Mười cột mốc quan trọng trong triều Giáo hoàng của Đức Biển Đức XVI
Mười cột mốc quan trọng trong triều Giáo hoàng của Đức Biển Đức XVI
1. Lời đầu tiên của Đức Biển Đức XVI
Vào ngày 19/4/2005, sau Mật nghị Hồng y nơi ngài được bầu chọn, Đức Biển Đức XVI đã nói những lời đầu tiên từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô: “Anh chị em thân mến, sau Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vĩ đại, các Hồng y đã bầu chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm nhường trong vườn nho của Chúa. Tôi được an ủi vì Chúa biết cách làm việc và hành động ngay cả khi không có đủ phương tiện, và trên hết tôi tín thác vào lời cầu nguyện của anh chị em. Trong niềm vui của Chúa Phục Sinh, tin tưởng vào sự trợ giúp không ngừng của Chúa, chúng ta tiến về phía trước. Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta và Đức Maria, Mẹ rất thánh của Chúa sẽ đồng hành với với chúng ta.”
2. Đại hội Giới trẻ Thế giới Cologne 2005
Vào ngày 20/8/2005, trong thời gian Đại hội Giới trẻ Thế giới đang diễn ra tại Cologne, Đức, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã gửi một sứ điệp cho hàng triệu người trẻ tập trung tại đây. Bằng tiếng Tây Ban Nha rõ ràng, ngài nhấn mạnh: “Các thánh là những nhà cải cách đích thực. Giờ đây tôi muốn diễn đạt điều đó một cách triệt để hơn: Chỉ từ các thánh, chỉ từ Thiên Chúa mới có một cuộc cách mạng thực sự, sự thay đổi quyết định thay đổi thế giới.”
Và Đức Biển Đức nói thêm: “Để cứu thế giới, không phải các hệ tư tưởng, nhưng chỉ là sự trở về với Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo Dựng nên chúng ta, Đấng bảo đảm tự do của chúng ta, Đấng bảo đảm những gì thực sự tốt và chân chính. Cuộc cách mạng đích thực duy nhất là hướng về Thiên Chúa, Đấng là thước đo của điều đúng và đồng thời là tình yêu vĩnh cửu. Và điều gì có thể cứu chúng ta nếu không phải là tình yêu?”
3. Thăm trại tập trung Auschwitz
Ngày 28/5/2006, Đức Giáo Hoàng Biển Đức đến thăm trại tập trung Auschwitz-Birkenau ở Ba Lan. Trong một bài diễn văn mạnh mẽ, ngài đã cầu xin “ơn hòa giải” và nói: “Có nhiều câu hỏi đặt ra cho chúng ta ở nơi này! Một lần nữa câu hỏi được đặt ra: Chúa ở đâu trong những ngày đó? Tại sao Thiên Chúa lại im lặng? Làm sao Người có thể dung thứ cho sự hủy diệt quá mức này, sự chiến thắng của cái ác?”
Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không thể biết rõ bí mật của Chúa. Chúng ta chỉ nhìn thấy những mảnh vụn và chúng ta sai lầm nếu muốn biến mình thành những thẩm phán phán xét Thiên Chúa và lịch sử. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ không bảo vệ con người nhưng chỉ góp phần vào sự hủy diệt con người”.
4. Huấn từ về huấn quyền cho các Giám mục châu Mỹ Latinh tại Aparecida
Vào ngày 13/5/2007, lễ Đức Mẹ Fatima và khai mạc Đại hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh và Caribe lần thứ V, Đức Biển Đức XVI đã có một bài huấn từ về huấn quyền, trong đó ngài đã chẩn đoán và đề xuất công cuộc truyền giáo cho Lục địa hy vọng.
Đức Giáo Hoàng nêu bật sự phong phú của đức tin ở châu Mỹ Latinh, khuyến khích giáo dân tham gia đời sống chính trị và nhấn mạnh một số lĩnh vực ưu tiên cho công cuộc truyền giáo như gia đình, linh mục và giới trẻ, cùng với thừa tác vụ ơn gọi.
5. Diễn văn Regensburg và tranh luận với người Hồi giáo
Vào ngày 12/9/2006, Đức Biển Đức XVI đã có bài phát biểu nổi tiếng tại Đại học Regensburg bên Đức, nhưng các phương tiện truyền thông đã thao túng để trình bày như một sự xúc phạm người Hồi giáo.
Trong bài phát biểu, Đức Giáo hoàng đã trích dẫn lời của hoàng đế Byzantine uyên bác Manuel II Paleolous, khi ông trò chuyện vào năm 1391 với một người Ba Tư ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay: “Hãy chỉ cho tôi những gì Mohammad đã mang về, và quý vị sẽ tìm thấy những điều ác và vô nhân, như việc ông sẵn sàng truyền bá đức tin mà ông đã rao giảng bằng gươm giáo.”
Trong bài tham luận, Đức Biển Đức XVI khẳng định rằng “sau khi nói rất gay gắt, hoàng đế giải thích chi tiết lý do tại sao việc truyền bá đức tin bằng bạo lực là vô nghĩa. Bạo lực trái ngược với bản chất của Thiên Chúa và bản chất của linh hồn”.
Mặc dù đã xin lỗi nếu có ai cảm thấy bị xúc phạm, nhưng Đức Biển Đức XVI không bao giờ rút lại lời đã nói.
6. Công bố Năm Đức tin
Đức Biển Đức đã công bố “Năm Đức tin” từ ngày 11/10/2012 đến ngày 24/11/2013, để kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II và 20 năm công bố Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo.
