22/01/2025

Lăng kính bạn đọc: Tử vong liên quan phẫu thuật thẩm mỹ và hồi chuông cảnh báo

Lăng kính bạn đọc:

Tử vong liên quan phẫu thuật thẩm mỹ và hồi chuông cảnh báo

Thêm một trường hợp tử vong liên quan phẫu thuật thẩm mỹ vừa được ghi nhận tại TP.HCM, làm dấy lên lo ngại lớn và đặt ra vấn đề về quản lý loại hình làm đẹp này.

 

 

 

Thanh Niên đưa tin tại TP.HCM, một cô gái 25 tuổi tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy bệnh nhân (BN) đến một trung tâm ở Q.Phú Nhuận để làm đẹp. Trong quá trình chuẩn bị, BN được tiêm lần lượt các loại thuốc: Midazolam (an thần), Fentanyl (giảm đau) và Lidocain (gây tê và gây mê). Ngay sau đó, nữ BN tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn. BN được xử trí ép tim ngoài lồng ngực và chuyển đến Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận. Sau đó, BN được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê sâu và đã tử vong.

BN được chẩn đoán sốc phản vệ nghi do thuốc gây tê, mê; tổn thương não do thiếu ô xy, biến chứng hôn mê; suy hô hấp tuần hoàn. Đáng nói, sau khi xảy ra vụ việc, khi cơ quan chức năng kiểm tra trung tâm này thì chủ nhà cho biết người thuê đã thông báo trả nhà, dọn đi và thanh lý hợp đồng…

Tử vong liên quan phẫu thuật thẩm mỹ và hồi chuông cảnh báo - ảnh 1
Một số thiết bị, vật tư y tế còn sót lại tại căn nhà ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM), nơi cô gái 25 tuổi đến để được phẫu thuật thẩm mỹ và sau đó tử vong   DUY TÍNH

Cân nhắc kẻo “tiền mất, tật mang”

Theo bạn đọc (BĐ) Nguyễn Hoàng Sơn, nhu cầu làm đẹp, đặc biệt đối với phụ nữ có khiếm khuyết, là chính đáng vì giúp họ tự tin hơn vào bản thân. Tuy nhiên, báo chí đã nhiều lần phản ánh các trường hợp gặp tai biến khi phẫu thuật thẩm mỹ, nhẹ thì biến chứng, hỏng mũi, ngực, biến dạng khuôn mặt; nặng thì tử vong… khi BN tìm đến những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui” do tin tưởng những quảng cáo “có cánh” đầy rẫy trên mạng xã hội.

“Đã có những cái chết oan uổng khi BN được phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở kém chất lượng hoặc hoạt động “chui”. Đáng chú ý, độ tuổi tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ ở những cơ sở “chui”, kém chất lượng rất đa dạng. Điều này chứng tỏ nguy cơ gặp biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng ở những nơi thế này rất cao. Do vậy, việc quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra, giám sát lĩnh vực hoạt động thẩm mỹ không những phải được triển khai thường xuyên tại TP.HCM mà cần được rà soát trên phạm vi cả nước nhằm hạn chế những sự cố, cái chết đau lòng”, BĐ Đỗ Huỳnh Lợi nêu ý kiến.

 

Nhận diện thẩm mỹ “chui”

Dẫn trường hợp cô gái 25 tuổi tử vong nêu trên, BĐ cho rằng ngành y tế ở cấp quận, huyện phải có những biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép. Đối với những cơ sở không được phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nhưng có nhiều biểu hiện, dấu hiệu cho thấy hoạt động “chui”, thì các phòng y tế ở cấp quận, huyện cần nhanh chóng xác minh, làm rõ. Ở góc độ này, cần phải phối hợp với chính quyền địa phương, nơi cơ sở, trung tâm đó đăng ký hoạt động để có thể nắm bắt những diễn biến phát sinh và báo với cơ quan quản lý về y tế một cách kịp thời.

BĐ cũng cho rằng trong một số vụ việc dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, chết người cần phải kiểm tra kỹ giấy phép chuyên môn của trung tâm, cơ sở đó, bởi tai biến y khoa liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế.

Tuy nhiên, đối với trung tâm, cơ sở không được cấp giấy phép khám, chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng vẫn cố tình phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng, nếu xảy ra sự cố, cần phải xem đây là tình tiết tăng nặng, từ đó xử lý trách nhiệm hình sự đối với những người liên quan.

Không xử lý trách nhiệm hình sự đối với những người thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ không có bằng cấp chuyên môn thì còn lâu mới giải quyết được những người “mổ chui”.

Khanh Nguyen

Thanh tra Y tế tại TP.HCM cần phải có kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cơ sở thẩm mỹ viện trên toàn địa bàn theo thẩm quyền; tăng cường “đường dây nóng” để người dân phản ánh các cơ sở có các dấu hiệu sai phạm.

Nguyễn Đức Tịnh

 

TƯỜNG VY

TNO