22/01/2025

Ngứa chân: Khi nào là dấu hiệu cảnh báo bệnh?

Ngứa chân: Khi nào là dấu hiệu cảnh báo bệnh?

Ngứa chân là tình trạng rất phổ biến. Trong hầu hết trường hợp, cảm giác ngứa chân không có gì đáng ngại. Nhưng nếu ngứa chân kèm theo biểu hiện tê, sưng mắt cá chân thì cần phải đi khám bác sĩ ngay.

 

 

 

Những nguyên nhân gây ngứa chân thường gặp nhất là do yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn, ngứa chân do muỗi, rệp hay ve đốt, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Ngứa chân: Khi nào là dấu hiệu cảnh báo bệnh? - ảnh 1

 

Ngứa chân kéo dài kèm theo cảm giác tê có thể là dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên  SHUTTERSTOCK

Ngứa chân cũng có thể do một số vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến trung bình. Da khô, chàm, vẩy nến, nhiễm nấm đều có thể gây ngứa chân.

Một nguyên nhân khác gây ngứa chân là viêm da tiếp xúc. Người mắc bị viêm da do tiếp xúc các chất hoặc tác nhân gây dị ứng da chân như một số loại xà phòng, cao su trong giày, sản phẩm làm móng, thảm… Thậm chí, loại thuốc nhuộm dùng để nhuộm vớ cũng có thể gây kích ứng da, dẫn đến ngứa ở một số người.

Các nguyên nhân gây ngứa này không cần đi khám bác sĩ và có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu ngứa bàn chân kèm theo cảm giác tê, rất có thể là dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên.

Tương tự, cảm giác ngứa quá mức ở lòng bàn chân có thể là dấu hiệu bệnh thận do tích tụ quá nhiều urê trong máu. Ngoài ngứa chân, bệnh còn kèm theo sưng mắt cá chân hay bàn chân.

Các cơn ngứa chân thông thường có thể thuyên giảm bằng cách chườm ấm, chườm mát, ngâm chân trong giấm táo hoặc kem dưỡng da không chứa cồn. Trong trường hợp ngứa trên diện rộng hoặc cơn ngứa kéo dài trên 3 tuần không hết thì hãy đến gặp bác sĩ kiểm tra.

Người bệnh cũng cần đi khám nếu cơn ngứa kèm theo nhiễm trùng, sưng tấy, phát ban hoặc cản trở hoạt động hằng ngày. Bác sĩ sẽ xác định xem tình trạng ngứa chân này có liên quan đến bệnh tiềm ẩn nào hay không, theo Healthline.

 

NGỌC QUÝ

TNO