27/01/2025

Vì sao người gầy ốm lại bị máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ?

Vì sao người gầy ốm lại bị máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ?

Xin bác sĩ cho hỏi gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ có liên quan với nhau không, hai bệnh này có nguy hiểm không? Gần đây tôi thấy bạn bè và đồng nghiệp khi đi khám bệnh hay kiểm tra sức khoẻ định kỳ thường bị hai bệnh này.

 

 

 

Vì sao người gầy ốm lại bị máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ? - Ảnh 1.

Ăn nhiều chất béo, mỡ động vật, ít rau xanh dễ sinh bệnh máu nhiễm mỡ – Ảnh: T.LŨY

Gần đây tôi đi khám sức khỏe và xét nghiệm máu, bác sĩ cũng nói tôi bị hai bệnh này, kêu về kiêng ăn đồ béo, ngọt nhiều và tập thể dục.

Tuy nhiên, trước nay tôi nghĩ những người béo phì hay uống nhiều rượu bia mới dễ bị hai loại bệnh này. Còn tôi lại ốm (chưa được 50kg) và cũng không sử dụng rượu bia… vậy nguyên nhân vì đâu tôi lại bị bệnh này? Có liên quan đến chế độ ăn hay không? (Bạn đọc L.T.T.)

Bác sĩ Bồ Kim Phương – trưởng khoa nội tiêu hóa – huyết học, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ – cho biết gan nhiễm mỡ có hai loại: gan nhiễm mỡ do rượu, gan nhiễm mỡ không do rượu, mà do tích tụ cholesterol và triglyceride trong gan quá mức (khoảng 30% dân số mắc).

Như vậy người bị tăng mỡ máu có thể là bệnh nền gây gan nhiễm mỡ, tuy nhiên nếu xét nghiệm men gan (AST, ALT) không tăng thì bạn đang bị gan nhiễm mỡ thể nhiễm mỡ gan – thể này lành tính và ít dẫn đến bệnh gan nặng hay xơ gan.

Đặc điểm chung hai bệnh gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ đều diễn tiến âm thầm, là bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa.

Khi mỡ trong máu tăng cao chúng sẽ chuyển về gan, lúc này nếu như gan không đào thải hết được thì chúng sẽ tích tụ thành các bọng mỡ tại gan. Chính vì thế phòng ngừa, điều trị gan nhiễm mỡ cũng chính là cách phòng và trị máu nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ là lượng mỡ chiếm tới hơn 5% trọng lượng gan. Giai đoạn đầu bệnh thường tiến triển âm thầm, các triệu chứng thoáng qua, đa số người bệnh phát hiện ra bệnh qua khám sức khỏe định kỳ.

Máu nhiễm mỡ (còn gọi là mỡ máu cao, rối loạn chuyển hóa lipid máu) là các thành phần mỡ trong máu cao hơn mức bình thường.

Trong máu luôn có một tỉ lệ mỡ nhất định được đánh giá qua các chỉ số xét nghiệm triglycerid, cholesterol… nhưng khi chỉ số này cao hơn mức cho phép thì đó chính là mắc bệnh mỡ máu.

Bác sĩ Trần Diệu Hiền – trưởng khoa nội tim mạch – khớp, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ – khẳng định gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ có quan hệ với nhau, thường đi chung “một cặp”; cơ chế gây bệnh, điều trị cũng giống nhau. Loại này cao có thể là nguyên nhân gây ra loại kia và ngược lại.

Tác hại chung của gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ thường gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe nếu không điều trị kéo dài

Máu nhiễm mỡ kéo dài sẽ tạo thành mảng xơ vữa động mạch, làm tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu trong cơ thể. Nếu tắc mạch não gây nhồi máu não, tắc mạch ở tim gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi là tắc mạch tay chân. Ngoài ra, mỡ máu cao có thể dẫn tới các bệnh lý: cao huyết áp, viêm tụy, tiểu đường type 2…

Gan nhiễm mỡ trong thời gian dài cũng có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan, ung thư gan…

Vậy tại sao người gầy ốm, không dùng rượu bia… mà vẫn bị gan và máu nhiễm mỡ? Đây là câu hỏi khá nhiều người bệnh thắc mắc hỏi bác sĩ.

Hai bác sĩ cho biết như đã giải thích với cơ chế sinh bệnh của hai bệnh trên, nguyên nhân gây tăng mỡ máu và gan nhiễm mỡ không chỉ liên quan đến người gầy ốm hay béo phì…

Chúng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố sinh hoạt hằng ngày, như chế độ ăn uống, đặc biệt là người ăn nhiều chất béo bão hòa từ động vật, nhiều đường, ít ăn rau xanh; thường xuyên không tập thể dục hay vận động đều đặn. Hoặc do bệnh lý cũng có thể gây rối loạn lipid máu và gan nhiễm mỡ như đái tháo đường, suy giáp, di truyền…

Do vậy quan niệm là người mập, người uống rượu bia mới bị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ là quan niệm sai lầm. Người gầy ốm nhưng chế độ ăn không hợp lý, lười vận động vẫn rất dễ bị bệnh này.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương… mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

T. LŨY
TTO