Trong bài giảng khai mạc Năm Đức tin, Đức Giáo hoàng giải thích rằng thời gian này có thể được hiểu “như một cuộc hành hương trong sa mạc của thế giới đương đại, chỉ mang theo bên mình những gì thiết yếu: không gậy, không túi, không bánh mì, không tiền, không hai áo, như Chúa nói với các Tông đồ khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng”.
Đức Biển Đức cho biết Năm Đức tin nhằm “thúc đẩy hơn nữa sứ vụ của toàn thể Giáo hội là đưa con người ra khỏi sa mạc, là nơi họ thường chỉ gặp được chính mình, để đến với sự sống và hướng tới tình bạn với Chúa Kitô, Đấng ban cho chúng ta cuộc sống này với tất cả sự đa dạng của nó”. Và ngài khẳng định: “Đây sẽ là thời điểm của ân sủng và dấn thân hơn bao giờ hết cho Thiên Chúa, củng cố niềm tin nơi Người và loan báo niềm tin ấy cho con người ngày nay.”
7. Đức Biển Đức chờ đợi dưới mưa tại ĐHGTTG Madrid 2011
Ngày 20/8/2011 đã ghi dấu ấn trong trái tim của hơn một triệu bạn trẻ, những người đã đồng hành với Đức Biển Đức XVI trong buổi canh thức Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Madrid của Tây Ban Nha, tại phi trường Cuatro Vientos.
Chịu đựng cơn mưa nặng hạt và sau khi từ chối lời khuyên của các cộng tác viên đã mời ngài vào bên trong tới ba lần, Đức Biển Đức XVI vẫn ở nguyên tại chỗ. Và cũng như mọi người ngài được che bằng một chiếc dù, tiếp tục đồng hành với các bạn trẻ trong buổi canh thức cầu nguyện. Sau vài phút, ngài cảm ơn mọi người “vì niềm vui và sự từ chối đó. Sức mạnh của chúng ta lớn hơn cả cơn mưa”.
Ngài nhấn mạnh khi nói lời tạm biệt: “Các bạn trẻ thân mến, chúng ta đã cùng nhau sống một cuộc phiêu lưu. Chúng ta đã chịu đựng được trận mưa. Cũng như đêm nay, với Chúa Kitô, các bạn sẽ có thể đối diện với những thử thách của cuộc sống, đừng quên điều đó.”
8. Đức Biển Đức đội mũ truyền thống Mexico
Vào ngày 25/3/2012, trong chuyến viếng thăm Mexico, trên đường đến chủ sự Thánh lễ tại công viên Bicentenario của thành phố Leon, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã đội mũ truyền thống Mexico được gọi là Sombrero. Với một nụ cười thật tươi, Đức Biển Đức đã đến công viên bằng xe dành cho ngài. Hàng trăm ngàn tín hữu đến dự Thánh Lễ tại Công viên Bicentennial rất vui mừng khi thấy ngài đội chiếc mũ truyền thống của họ.
Trong bài giảng, Đức Biển Đức đã khuyến khích các tín hữu cầu xin Chúa Kitô ban cho “một trái tim trong sạch, nơi để Người có thể cư ngụ như hoàng tử hòa bình, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, đó là quyền năng của sự thiện, quyền năng của tình yêu”.
Và ngài nói thêm: “Nhưng để Thiên Chúa ngự trong chúng ta, chúng ta cần phải lắng nghe Người; chúng ta phải để cho mỗi ngày Lời Chúa chất vấn, suy niệm Lời Chúa trong lòng theo mẫu gương Mẹ Maria. Bằng cách này tình bạn với Chúa của chúng ta được phát triển; chúng ta học cách hiểu điều Chúa mong đợi nơi chúng ta và chúng ta được khuyến khích làm cho người khác biết về Người”.
9. Chuyến tông du đến Cuba của Đức Biển Đức XVI
Năm 2012, Đức Biển Đức thực hiện chuyến tông du đến Cuba. Trong Thánh lễ được cử hành vào ngày 26/3/2012, tại Santiago de Cuba, Đức Giáo Hoàng nói: “Anh chị em thân mến, trước cái nhìn của Đức Mẹ Bác Ái của El Cobre, tôi kêu gọi anh chị em hãy củng cố đức tin của anh chị em, để anh chị em có thể sống trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô, và được trang bị bằng sự bình an, tha thứ và cảm thông, để anh chị em cố gắng xây dựng một xã hội cởi mở và đổi mới, một xã hội tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn với con người, phản chiếu nhiều hơn lòng tốt của Thiên Chúa”.
10. Lời cuối của Đức Biển Đức XVI trong vai trò Giáo hoàng
Vào ngày 28/2/2013, 17 ngày sau khi tuyên bố từ nhiệm, Đức Biển Đức XVI đã đi trực thăng đến dinh thự giáo hoàng Castel Gandolfo. Trước khoảng 10.000 người hiện diện tại nơi này, Đức Giáo hoàng bày tỏ: “Tôi vẫn muốn, bằng trái tim, bằng tình yêu, bằng lời cầu nguyện, bằng suy tư, bằng tất cả sức mạnh nội tâm của mình, để hoạt động vì lợi ích chung của Giáo hội và của nhân loại. Chúng ta hãy tiến bước với Chúa vì lợi ích của Giáo hội và thế giới. Xin cám ơn tất cả.”
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-01/muoi-cot-moc-giao-hoang-bien-duc.html