26/01/2025

Những phát hiện đột phá trong nghiên cứu chống ung thư năm 2022

Tập thể dục giảm sự phát triển ung thư tuyến tụy, tế bào ung thư tự phá vỡ DNA để chống lại bức xạ và vẫn sống sót dù đi qua mao mạch hẹp… là những phát hiện đột phá trong nghiên cứu chống ung thư năm 2022.

Năm 2022, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều cách mà các khối u ung thư có thể tồn tại và lan rộng trong cơ thể – Ảnh: iStock

Tập thể dục có thể giảm sự phát triển ung thư tuyến tụy

Trong công bố trên tạp chí Cancer Cell tháng 7, các nhà nghiên cứu tại Mỹ cho biết họ phát hiện những người bị ung thư tuyến tụy sẽ cải thiện sức khỏe tốt hơn nếu họ duy trì một chế độ tập thể dục đều đặn so với những người không tập thể dục.

Họ thực hiện nghiên cứu trên chuột và phát hiện ra rằng những con chuột chạy trên máy chạy bộ thu nhỏ trong 30 phút mỗi ngày có mức interleukin-15 cao hơn. interleukin-15 là một loại cytokine thường được giải phóng trong khi tập thể dục. Sau đó, cytokine sẽ sản sinh ra các tế bào miễn dịch có khả năng xâm nhập và tiêu diệt khối u ung thư.

Trong một phân tích sơ bộ ở người, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng các mẫu mô lấy từ bệnh nhân ung thư tuyến tụy thường tham gia chương trình tập thể dục chứa số lượng tế bào miễn dịch cao hơn so với nhóm không tập thể dục.

Phát hiện cơ chế sản sinh interleukin-15 đem lại hy vọng rất lớn rằng tập thể dục có thể áp dụng bổ trợ trong các phương pháp điều trị cho căn bệnh chết người đặc biệt khó điều trị này.

Tế bào ung thư có thể tự phá vỡ DNA để chống lại bức xạ

Khi bị ung thư, bức xạ sẽ gây ra tổn hại lớn trên DNA của tế bào. Hầu hết tế bào bị tổn thương đều chết đi khiến xạ trị trở thành phương pháp điều trị ung thư hàng đầu. Tuy nhiên trong năm 2022, các nhà khoa học đã phát hiện một số tế bào có khả năng chống bức xạ: chúng sửa chữa những tổn thương do bức xạ gây ra và sống sót.

Công bố tháng 4 trên tạp chí Science, các nhà khoa học quốc tế mô tả rằng các tế bào khối u “kéo dài thời gian cho những sửa chữa” này bằng cách tự gây ra những tổn thương nhỏ đối với DNA của chúng, ngăn chặn quá trình nguyên phân. Sau đó, các tế bào tự sửa chữa những tổn thương do bức xạ gây ra trên phạm vi rộng hơn.

Các nhà khoa học cho biết trong tương lai quá trình này sẽ được nghiên cứu sâu hơn để hỗ trợ xạ trị hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt khối u ung thư.

Đi qua các mạch máu hẹp giúp các tế bào ung thư di căn sống sót tốt hơn

Khi ung thư di căn, các tế bào tách ra khỏi khối u ác tính ban đầu, len lỏi qua các mạch máu và hình thành các khuẩn lạc ở những nơi khác trong cơ thể. Chúng có thể phát triển nhanh, ngày càng mạnh và nguy hiểm.

Thông thường, nếu một tế bào bị ép quá mạnh, nó sẽ chết. Nhưng đối với một tế bào ung thư di căn, quá trình chen lấn qua các mạch máu hẹp của hệ thống tuần hoàn có thể kích hoạt một loạt đột biến giúp chúng không chỉ vẫn sống sót mà còn trốn tránh hệ thống miễn dịch.

Trong thí nghiệm được thực hiện trên chuột và trong ống nghiệm, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện nhân tế bào không phải ung thư chết khi đi qua mạch máu hẹp nhưng nhân tế bào ung thư lại tự tách ra khi đi qua mạch máu nhỏ hẹp, khiến chúng đột biến và sống sót.

Hiện tại các nhà khoa học chưa rõ liệu quá trình tương tự này có xảy ra ở người hay không, nhưng phát hiện này rất quan trọng đối với nghiên cứu chống ung thư. Nó chỉ ra rằng chúng ta cần xem xét tác động trực tiếp của các kích thích cơ học lên tế bào ung thư không chỉ ở vị trí ban đầu mà còn ở tất cả các bước di căn để phát triển các chiến lược điều trị tốt hơn.

Tế bào ung thư di chuyển trong chất lỏng nhớt nhanh hơn

Di căn được coi là bước ngoặt trong sự tiến triển của bệnh ung thư. Đó là khi các tế bào tách khỏi khối u nguyên phát và di chuyển khắp cơ thể thông qua các mạch máu và chất dịch cơ thể để xâm chiếm các mô khác.

Trước đây, các tế bào trong phòng thí nghiệm được nuôi dưỡng trong dung dịch nước loãng cho kết quả rằng chúng di chuyển chậm. Nhưng nghiên cứu khoa học được công bố hồi tháng 11 trên Nature đã đưa kết quả rằng các tế bào ung thư tăng tốc di chuyển nhanh hơn khi qua các dung dịch đặc hơn, có độ nhớt tương tự như dịch cơ thể người.

Trong môi trường dịch hỗn hợp (không phải là nước loãng), các tế bào ung thư kích hoạt những thay đổi trong cấu trúc giúp chúng vượt qua các tác động bên ngoài, lấy nước từ phía trước rồi đẩy ra phía sau như bạch tuộc và di chuyển hiệu quả hơn.

Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về cơ chế đằng sau sự khác biệt này để tìm ra cách làm chậm quá trình di căn.

MINH HẢI (Theo Scientist)