22/01/2025

Thơ dở, nhà thơ rởm: đừng quá âu lo

Thơ dở, nhà thơ rởm: đừng quá âu lo

Thỉnh thoảng có một sự kiện bài thơ/nhà thơ dở gây ồn ào hay được trao giải, phong danh hiệu thì thơ, người làm thơ và cả nền thơ trở thành nạn nhân của sự quy chụp, chế giễu. Có đáng không?

 

 

 

Thơ dở, nhà thơ rởm: đừng quá âu lo - Ảnh 1.

1. Làm thơ dở, xét cho cùng, cũng không phương hại đến ai cả, nếu người làm thơ chỉ dùng các thứ mình viết ra để tự mà đọc lấy hoặc phát tán trong những hội nhóm thù tạc tự nguyện. 

Tự xưng là nhà thơ hay thậm chí nhà thơ quốc gia hay quốc tế cũng vậy. 

Thực ra những điều ấy không ảnh hưởng gì tới đời sống văn hóa cả, nếu đó là một đời sống văn hóa lành mạnh đủ kháng thể để loại trừ những gì tầm thường. 

Những thứ được tạo nên từ kỹ nghệ đánh bóng, hư danh thì sẽ bị loại bỏ, không cần phải tốn quá nhiều “gạch đá” hay giấy mực để ồn ào.

Hiện tượng thơ dở, người viết mê hư danh trong nền văn chương chúng ta thì đầy rẫy và thời nào cũng có. 

Nhưng thời gian sẽ công bằng, những gì không đem lại giá trị hay đóng góp vào tiến trình văn học nghệ thuật thì sớm muộn sẽ bị nhấn chìm; ngược lại, những viên ngọc sáng trong đời sống sáng tạo thì dù bị vùi lấp thế nào thì (ta cũng tin rằng) sớm muộn gì chúng cũng được phát lộ.

Tại sao phải tốn giấy mực cố công phổ quát hóa cái tầm thường trở thành một chứng tật hay căn tính nhức nhối của cộng đồng? 

Giễu nhại, tự trào trong trường hợp này có như một giải pháp trị liệu nhắm trúng đích của những khối ung thư trong cơ thể văn hóa hay không hay chỉ là phóng đại một mặc cảm, sự nông nổi hay thú đau thương nhất thời?!

Điều này có lẽ đang trình bày rõ ràng một cơ chế tâm lý dễ bị kích động, cho thấy niềm tin vào các giá trị nghiêm túc đang bị lung lay.

Trong khi đó, rất cần một tâm thế cởi mở để nhận thấy rằng hệ sinh thái của một khu rừng cần được khảo sát sâu hơn, không nên vội vã kết luận chỉ thông qua việc quẩn quanh chú mục vào vài ba bụi lùm và cỏ dại.

2. Khi quyền người làm thơ dở, quyền tổ chức trao những giải thưởng kém là hợp pháp thì người đọc cũng nên sử dụng quyền khước từ đọc thơ dở, khước từ để tâm đến những giải thưởng chỉ ru ngủ nhau… Như thế chắc rằng những điều tệ hại sẽ giảm đi khả năng can dự vào đời sống văn hóa. 

Nền văn hóa sẽ biết ơn những người viết, độc giả như vậy vì một mặt anh ta đã âm thầm loại bỏ một nguy cơ vẩn đục và lan tỏa cái tầm thường, và mặt khác, không bù lu bù loa lan truyền sự bi đát không cần thiết.

Tóm lại, với một dân tộc làm thơ, ra ngõ gặp nhà thơ, đâu đâu cũng giải thưởng thơ… thì những điều đó chỉ là bề nổi, hiện tượng thông tin, không đủ sức hạ độc một nền văn học hay hạ độc một ai cả. Vậy điều còn lại là hãy bình thản nhìn những “event” màu mè đông vui đó đi vào lãng quên không kèn trống. 

Nói cho cùng, những nhà thơ rởm hãy tự chịu lấy trách nhiệm của việc viết lách và hành xử với “sự nghiệp” của mình (ở đây, trách nhiệm chính là cơ hội nhận thức!).

Nền văn chương có lẽ ít bị phương hại bởi thơ dở, nhà thơ rởm cho bằng chính chứng tật nâng quan điểm và quy chụp, tấn công cá nhân tàn nhẫn vô lối, kể cả thói “ném đá” của đám đông chỉ để chứng minh mình đứng ngoài cuộc và không dự phần.

3. Tóm lại, cần tin vào sự thanh lọc diễn ra trong nội tại một đời sống văn hóa. Thơ dở, tác giả rởm thì không cần đến “gạch đá” ồn ào, tự nó sẽ biến mất (nếu không thì văn học sử đã chẳng khác gì một khu rừng hỗn tạp và chằng chịt chẳng lối đi). 

Sự tự thanh lọc cũng diễn ra trong mỗi giai đoạn, với từng trào lưu, và cụ thể với chính tác phẩm trong sự nghiệp viết của một tác giả. Là độc giả, là công chúng, là người viết của một thời kỳ văn chương, dù thế nào cũng đừng quá dễ dàng đánh mất sự điềm tĩnh, nhãn quan rộng mở và niềm tin vào thước đo giá trị nghiêm túc.

Gạt khỏi “thực đơn” thông tin

Đứng trước một sự kiện thơ dở đoạt giải văn học, một “nhà thơ” phô diễn tầm vóc hư huyễn, có lẽ độc giả nên thấy mình may mắn vì không thuộc vào trong số hội hè đang vỗ tay tán tụng và giữ được cái quyền gạt bỏ các sự kiện ấy khỏi “thực đơn” thông tin hằng ngày.

Nếu không làm được điều đó, ta dễ trở thành kẻ nỗ lực đẩy cái dở, cái rởm thành hiện tượng truyền thông (ngay cả trong việc tấn công và chỉ trích) và đồng thời tham gia nhấn chìm những giá trị nghiêm túc vào mớ bòng bong lẽ ra phải loại đi từ đầu.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
TTO