Hộ chiếu văn hoá Việt Nam: Du lịch di sản cần cách tiếp cận thú vị
Hộ chiếu văn hoá Việt Nam: Du lịch di sản cần cách tiếp cận thú vị
Sau nhiều năm hoạt động trong ngành du lịch, Võ Hoàng Phúc (Phúc Võ) – người sáng lập nhóm Saigon Morning Ride – nhận ra người Việt hay người Việt trẻ vẫn rất quan tâm văn hóa truyền thống, vấn đề là phải tiếp cận sao cho thú vị.
Khá tương đồng với cách tiếp cận của Phan Khắc Huy với Echoing Trip giúp người tham gia học lịch sử – văn hóa qua những chuyến đi bộ điền dã (“Trân quý di sản giữa lòng đô thị”, Tuổi Trẻ ngày 3-12), Phúc Võ lựa chọn kết hợp giữa thể thao và thể nghiệm, thông qua những tour đạp xe với nhiều chủ đề đa dạng để người tham gia vừa được rèn luyện thể chất và cởi mở tinh thần, vừa khám phá những câu chuyện văn hóa hấp dẫn mang về sau mỗi chuyến đi.
Đánh thức báu vật đang ngủ
5h15 sáng thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, các bạn trẻ yêu xe đạp lại hẹn nhau cùng rong ruổi khắp ngõ ngách Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Từ sau dịch, các bạn có dịp trải nghiệm hơn 50 tour đạp xe khám phá những câu chuyện văn hóa, lịch sử độc đáo như: Hẻm, Lăng mộ cổ, Biển hiệu xưa, Thủy đài, Con đường lúa gạo, Sài Gòn by night, Óc Eo relic, Thánh đường Hồi giáo, Sài Gòn Bách nghệ…
Có những công trình hãy còn, có những di tích đang dần mai một, và cả những di sản chỉ còn trong ký ức. Càng đi, càng nhiều kiến thức được chia sẻ, các bạn lại càng thêm yêu quý, tự hào về những điều quý giá nhưng vì quen thuộc nên dễ bị bỏ quên trong đời sống thường ngày. Thì ra, quê hương mình hấp dẫn đến thế!
Để có được những chuyến đi ấn tượng, nhóm của Phúc thường phải mất từ vài tuần đến vài tháng, thậm chí cả năm tìm tòi tư liệu và khảo sát thực tế, nhất là với những cung đường gần như biến mất. Nhưng càng khó, kết quả càng xứng đáng. Phúc vẫn nhớ như in cảm xúc tự hào khi làm tour chia sẻ câu chuyện của các vĩ nhân được tạc tượng ở Sài Gòn.
“Mình dẫn các bạn đạp ra bùng binh Phú Lâm, nơi có tượng ông Trần Nguyên Hãn dời từ chợ Bến Thành về, đã xuống cấp và được phủ bạt. Tụi mình đều thấy có thêm kết nối với Sài Gòn, và các bậc tiền nhân hẳn cũng sẽ vui khi biết có những đứa trẻ nhỏ xíu sau này vẫn còn nhớ đến họ!”.
Với những người đam mê văn hóa như Phúc, giá trị di sản là vô giá. Đó là những sản phẩm độc bản của mỗi nền văn hóa mà không nơi nào khác có được, và để hiểu, người ta phải đến tận nơi tìm tòi, học hỏi.
“Vì sao người Hàn, người Nhật phải sang Việt Nam để học văn hóa Việt? Vì khi hiểu được văn hóa, mọi kết nối khác đều trở nên thuận lợi. Chúng ta có của quý nhưng ít khi ý thức vì sao nó quý!” – Phúc Võ tâm sự. Vì vậy, ngoài cung cấp kiến thức, Phúc cho rằng nhiệm vụ của người dẫn tour là phải chia sẻ sao cho mọi người hiểu và trân trọng những giá trị di sản, văn hóa. Đó là những bảo vật ngủ yên cần được khơi dậy, đánh thức giá trị xứng đáng trong đời sống đương đại.
“Tài nguyên du lịch Việt Nam rất phong phú, chúng ta chỉ mới chạm tới phần nổi của tảng băng trôi. Điển hình ở TP.HCM, mọi người thường chỉ tham quan những nơi nổi tiếng như Dinh Độc Lập, các bảo tàng, bưu điện, chợ Bến Thành… trong khi còn vô vàn giá trị mang tính di sản đang tồn tại xung quanh, những yếu tố trải nghiệm sống động như ẩm thực, nghệ thuật, làng nghề truyền thống… còn chưa được khai thác. Tụi mình lượm lặt những yếu tố đó để làm tour. Các tour sống được và khách rất thích. Nếu có cách tiếp cận phù hợp, du lịch di sản sẽ đầy tiềm năng” – Phúc Võ khẳng định.
Sự nhiệt huyết của hướng dẫn viên là một sức hút đặc biệt cho các tour trải nghiệm. Nhưng để tìm những người dẫn dắt có hồn, đầy am hiểu là rất khó. Ngành hướng dẫn viên đang được đào tạo theo chiều rộng. Nếu có thể phân chia thành những chuyên ngành về thiên nhiên, di sản, ngôn ngữ…; đội ngũ hướng dẫn viên chuyên sâu này sẽ là những người lan tỏa các giá trị văn hóa, di sản hiệu quả hơn.
Kết nối những “đốm lửa” cùng đam mê
Một trùng hợp tình cờ trong lúc Tuổi Trẻ thực hiện tuyến bài về di sản này, Phúc Võ và Phan Khắc Huy cũng vừa ngồi lại cùng nhau. Cả hai đều nhận ra những khó khăn, thách thức trong việc vận hành tour hiện tại, nhưng không nản chí mà để có thêm động lực kết hợp và triển khai những ý tưởng mới.
Theo Phúc Võ, hướng đi của cả hai đều là thị trường “ngách”, dù tiềm năng nhưng rất kén khách, chưa phù hợp nhu cầu số đông. Người Việt vẫn quen đi tour để vui cùng bạn bè, gia đình, để giải trí hơn là vận động thể chất và tìm hiểu văn hóa, nên không phải cứ có tour hay, độc đáo là hiệu quả. Lâu dần, khách tham gia tour đều là khách quen, các bạn phải liên tục “đẻ” thêm những chủ đề mới trong khi chưa tận dụng hết những tour đầu tư công phu trước đó.
“Làm tour cần đam mê, nhưng chỉ đam mê là chưa đủ, vì cái mình mê chưa hẳn người khác cũng mê. Để sống được, các tour phải cân bằng giữa cung cấp kiến thức và thư giãn giải trí, đồng thời đảm bảo doanh thu cho anh em. Hiện tại, cả Phúc và anh Huy đều đang tự khởi nghiệp, tự đi và vỡ đường, vừa trực tiếp vận hành vừa liên tục cập nhật, thay đổi, cải tiến sản phẩm… quá nhiều áp lực phải lo.
Những hạn chế về truyền thông cũng là một điểm yếu khiến các hoạt động của tụi mình chỉ là những đốm lửa nhỏ chưa cháy bùng lên được. Phúc tin rằng khi các tour được truyền thông đúng, đủ, dễ hiểu và đầu tư, sẽ thu hút được nhiều khách mới và cả sự quan tâm từ những đơn vị liên quan” – Phúc Võ góp ý.
Ngoài những tour riêng của nhóm, Phúc nhận dẫn thêm tour cho các công ty du lịch để cảm nhận thị trường. Huy và Phúc cũng quyết định kết hợp làm tour, trong đó Huy là người lo nội dung, còn nhóm của Phúc sẽ lo về vận hành và phương tiện. Cả hai đang chuẩn bị triển khai một tour khám phá mới tại Biên Hòa, Đồng Nai. Hy vọng sự kết hợp của những “đốm lửa” này sẽ tiếp tục thổi bùng đam mê và nhiệt huyết cho những hành trình khám phá văn hóa và di sản hấp dẫn tiếp theo.