyết của chúng ta. Khi đó cuộc sống không còn là một bước tiến mù quáng về phía hư vô, không: đây không phải là vấn đề của số phận hay may mắn. Đây không phải là thứ phụ thuộc vào cơ hội hay các vì sao, hay thậm chí là sức khỏe hay tài chính, không. Cuộc sống tùy thuộc vào tình yêu, vào tình yêu của Chúa Cha, Đấng chăm sóc chúng ta, những người con yêu dấu của Người. Thật tuyệt vời biết bao khi chia sẻ ánh sáng này với những người khác! Anh chị em có nghĩ rằng cuộc sống của mỗi người chúng ta – cuộc sống của tôi, cuộc sống của anh chị em, cuộc sống của chúng ta – là một hành vi tình yêu không? Đó có phải là một lời mời yêu thương không? Đây là điều tuyệt vời! Nhưng chúng ta thường quên điều này, khi đối đầu với những khó khăn, trước những tin xấu, thậm chí khi đối đầu – và điều này thật tồi tệ – tính thế gian, lối sống thế gian.

Khía cạnh thứ tư của lời loan báo: chữa lành. Chúa Giêsu nói rằng Người đến “để trả tự do cho những người bị áp bức” (ibid.). Bị áp bức là người cảm thấy bị đè bẹp trong cuộc sống bởi một điều gì đó xảy ra: bệnh tật, mệt mỏi, gánh nặng trong lòng, mặc cảm tội lỗi, sai lầm, thói hư, tội lỗi… Bị áp bức bởi điều này. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ tới mặc cảm tội lỗi. Có bao nhiêu người trong chúng ta đã phải chịu đựng điều này? Chúng ta hãy nghĩ một chút về mặc cảm tội lỗi vì điều này, điều kia… Điều đè nặng chúng ta, trên hết, chính là sự dữ mà không một loại thuốc hay phương thuốc nào của con người có thể chữa lành: tội lỗi. Và nếu một người có mặc cảm tội lỗi về điều gì đó mà họ đã làm, và điều này cảm thấy khó chịu… Nhưng tin mừng là với Chúa Giêsu, sự dữ cổ xưa này, tội lỗi, dường như bất khả chiến bại, không còn tiếng nói cuối cùng của nó nữa.

Tôi có thể phạm tội vì tôi yếu đuối. Mỗi chúng ta đều có thể phạm tội, nhưng đây không phải là lời cuối cùng. Lời cuối cùng là bàn tay dang rộng của Chúa Giêsu nâng anh chị em lên khỏi tội lỗi. “Nhưng thưa cha, Người làm thế khi nào? Một lần?” Không. “hai lần?” Không. “Ba lần?” Không. Luôn luôn. Bất cứ khi nào anh chị em đau ốm, Chúa luôn giang tay giúp đỡ. Anh chị em chỉ cần nắm lấy và để cho Người dẫn anh chị em đi. Tin vui là với Chúa Giêsu, sự dữ cổ xưa này không còn lời cuối cùng nữa: lời cuối cùng là bàn tay dang rộng của Chúa Giêsu đưa anh chị em tiến về phía trước. Chúa Giêsu luôn chữa lành chúng ta khỏi tội lỗi. Và tôi phải trả bao nhiêu tiền để được chữa bệnh này? Không phải trả gì cả. Người chữa lành cho chúng ta luôn luôn và miễn phí. Người mời gọi những ai “mệt mỏi và bị áp bức” – như Người nói trong Tin Mừng – hãy đến với Người (x. Mt 11,28). Và vì vậy, đồng hành với ai đó đến gặp gỡ Chúa Giêsu là đưa họ đến bác sĩ tim, người nâng cao cuộc sống. Người ta nói: “Anh chị ơi, tôi không có câu trả lời cho rất nhiều vấn đề của anh chị, nhưng Chúa Giêsu biết anh chị, Chúa Giêsu yêu anh chị, Người có thể chữa lành anh chị và làm dịu trái tim anh chị. Hãy đi và để họ lại với Chúa Giêsu”.

