18/11/2024

Thứ Hai 09.01.2023
Ý Nghĩa Phép Rửa

Tại sao Chúa lại xin Gioan làm Phép Rửa? Trước hết, đây là một hành vi tự hạ mà Người thực hiện theo ý định của Chúa Cha.

Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Lễ Kính

1 Ga 2,22-28 • Tv 97,1.2-3ab.3cd-4 (Đ. c.3cd) • Ga 1,19-28

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan

13 Bấy giờ, Chúa Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” 15 Nhưng Chúa Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người. 16 Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

 

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Ý Nghĩa Phép Rửa

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa. Phúc Âm kể lại việc Chúa Giêsu đến xin Gioan, ông làm Phép Rửa tại sông Giođan. Tại sao Chúa lại xin Gioan làm Phép Rửa? Trước hết, đây là một hành vi tự hạ mà Người thực hiện theo ý định của Chúa Cha. Nếu Con Thiên Chúa nhập thể là bước khởi đầu mầu nhiệm tự hủy để thánh hóa bản tính nhân loại (x. Pl 2, 6-7), thì việc chịu Phép Rửa là đi thêm một bước nữa của việc tự hạ để hòa mình và liên đới với mọi tội nhân. Qua hành vi này, Chúa Giêsu muốn dìm mình trong dòng nước để thánh hóa dòng nước và thanh tẩy tội lỗi nhân loại. Thánh Mátthêô tường thuật ba dấu hiệu xảy ra:

Dấu hiệu thứ nhất: “Các tầng trời mở ra” (Mt 3,16). Chúng ta nhớ lại: Khi Ađam và Eva phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại (St 3, 23-24). Qua bao thế hệ, dân Chúa cầu khẩn: “Ước chi Ngài xé các tầng trời và ngự xuống” (Is 64,1). Nay đã đến lúc, nhờ Chúa Kitô, cửa trời mở ra. Trời đất giao thông với nhau, con người hiệp thông với Thiên Chúa.

Dấu hiệu thứ hai: “Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống như chim bồ câu” (Mt 3,16). Đây là mạc khải về Chúa Thánh Thần, Người được sai đến và cùng với Chúa Giêsu khai mở một giai đoạn mới, giai đoạn cứu độ nhân loại. Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Chúa Giêsu trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần là tác nhân và là linh hồn của sứ vụ truyền giáo. Người cũng được ban cho chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội, để thánh hóa và dẫn đưa mỗi người về với Thiên Chúa.

Dấu hiệu thứ ba là lời của Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Đây là mạc khải về Chúa Cha. Người là Cha của Đức Giêsu và cũng là Cha của chúng ta. Người sai Chúa Con đến trong trần gian. Chúa Cha luôn hài lòng vì Chúa Con luôn làm theo ý Người. 

Như thế, đây là cuộc hiện thân mới của Thiên Chúa Ba Ngôi, khai mở giai đoạn cứu độ cho nhân loại. Ba dấu hiệu trên mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi và vai trò mỗi ngôi vị trong chương trình cứu độ. 

Thánh lễ này làm chúng ta nhớ lại Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Nhờ đó chúng ta đón nhận ơn thánh hóa, ơn làm con cái Chúa và được gia nhập Giáo Hội, được tham dự ba sứ vụ: tư tế, vương đế và ngôn sứ của Chúa Kitô để là men, muối cho đời. Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa và cố gắng trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Kitô và tích cực cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Để được như thế, chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu, luôn sống đẹp lòng Chúa Cha và ngoan ngùy với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Sống Lời Chúa: Xin ơn được biến đổi mỗi ngày.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam