18/11/2024

Từ hòa đàm đến Hoà ước Nhâm Tuất 1862: Đánh giữ là việc khó, hòa lại càng khó

Từ hòa đàm đến Hoà ước Nhâm Tuất 1862:

Đánh giữ là việc khó, hoà lại càng khó

 

Ở phần trước chúng ta đã nhìn lại diễn biến cuộc chiến Pháp – Đại Nam trên bàn đàm phán qua tường thuật của người Pháp, sự việc này được đề cập như thế nào trong quốc sử?

 

 

 

Nguyên nhân dẫn đến hòa đàm Pháp – Đại Nam được nhắc đến trong bộ Đại Nam thực lục như sau: tháng 4 âm lịch (tương ứng từ 3 – 31.5) năm 1859 “quân của Tây dương [tức Pháp] chiếm giữ thành Điện Hải, tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Hiên đem quân đêm đến đánh úp, không đánh được” (Đại Nam thực lục, tập 7, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.604). Thuyền của quân Pháp tiến đánh các đồn khiến quân Đại Nam thua chạy. “Tôn Thất Hàn đóng quân tại Quảng Nam tự tiện phái Suất đội Chu Cưu dò hỏi phái nhân của Pháp, (Hỏi rằng: Hai nước đánh nhau, rút lại không ích lợi gì, quan nước [Đại] Nam nếu muốn đến thuyền của Tây dương thì có ngại gì không). Chu Cưu lại yêu cầu họ gửi thư cho làm tin. Rồi thì phái viên của Tây dương là Đê La Phong [tức Charles Lafont] sai Thám tử là Nguyễn Văn Mai, Nguyễn Văn Đặc đưa 1 phong thư đến” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.604 – 605).

Vua Tự Đức lệnh cho trả lại thư với lời nhắn đại ý: “Quan Tây dương muốn giảng thuyết việc gì, nên phái 1 viên quan có chức phẩm cùng đến quân thứ trình nộp, thì mới mở ra xem rồi trả lời. […] Còn thư này ám muội, chưa biết hư thực thế nào, há lại có lẽ dễ dàng mà nhận” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.605).

Đánh giữ là việc khó, hòa lại càng khó - ảnh 1

 

Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tập kết trước phòng tuyến Liên Trì – Nại Hiên trong trận chiến ngày 15.9.1859   LE MONDE ILLUSTRÉ, SỐ RA NGÀY 26.11.1859, TR.348. NGUỒN: THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Đại Nam thực lục chép việc tháng 5 âm lịch (tương ứng từ 1 – 29.6) năm 1859 về việc đình thần bàn phương lược đối phó với người Pháp: “… Cơ mật viện là Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Lưu Lượng nói rằng: Bãi việc binh đao cho dân nghỉ ngơi, liệu thời thế mà nuôi sức, thì chiến không bằng hòa. Nhưng cần giữ cho chắc, rồi sau sẽ bàn. […] Về kế sách hiện thời, cũng nên lấy thế thủ làm việc chính, giữ cho vững rồi sau mới có thể nói chuyện đánh hay chuyện hòa được” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.610).

Các đình thần là Trần Văn Trung, Trương Quốc Dụng, Lâm Duy Thiếp, Phan Huy Vịnh… cũng nói: “Về cách chống giặc, cốt giữ vững là hơn, mà cách giữ cần phải vững chắc nuôi sức, để đợi tùy cơ đối phó”. Người Pháp dằng dai cũng chỉ “muốn lập phố xá ở Trà Sơn để buôn bán sinh lợi; hai là cho người nước chúng đi lại truyền đạo Gia tô [tức Công giáo] thu thuế lấy lợi. Đó đều là những khoản ta không bằng lòng cho. […]. Nhưng thuyền tàu súng đạn đều là cái sở trường của chúng” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.610).