Những ai mang gánh nặng cần một sự vuốt ve cho quá khứ. Nhiều lần chúng ta nghe nói: “Nhưng tôi cần hàn gắn quá khứ của mình… Tôi cần một cái vuốt ve cho quá khứ đã đè nặng lên tôi…” Họ cần sự tha thứ. Và bất cứ ai tin vào Chúa Giêsu đều có chính điều này để tặng cho người khác: sức mạnh của sự tha thứ, thứ giải thoát linh hồn khỏi mọi nợ nần. Anh chị em đừng quên: Thiên Chúa quên tất cả. Làm thế nào mà như thế cho được? Đúng, Người quên mọi tội lỗi của chúng ta, Người không có ký ức về chúng. Chúa tha thứ mọi sự vì Người quên tội chúng ta. Chúng ta chỉ cần đến gần Chúa và Người sẽ tha thứ cho chúng ta mọi sự. Anh chị em hãy nghĩ về một điều gì đó trong Tin Mừng, về người bắt đầu nói: “Lạy Chúa, con đã phạm tội!” Đứa con trai đó… Và người cha lấy tay bịt miệng anh ta. “Không, không sao đâu, không có gì…” Ông không để anh ta nói hết… Và điều đó thật tuyệt. Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta để tha thứ cho chúng ta, để chữa lành chúng ta. Và bao nhiêu lần? Một lần? Hai lần? Không. Luôn luôn. “Nhưng thưa cha, con luôn làm những điều giống nhau…” Và Người cũng sẽ luôn làm những điều tương tự: tha thứ cho anh chị em, ôm anh chị em. Xin vui lòng, chúng ta hãy tin tưởng điều này. Đây là cách anh chị em yêu Chúa. Bất cứ ai mang gánh nặng và cần được vuốt ve quá khứ đều cần được tha thứ, và Chúa Giêsu làm điều này. Và đây là điều Chúa Giêsu ban cho: giải thoát linh hồn khỏi mọi nợ nần. Kinh thánh nói về một năm khi người ta thoát khỏi gánh nặng nợ nần: Năm Thánh, năm ân sủng. Như thể đó là điểm cuối cùng của việc công bố.

Thực vậy, Chúa Giêsu nói rằng Người đến “để công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,19). Đó không phải là một năm thánh được lên kế hoạch, giống như năm thánh chúng ta có bây giờ, trong mọi thứ đã được lên kế hoạch và chúng ta nghĩ về cách thực hiện và không thực hiện… Không. Nhưng với Chúa Kitô, ân sủng làm cho cuộc sống mới đến và luôn luôn gây kinh ngạc. Chúa Kitô là Năm Thánh của từng ngày, từng giờ, Đấng đến gần anh chị em, vuốt ve anh chị, tha thứ cho anh chị em. Và lời loan báo của Chúa Giêsu phải luôn mang lại sự kinh ngạc của ân sủng. Sự kinh ngạc này… “Tôi không thể tin được, tôi đã được tha thứ, tôi đã được tha thứ” Nhưng Thiên Chúa của chúng ta vĩ đại biết bao! Vì không phải chúng ta làm nên những việc lớn lao, nhưng chính ơn Chúa, Đấng, qua cả chúng ta, làm nên những việc khôn lường. Và đây là những điều ngạc nhiên của Chúa. Chúa là bậc thầy của những điều bất ngờ. Người luôn làm chúng ta ngạc nhiên, luôn chờ đợi chúng ta. Chúng ta đến, và Người đứng đợi. Luôn luôn. Tin Mừng đi kèm với một cảm giác lạ lùng và mới lạ mang tên: Chúa Giêsu.

Xin Người giúp chúng ta loan báo điều đó như Người mong muốn, thông truyền niềm vui, sự giải thoát, ánh sáng, sự chữa lành và sự kinh ngạc. Đây là cách Chúa Giêsu truyền đạt chính Người.

Điều cuối cùng: tin vui này, mà Tin Mừng nói, được ngỏ “cho người nghèo” (c. 18). Chúng ta thường quên mất họ, nhưng họ lại là những người tiếp nhận được đề cập rõ ràng, bởi vì họ là những người yêu quý của Chúa. Chúng ta hãy nhớ đến họ và nhắc nhở mình rằng, để đón Chúa, mỗi người chúng ta phải trở nên “nghèo khó bên trong”. Không đủ nếu chỉ như thế này, không: [anh chị em phải trở nên “nghèo khó bên trong”. Với sự nghèo khó này khiến người ta phải thốt lên… “Lạy Chúa, con cần sự tha thứ, con cần sự giúp đỡ, con cần sức mạnh”. Cái nghèo này mà tất cả chúng ta đều có: trở nên nghèo từ bên trong. Đó là vấn đề vượt qua mọi đòi hỏi tự mãn để hiểu mình cần ân sủng, và luôn luôn cần đến Người. Nếu có ai đó nói với tôi: Thưa cha, con đường ngắn nhất để gặp Chúa Giêsu là gì? Hãy làm cho mình thành thiếu thốn. Hãy biến mình thành người cần ân sủng, cần sự tha thứ, cần niềm vui. Và Người sẽ đến với bạn. Cám ơn anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An

Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/