Các nhóm khác đều lần lượt tâu, người thì nói đánh giữ, người thì nói hòa, trong đó có một ý quan trọng rằng “nếu hòa với nó thì các việc: bỏ điều cấm [truyền đạo], cho thông thương, dựng nhà thờ đạo, lập phố bán hàng, trăm cách gian giảo đều bởi trong một chữ “hòa” mà ra cả, các tệ hại không thể nói xiết được”. Vua Tự Đức mới bảo: “Bọn ngươi biết việc đánh việc giữ là khó, mà không biết việc hòa lại càng khó hơn…” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.611).

Chuyện chiến – hòa, bàn ra nói vào trong nội bộ triều đình Huế, phần nào giải thích được lý do thất bại của hai cuộc hòa đàm ngày 20.6 và 28.6 như Henri de Ponchalon đã thuật lại.

 

Tối hậu thư của Rigault de Genouilly

Đầu tháng 6 âm lịch (khoảng đầu tháng 7.1859), Rigault de Genouilly lại sai đặc phái viên Lafont đến bàn việc hòa, xin triều đình Huế phái quan đến cùng hội bàn. Vua Tự Đức cho là “nay đã chán chiến tranh, đến bàn hòa, cũng là ý tốt. Bèn sai Nguyễn Tri Phương chuyên biện việc ấy, nói hết cả các điều đính ước, tâu lên đợi mệnh lệnh” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.617). Sự việc này tương ứng với tường thuật của Henri de Ponchalon, tức cuộc hòa đàm lần thứ ba diễn ra ngày 4.7.1859 nhưng không mang lại kết quả thuận lợi hai bên mong muốn.

Một cuộc hội đàm nữa diễn ra ngày 20.7.1859, tiếp đến là cuộc hội đàm ngày 11.8.1859 và Henri de Ponchalon chua chát viết: “Các vị quan [Đại Nam] hầu như không bao giờ trả lời các câu hỏi của chúng tôi, họ lảng tránh chúng bằng một nghệ thuật siêu đẳng” (Henri de Ponchalon, Indo-Chine: souvenirs de voyage et de campagne, 1858 – 1860 (Đông Dương: hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858 – 1860), sđd, tr.196).

Đứng trước tình cảnh này, Rigault de Genouilly ra tối hậu thư, yêu cầu phía Đại Nam phải đưa ra câu trả lời dứt khoát cho các yêu sách của Pháp trong vòng 25 ngày tới, nếu không ông ta sẽ tái khởi động cuộc chiến vào ngày 6.9.1859. Bốn ngày sau cuộc hòa đàm (15.8.1859), phía Đại Nam muốn mở cuộc hội đàm mới nhưng phía Pháp từ chối, họ muốn nhận được câu trả lời quả quyết về yêu sách mà họ đã đưa ra thay vì mất thời gian trên bàn đàm phán.

Phía Đại Nam yêu cầu mở thêm một cuộc hội đàm vào ngày 29.8.1859, phía Pháp cử đại diện là thừa sai Legrand đón tiếp nhưng cuộc trao đổi “chỉ kéo dài vài phút”, Henri de Ponchalon cho biết. Đến ngày 6.9.1859, phía Đại Nam vẫn từ chối yêu sách của Rigault de Genouilly, Henri de Ponchalon cho rằng: “Người An Nam đã qua mặt chúng ta. Kéo dài cuộc thương lượng với mục đích tranh thủ thời gian để thu hoạch vụ mùa” (Henri de Ponchalon, Indo-Chine: souvenirs de voyage et de campagne, 1858 – 1860 (Đông Dương: hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858 – 1860), sđd, tr.198).

Quá trình đàm phán dằng dai hơn hai tháng nhưng không mang lại kết quả tích cực nào, cuộc chiến Pháp – Đại Nam bước qua một giai đoạn mới đầy khốc liệt. (còn tiếp)

 

NGUYỄN QUANG DIỆU – LÊ CÔNG SƠN

TNO